Bộ sách Phạm Văn Đồng Tuyển tập gồm 3 tập. Tập I gồm 61 bài nói, bài viết và thư của đồng chí Phạm Văn Đồng về các vấn đề kinh tế, văn hoá, xã hội, ngoại giao... trong khoảng thời gian từ năm 1946 đến 1965 - thời gian lịch sử xuyên suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và 10 năm đầu của công cuộc khôi phục kinh tế - xã hội, xây dựng chủ nghĩa xã hội trên miền Bắc và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Đồng chí Phạm Văn Đồng là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một trong những cán bộ tiền bối, là người lãnh đạo kiên cường, giàu kinh nghiệm của Đảng và Nhà nước ta, được Đảng và nhân dân tin cậy giao phó nhiều trọng trách: Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng chí đã cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng hoạch định và tổ chức thực hiện những chủ trương, chính sách lớn phục vụ công cuộc kháng chiến và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Thông qua những tác phẩm, bài nói, bài viết của đồng chí Phạm Văn Đồng trong cuốn sách, chúng ta không chỉ được tiếp cận với những quan điểm, tư tưởng của đồng chí, đồng thời cũng là của Đảng ta, trên nhiều lĩnh vực quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, mà còn hiểu về những tâm tư, nguyện vọng, tình cảm rất cao đẹp của đồng chí dành cho cách mạng, cho đất nước, cho nhân dân. Có thể nói, những thành quả xây dựng kinh tế miền Bắc những năm 1955-1965 in đậm công lao, dấu ấn hoạt động và cống hiến của đồng chí Phạm Văn Đồng. Đồng chí quan tâm đến sự nghiệp phát triển giáo dục, văn hoá nghệ thuật, khoa học - kỹ thuật, thể hiện sự trân trọng, tình cảm và sự sẻ chia với những thành công, những nhọc nhằn của những người trong nghề. Viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là một bộ phận quan trọng trong các tác phẩm của đồng chí Phạm Văn Đồng. Ngoài ra, còn có một số bài nói, bài viết của đồng chí về các lực vũ trang, về ngoại giao và đấu tranh ngoại giao cùng một số lĩnh vực khác.
Bộ sách Phạm Văn Đồng Tuyển tập được xuất bản nhằm góp phần vào việc nghiên cứu lịch sử Đảng và cách mạng Việt Nam, vào công tác giáo dục chính trị tư tưởng và công tác nghiên cứu lý luận trong thời kỳ đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.