Quá trình ra đời và phát triển của nền xuất bản cách mạng Việt Nam (P3: Thời kỳ 1954-1975)
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp nghị Giơnevơ (ngày 21-7-1954) chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương, mở ra một thời kỳ mới - một thời kỳ rất đặc biệt trong lịch sử nền văn hóa dân tộc. Đó là thời kỳ nhân dân ta đồng thời vừa phải xây dựng nền văn hoá mới, văn hoá xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, chăm lo cho sự hình thành và phát triển văn hoá cách mạng ở miền Nam, vừa phải đấu tranh chống văn hoá nô dịch, phản động và sự xâm lăng về văn hoá ở các vùng do đế quốc Mỹ và tay sai kiểm soát. Cuộc đấu tranh chống sự xâm lăng của văn hoá thực dân mới, bảo vệ văn hoá dân tộc ở miền Nam cũng như công cuộc xây dựng nền văn hoá mới ở miền Bắc những năm 1954 - 1975 thực chất là cuộc đấu tranh giữa hai chế độ, hai hệ tư tưởng, thể hiện trong hai khuynh hướng văn hoá, vì vậy nó đã diễn ra hết sức gay go, tinh vi và phức tạp, không kém cuộc đọ sức trên chiến trường. Và trong cuộc chiến đấu này, ngành văn hoá thông tin nói chung và ngành xuất bản nói riêng đã có những đóng góp to lớn.
Trong thời kỳ này, có thể điểm lại một số mốc quan trọng của hoạt động xuất bản ở miền Bắc như:
Thứ nhất, những năm từ 1955 đến 1959 là thời kỳ ngành xuất bản vừa phải tiến hành việc cải tạo, quản lý, hướng dẫn các hoạt động xuất bản tư nhân trong chế độ cũ, vừa tìm tòi, xác định nguyên tắc cho hoạt động xuất bản mới khi chính quyền cách mạng được thiết lập, tạo điều kiện cho nó phát triển cơ bản và lâu dài, đồng thời, lại phải khẩn trương triển khai những hoạt động phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội ở giai đoạn này. Cụ thể là:
Về xuất bản, cho đến năm 1957 ở miền Bắc có 14 nhà xuất bản, trong đó có một số nhà xuất bản tư nhân. Được xuất bản nhiều trong thời gian này là sách về chủ nghĩa Mác - Lênin, các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sách giáo khoa, sách thiếu nhi, sách khoa học phục vụ nhiều đối tượng. Các nhà xuất bản Sự thật, Nông thôn, Thanh niên, Phổ thông, Văn học, Quân đội nhân dân, Kim Đồng, Ngoại văn... là những nhà xuất bản có đông bạn đọc nhất.
Về phát hành, qua mạng lưới các hiệu sách nhân dân (phát triển tới huyện, thị) sách đã về tới tận cơ sở theo phương châm "bốn đúng" (đúng nhiệm vụ, đúng yêu cầu, đúng đối tượng, đúng thời gian) và thực hiện vừa phát hành vừa phổ biến sách đến bạn đọc. Nói tới phát hành không thể không nói tới việc xuất nhập khẩu sách báo. Công ty Xuất nhập khẩu sách báo Việt Nam XUNHASABA được thành lập từ năm 1957 đã góp phần không nhỏ vào việc tuyên truyền sách Việt Nam ra quốc tế và tiếp nhận vào Việt Nam những tác phẩm có giá trị của các nước, nhất là các nước xã hội chủ nghĩa.
Cần lưu ý một đặc điểm của xuất bản thời kỳ đầu giải phóng miền Bắc là sự tồn tại của một số nhà xuất bản tư nhân. Số nhà xuất bản này không nhiều, là những cơ sở xuất bản ra đời từ thời kỳ Pháp thuộc, chủ yếu kinh doanh in và buôn bán sách. Trong các cơ sở xuất bản, in ấn này Nhà xuất bản Minh Đức đã cho xuất phẩm các ấn phẩm như Giai phẩm mùa thu (1956), Giai phẩm mùa xuân, Đất mới, Trăm hoa... của nhóm "Nhân văn giai phẩm" - một nhóm văn nghệ sĩ trí thức bất mãn với đường lối văn hoá, văn nghệ của Đảng, chính sách văn hoá của Nhà nước, công khai phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng với văn hoá, văn nghệ, đòi tách văn hoá, văn nghệ ra khỏi chính trị... Chúng ta đã phát hiện, phê phán những cuốn sách, những ấn phẩm không có lợi cho công cuộc kiến thiết miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà, đem lại sự phát triển đúng hướng, lành mạnh của hoạt động xuất bản.
Từ năm 1958, hoạt động xuất bản ở miền Bắc đã đi vào ổn định, bước đầu đạt được những thành tích đáng ghi nhận. Trong ba năm khôi phục, phát triển kinh tế 1958 - 1960, hệ thống và quy mô xuất bản được xác lập rõ ràng. Năm 1959, Ban Bí thư, đã ban hành các chỉ thị số 51 và 172 theo đó ba ngành in, xuất bản và phát hành sách báo được tách ra từ Nhà in Quốc gia (thành lập trong kháng chiến chống Pháp). Từ đây nhiều cơ sở xuất bản đã hoạt động độc lập, tách khỏi các cơ quan báo chí. Do đó, số lượng sách, văn hoá phẩm được xuất bản tăng lên rất nhanh, năm sau tăng gấp nhiều lần năm trước. Năm 1955, số lượng sách được xuất bản chỉ là 1,5 triệu bản thì năm 1957 đã là 10 triệu bản, đến năm 1960, lên tới 14 triệu bản, bao gồm 2.000 tên sách.
Trong khoảng thời gian từ năm 1954 đến 1960, số bản sách được xuất bản ở miền Bắc đã tăng lên gần 10 lần. Chỉ riêng con số đó đã cho thấy rõ sự phát triển vượt bậc của xuất bản những năm đầu sau khi miền Bắc được giải phóng và bắt đầu bước vào thời kỳ mới. Điều cần nhấn mạnh là, cùng với việc cải tạo, hướng dẫn các hoạt động xuất bản, in của chế độ cũ, đặc biệt trong vùng tạm chiếm ở Hà Nội và các thành phố, Đảng và Nhà nước ta đã khẩn trương và chủ động tổ chức hệ thống xuất bản của chế độ mới ở cả ba khâu (nhà xuất bản, nhà in và hệ thống phát hành sách). Nếu như sau Cách mạng Tháng Tám và trong kháng chiến chống Pháp, chúng ta có bốn nhà xuất bản (Lao động, Sự thật, Văn học, Quân đội nhân dân) thì chỉ trong bảy năm, từ 1954 đến 1960, chúng ta đã cho thành lập thêm 12 nhà xuất bản. Có thể nói, những chuyên ngành thuộc các lĩnh vực cơ bản và quan trọng nhất của đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của nước ta đều đã có nhà xuất bản và có thể khẳng định rằng, các nhà xuất bản ra đời trong thời kỳ này đã trở thành những nhà xuất bản có uy tín, có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự phát triển chung của sự nghiệp xuất bản Việt Nam thế kỷ XX. Theo trình tự ngày tháng thành lập, từ 1954 đến 1960, đó là những nhà xuất bản: Thanh niên, Nông nghiệp, Ngoại văn (Thế giới), Giáo dục, Kim Đồng, Âm nhạc, Hội nhà văn, Văn hoá - Thông tin, Phụ nữ, Y học, Khoa học - Kỹ thuật, Thể dục thể thao.
Sau năm năm trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng cho hoạt động xuất bản, với tư cách là Đảng cầm quyền, với một quá trình tìm tòi không hề đơn giản và được thực tiễn kiểm chứng là đúng đắn, để chuẩn bị cho bước phát triển mới của xuất bản trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, ngày 23-11-1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã ra Chỉ thị số 172-CT/TW về Công tác xuất bản.
Đánh giá kết quả hoạt động xuất bản từ năm 1954 đến 1959, Chỉ thị số 172-CT/TW đã khẳng định những thành tựu của công tác xuất bản, đó là tác dụng lớn trong việc giáo dục chính trị và tư tưởng cho nhân dân, trong việc phát triển sự nghiệp giáo dục, khoa học, văn hoá, nghệ thuật. Nội dung xuất bản ngày càng đi sát với những nhiệm vụ chính trị của Đảng, phục vụ công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, phục vụ sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà và ngày càng đi sát với yêu cầu của quần chúng. Đồng thời, Chỉ thị cũng nghiêm khắc nhấn mạnh ba khuyết điểm cơ bản của hoạt động xuất bản, đó là chưa thật sự vận động nhân dân loại trừ các xuất bản phẩm phản động và lạc hậu do chế độ cũ để lại; chất lượng xuất bản phẩm nói chung còn thấp; việc tổ chức và lực lượng xuất bản còn yếu. Từ thực tiễn đó, để chuẩn bị vững chắc cho xuất bản bước vào thời kỳ mới với nhiều thử thách, cam go, cũng trong Chỉ thị này, Ban Bí thư đã quyết định ba vấn đề lớn của xuất bản là: Kiên quyết quét sạch xuất bản phẩm phản động, loại trừ xuất bản phẩm lạc hậu, trong đó có những hướng dẫn rất cụ thể, khoa học các công việc cần làm, phân biệt thái độ đối với từng loại xuất bản phẩm; cải tạo các tổ chức in và xuất bản tư nhân; xây dựng lực lượng xuất bản xã hội chủ nghĩa.
Chỉ thị số 172-CT/TW là dấu mốc tổng kết giai đoạn đầu tiên của hoạt động xuất bản (1954-1959), đồng thời là căn cứ lý luận để chỉ đạo hoạt động xuất bản những năm tiếp theo.
Thứ hai, những năm từ 1960 đến 1964 là những năm ổn định và phát triển khá vững chắc của hoạt động xuất bản ở miền Bắc. Về mô hình tổ chức, đã hình thành cơ quan quản lý nhà nước theo ba khâu của hoạt động xuất bản (cơ quan Nhà in Quốc gia được chia thành ba ngành). Hệ thống các nhà xuất bản đã bề thế hơn trước, "chiếm lĩnh" được nhiều lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội, một số cơ sở in được nâng cấp, vươn lên trình độ kỹ thuật tiên tiến thời bấy giờ (Nhà in Tiến bộ, Nhà in báo Nhân dân...). Hệ thống phát hành được tổ chức rộng hơn, vươn xa hơn và bắt đầu chú trọng công tác xuất bản và phát hành sách ngoại văn phục vụ hoạt động đối ngoại (Nhà xuất bản Ngoại văn và Công ty Xuất nhập khẩu sách báo Việt Nam (XUNHASABA)). Năm 1959, số bản sách được xuất bản là trên 17 triệu bản, từ năm 1960 đến 1964, trung bình mỗi năm xuất bản khoảng 25 đến 30 triệu bản. Đó là một bước tiến đáng kể và vững chắc. Phạm vi các đề tài xuất bản ngày càng mở rộng, khả năng bao quát lớn hơn, toàn diện hơn, bám sát những nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội và văn hoá của đất nước.
Thứ ba, những năm 1965 - 1975. Đây là thời kỳ cả nước có chiến tranh. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, sách (và báo) đã khẳng định vị thế, trở thành một công cụ lợi hại trong công tác vận động, cổ vũ nhân dân hăng hái lao động sản xuất, dũng cảm chiến đấu. Trong lịch sử, chưa có khi nào sách được yêu chuộng như thời gian này. Đó cũng chính là một trong những đặc điểm rất độc đáo và thành tựu quan trọng của hoạt động xuất bản ở miền Bắc trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Nhiều sách cần cho công cuộc đấu tranh, xây dựng vùng giải phóng, phát triển sản xuất... theo yêu cầu của cách mạng miền Nam đã được tổ chức bản thảo và xuất bản ở các nhà xuất bản miền Bắc để đưa vào miền Nam. Một số nhà xuất bản ở miền Bắc đã trực tiếp xuất bản và phát hành sách phục vụ miền Nam như Nhà xuất bản Giáo dục, Nhà xuất bản Nông nghiệp... Dưới danh nghĩa Nhà xuất bản Giải phóng, Nhà xuất bản Nông nghiệp đã xuất bản hàng chục vạn bản sách phục vụ cách mạng miền Nam, theo đường Hồ Chí Minh vào khắp miền Nam, tận miền Đông và Tây Nam Bộ. Những việc làm trên đây là một đóng góp rất độc đáo của xuất bản đối với sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.
Một bộ phận không thể tách rời của xuất bản cách mạng là hoạt động xuất bản ở vùng giải phóng miền Nam từ năm 1960 đến 1975.
Bên cạnh hoạt động xuất bản ở vùng giải phóng, những vùng đô thị bị Mỹ - ngụy chiếm đóng, bên cạnh dòng xuất bản sách phục vụ cho bộ máy tuyên truyền của bè lũ Mỹ - ngụy, còn có sự xuất hiện và phát triển của khuynh hướng xuất bản yêu nước, tiến bộ với một số tác giả được quý trọng, có ảnh hưởng tích cực trong đời sống tinh thần của đồng bào ở các đô thị miền Nam lúc bấy giờ. Sự xuất hiện của những Bút máu (Vũ Hạnh), Bọt biển và sóng ngầm (Chánh Trung), Nước ta còn đó cho cây rừng lá xanh (Nguyễn Ngọc Lan)... là minh chứng cho một lớp những nhà văn yêu nước và tiến bộ. Có những tác giả đã phải mượn tên nước ngoài để viết và xuất bản những tác phẩm nhằm truyền bá, tuyên truyền những quan điểm yêu nước, tiến bộ. Những tác phẩm đó đã tạo được ảnh hưởng tốt trong người đọc ở miền Nam. Nhiều người cầm bút có lương tâm như Dương Tử Giang, Lê Vĩnh Hoà, Trần Ngọc Sơn, Trọng Tuyên... đã bị bắt và tra tấn đến chết.
Ngoài mảng sách tuyên truyền tư tưởng yêu nước, tiến bộ, mảng sách nghiên cứu, tra cứu, sách khoa học, kỹ thuật cũng là những cống hiến đáng kể của trí thức miền Nam trước giải phóng. Nhiều cơ sở xuất bản lớn ở Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng... với hàng loạt các tác giả có tên tuổi như Nguyễn Hiến Lê, Toan Ánh, Bửu Cầm, Biểu Lịch, Sơn Nam, Vũ Bằng, Vương Hồng Sển, Huỳnh Văn Tòng... đã cho ra mắt hàng chục bộ sách về triết học, lịch sử, khảo cứu văn học Việt Nam và thế giới... trong đó có nhiều sách đến nay vẫn tái bản và được bạn đọc hoan nghênh, có những bộ sách là những công trình nghiên cứu, có giá trị văn hoá lâu dài như Thư tịch của văn khố triều Nguyễn.
Trích trong cuốn Xuất bản Việt Nam trong những năm đổi mới đất nước;
Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Bùi Bằng Đoàn với sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước
- Xuất bản hai cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc
- Tái bản một số ấn phẩm tiêu biểu nhân kỷ niệm 133 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xuất bản bộ sách về lịch sử ngành Công Thương
- Đề cương về văn hóa Việt Nam – Khởi nguồn và động lực phát triển
- Sách tương tác góp phần đánh thức tiềm năng của trẻ
- Xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay theo quan điểm của Đảng
- Đổi mới hoạt động thư viện, phát triển kỹ năng đọc cho thiếu nhi
- Cần tăng đầu tư cho đúng tầm vóc Giải thưởng Sách quốc gia
- Những điều cần biết khi xây dựng tủ sách cho trẻ em
- Sách nói và cuộc đụng độ giữa các nền tảng
- Các xu hướng sách nói trong năm 2023