Phòng, chống in lậu: Băn khoăn chế tài chưa đủ mạnh

Ngày đăng: 22/09/2014 - 10:09

Tổng kết 5 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 16/2009/TTLT-BTTTT-BCA tổ chức tại Thái Nguyên vừa qua đã chỉ ra rằng công tác phòng, chống in lậu đã có nhiều bước tiến vượt bậc. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa” ở một số nơi. Vậy căn nguyên của câu chuyện này là gì?

-in lauBộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son

Phòng chống in lậu, 5 năm nhìn lại

Trong 5 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 16/2009/TTLT-BTTTT-BCA ngày 12-5-2009, tình hình in và xuất bản có nhiều chuyển biến. Sự đổi mới về chủ trương định hướng phát triển và cơ chế quản lý thông thoáng thực sự đã làm cho hoạt động xuất bản, in, phát hành phát triển mạnh mẽ. Tăng trưởng về xuất bản hằng năm trên 10% về số bản, đề tài xuất bản thực hiện do liên doanh xuất bản chiếm 70-80%, mạng lưới phát hành xuất bản phẩm rộng khắp với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, hằng năm phát hành trên 200 triệu bản sách.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ này, tình trạng in lậu cũng theo đó mà diễn ra với quy mô lớn, phức tạp và tinh vi hơn. Đối tượng in lậu có nhiều thủ đoạn để đối phó sự phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng. Chúng thường hoạt động có tổ chức, bí mật, thực hiện vào ban đêm, cơ sở in núp dưới danh nghĩa các công ty, đơn vị và đặt ở những vị trí kín đáo, xa trung tâm, in bìa một nơi, in ruột một nơi, sau đó gia công hoàn thiện ở những nơi khác nhau. Khi bị phát hiện, đối tượng in lậu dùng nhiều thủ đoạn khác nhau để đối phó với cơ quan chức năng như đóng cửa nhà xưởng, viện lý do để vắng mặt, bỏ trốn...

Hậu quả của in lậu quá rõ ràng. In lậu đã xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho nhà xuất bản, làm thất thu cho ngân sách nhà nước... Đồng thời gây ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế khi tham gia Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật. In lậu là nguyên nhân triệt tiêu sự sáng tạo. Đáng nói hơn, in lậu còn tiếp tay cho việc phát tán những sách có nội dung chống phá chính quyền, tuyên truyền mê tín dị đoan, dâm ô, đồi trụy...

Trước tình hình đó, ngay khi Thông tư liên tịch số 16/2009/TTLT-BTTTT-BCA có hiệu lực, đoàn liên ngành phòng chống in lậu đã tiến hành các biện pháp: xây dựng cơ cấu tổ chức, quy chế hoạt động và tiến hành phối hợp phòng, chống in lậu đối với các tỉnh thành phố không thành lập đội liên ngành phòng chống in lậu; xây dựng các văn bản pháp luật, tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng chống in lậu; tham mưu cho lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị Chính phủ bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra Thông tin và Truyền thông đối với lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan, quảng cáo...

Đặc biệt, các đội thanh tra liên ngành được thành lập ở địa phương và có sự chỉ đạo của Đoàn Thanh tra liên ngành Trung ương đã có kết quả rõ rệt.

Trong 5 năm qua, Đoàn liên ngành phòng chống in lậu tại Trung ương đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 91 cơ sở in, 30 cơ sở phát hành, 12 nhà xuất bản, 1 vụ chuyển Cơ quan An ninh điều tra khởi tố xử lý hình sự. Kết quả đã thanh, kiểm tra xử phạt và xử lý nhiều tang vật. Cụ thể, xử phạt vi phạm hành chính 33 tổ chức cá nhân với tổng số tiền 292.000.000 đồng; chuyển Sở Thông tin và Truyền thông xử phạt theo thẩm quyền với số tiền 290.000.000 đồng. Xử lý tang vật, tịch thu tiêu hủy 22.021 lịch bloc không dán tem hoặc dán tem giả, 4 tấn lịch thành phẩm vi phạm, 10.000 lịch bloc bán thành phẩm loại trung pơluya in không có quyết định xuất bản; 58.453 sách vi phạm bản quyền, vi phạm các quy định về xuất bản; 300kg sản phẩm in vi phạm; 18.000 xuất bản phẩm in lậu...

Các đội liên ngành phòng, chống in lậu địa phương (32 Đội) phối hợp với Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông, phòng Văn hóa các quận, huyện tiến hành thanh tra, kiểm tra 3.860 các nhân, tổ chức tham gia hoạt động in, photocopy, phát hành xuất bản phẩm trên địa bàn, 1 vụ chuyển cơ quan điều tra khởi tố điều tra xử lý. Kết quả xử phạt vi phạm hành chính 182 đối tượng với số tiền trên 1 tỉ đồng; cảnh cáo nhắc nhở 300 đối tượng; Xử lý tang vật tịch thu tiêu hủy 69.000 xuất bản phẩm (sách, lịch bloc) vi phạm; 55.000 tem giả; 4,5 tấn lịch bloc thành phẩm; 5,3 tấn vàng mã; 1.300 đĩa VCD kèm sách vi phạm; tịch thu 4 máy photocopy màu.

Công tác phòng, chống in lậu của Thanh tra các Sở Thông tin và Truyền thông (13 Sở Thông tin và Truyền thông gửi báo cáo): Tiến hành thanh tra, kiểm tra 1.071 tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động in, phát hành, 1 vụ chuyển cơ quan điều tra khởi tố điều tra. Xử lý vi phạm hành chính 131 tổ chức cá nhân vi phạm với số tiền trên 1 tỉ 200 triệu đồng; xử lý tang vật: tịch thu tiêu hủy 34.186 xuất bản phẩm vi phạm; 592 kg sách vi phạm; 6.100 kg sản phẩm bao bì vi phạm; 100 đĩa VCD kèm sách vi phạm; 287 bìa hồ sơ vi phạm.

Điển hình, năm 2012, Đoàn liên ngành phối hợp với Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Xuất bản, In và Phát hành tiến hành thanh tra đột xuất cơ sở phát hành sách Bookworm (địa chỉ 44 Châu Long, Ba Đình, Hà Nội đã phát hiện cơ sở phát hành 15 cuốn sách của tác giả Dương Thu Hương, Bùi Tín có nội dung đi ngược với đường lối, quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước; 19 cuốn sách hướng dẫn du lịch có thông tin thiếu hoặc không đúng về chủ quyền quốc gia, 35 cuốn in sao lậu sách của nhà xuất bản nước ngoài. Đoàn thanh tra đã tham mưu Chánh thanh tra xử phạt 35 triệu đồng và tiêu hủy toàn bộ số sách vi phạm...

Như vậy là chỉ trong vòng 5 năm thực hiện, đoàn liên ngành và các đội phòng chống in lậu các tỉnh đã kiểm tra, giám sát phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, một hiện tượng đặt ra, nhiều cơ sở in lậu vẫn tìm mọi cách để in lậu. Đặc biệt nhiều trường hợp tái phạm nhiều lần.

Tại sao vẫn còn “bắt cóc bỏ đĩa”?

Đóng góp tham luận tại Hội nghị, ông Nguyễn Đăng Quang, nguyên Phó Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục chia sẻ: Một số nơi, việc phòng chống buôn lậu vẫn diễn ra tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”. Bắt xong, đối tượng nộp phạt xong, thản nhiên tiếp tục in lậu, có khi với quy mô còn lớn hơn, với các thủ đoạn tinh vi hơn. Điển hình như các nhà sách Định Thịnh, Phú Thịnh, Sơn Luyến ở Bắc Giang. Ông cho biết: “Tháng 11-2013, đoàn kiểm tra liên ngành phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục kiểm tra phát hiện hàng vạn bản sách lậu. Thế nhưng, đến tháng 6-2014, kiểm tra lại vẫn thấy nhà sách bán lậu như thường, số lượng sách vi phạm còn nhiều hơn trước.

Ông Quang lý giải, nguyên nhân chính là khung hình phạt quá thấp. Chẳng hạn như Nghị định 159/2013/ NĐ-CP ngày 12-11-2013, tại điểm 7 điều 24 ghi: “Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi in xuất bản phẩm không có quyết định xuất bản (in lậu).

Cũng tại Nghị định số 159-2013- NĐ-CP, điểm 5 điều 24: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm in, nhân bản lậu, in giả, in nối bản trái phép... từ 30 bản trở lên.

Trong khi lợi nhuận từ việc xuất bản lậu, buôn bán sách lậu lại mang đến cho người ta hàng tỉ đồng mỗi năm thì những khoản phạt này chẳng thấm tháp vào đâu. Ông Quang khẳng định lần nữa, lỗi là do chế tài quá nhẹ không đủ tính răn đe.

Còn đối với chế tài quy định tại Luật hình sự thì sao? Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục A87- Bộ Công an lại chỉ ra khó khăn khác khi áp dụng hình sự. Theo ông Tuấn, việc áp dụng hình phạt tù đối với hành vi in lậu cũng gặp khó khăn. Tại điều 271, Bộ luật hình sự, mức hình phạt cao nhất của tội này chỉ 3 tháng đến một năm. Như vậy, theo quy định của pháp luật thì thời hạn tạm giam để điều tra không đủ để cơ quan Điều tra hoàn tất thủ tục, nhất là với án phức tạp và tinh vi như in lậu.

Ông Tuấn cũng đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông tham mưu cho Chính phủ cần sửa đổi lại Nghị định 159 để có tính răn đe hơn.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son có những đánh giá tích cực với cố gắng của lực lượng liên ngành nhưng cũng đã nhìn thẳng vào những điều còn tồn tại, bất cập. Bộ trưởng cũng rất lưu ý về vấn đề chế tài chưa đủ mạnh, khiến việc xử lý chưa đủ sức răn đe. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Dù Nghị định 159 mới ra đời nhưng nếu chế tài với in lậu chưa đủ sức răn đe, chúng tôi sẽ đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi cho phù hợp”.

Như vậy, trước tình hình phòng chống in lậu đầy khó khăn nhưng với sự quyết tâm và có chế tài đủ mạnh thì tình trạng in lậu sẽ có xu hướng giảm. 

        Điều 271. Tội vi phạm các quy định về xuất bản, phát hành sách, báo, đĩa âm thanh, băng âm thanh, đĩa hĩnh, băng hình hoặc các ấn phẩm khác

1. Người nào vi phạm các quy định về xuất bản và phát hành sách, báo, đĩa âm thanh, băng âm thanh, đĩa hình, băng hình hoặc các ấn phẩm khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.

2. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

(Trích Điều 271 Luật hình sự)          

 Hồng Chuyên

Theo Tri thức thời đại


Bình luận