Quản trị nhà nước và phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam trước năm 1945 (Sách tham khảo)
Lịch sử phát triển của các quốc gia trên thế giới đã chứng minh rằng quản trị nhà nước là nhân tố nền tảng quyết định con đường phát triển của một quốc gia. Do đó, quản trị nhà nước tốt luôn là mục tiêu hướng tới của các quốc gia trên thế giới hiện nay. Thuật ngữ “Quản trị nhà nước” bắt đầu được sử dụng từ thập niên 1990, gắn với quá trình cải cách khu vực công ở các nước và thực thi mô hình quản lý công mới. Mô hình “Quản trị nhà nước tốt” có tám đặc tính cơ bản là: (1) Mở rộng sự tham gia của công dân vào hoạt động quản lý nhà nước; (2) Hoạch định chính sách trên nguyên tắc đồng thuận xã hội; (3) Nền hành chính có trách nhiệm giải trình; (4) Minh bạch; (5) Đáp ứng; (6) Hiệu quả và hiệu lực; (7) Công bằng và thu hút; (8) Nhà nước pháp quyền. Trong quá trình phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, việc vận dụng tám đặc tính này vào quản trị nhà nước ở Việt Nam là sự bổ trợ quan trọng cho phát triển và hiện đại hóa quản lý công. Vấn đề quản trị nhà nước và phòng, chống tham nhũng thường được gắn với nhau trong các chương trình nghị sự của các tổ chức quốc tế cũng như trong chính sách, pháp luật của nhiều quốc gia. Do đó, việc nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử quản trị nhà nước và những kinh nghiệm về phòng, chống tham nhũng trong lịch sử Việt Nam trước năm 1945 có ý nghĩa tham khảo, mở ra những bài học kinh nghiệm trong quản trị nhà nước tốt và phòng, chống tham nhũng cho Nhà nước Việt Nam. Thời gian qua, vấn đề quản trị nhà nước và phòng, chống tham nhũng đạt những kết quả bước đầu quan trọng cả trong nhận thức và hành động. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thể chế quản lý kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện và thực hiện tương đối đồng bộ, toàn diện. Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; đồng thời Quốc hội, Chính phủ cụ thể hóa nghị quyết, chỉ thị của Đảng thành chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần đấu tranh đẩy lùi tình trạng tham nhũng. Tổ chức và hoạt động của cơ quan, đơn vị chuyên trách về phòng, chống tham nhũng từng bước được kiện toàn, phát huy hiệu quả. Nhằm cung cấp ý kiến tư vấn cho các cơ quan nhà nước, các nhà hoạch định chính sách, đồng thời để xây dựng, củng cố học liệu cho việc giảng dạy, nghiên cứu trong Chương trình thạc sĩ Quản trị nhà nước và phòng, chống tham nhũng của Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Quản trị nhà nước và phòng, chống tham nhũng trước năm 1945 do PGS. TS. Nguyễn Thị Quế Anh, PGS. TS. Nguyễn Minh Tuấn, PGS.TS. Vũ Công Giao, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh (đồng chủ biên). Cuốn sách là tập hợp các bài tham luận trong Hội thảo khoa học với chủ đề “Quản trị nhà nước và phòng, chống tham nhũng trước năm 1945”, do Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 30/6/2020 . Nhiều vấn đề được các nhà khoa học phân tích, làm sáng tỏ trong cuốn sách như mô hình quản trị nhà nước; phòng, chống tham nhũng dưới triều vua Lê Thánh Tông; luật hồi tỵ nhằm ngăn tình trạng “gia đình trị”, tuyển dụng quan lại thời phong kiến ở Việt Nam, mối quan hệ giữa Nhà nước và Nhân dân; phát hiện và xử lý tham nhũng thời Nguyễn; phòng, chống tham nhũng trong pháp luật phong kiến Việt Nam; quản trị nhà nước và phòng, chống tham nhũng trong thời kỳ Hậu Lê…
Cuốn sách là tài liệu quý, phục vụ hoạt động giảng dạy, học tập trong Chương trình đào tạo thạc sĩ pháp luật về quản trị nhà nước và phòng, chống tham nhũng, đồng thời là tài liệu tham khảo hữu ích cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xây dựng, hoạch định, tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về quản trị nhà nước và phòng, chống tham nhũng. Độc giả có thể tham khảo sách tại thư viện Quốc gia và thư viện các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Bùi Bằng Đoàn với sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước
- Xuất bản hai cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc
- Tái bản một số ấn phẩm tiêu biểu nhân kỷ niệm 133 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xuất bản bộ sách về lịch sử ngành Công Thương
- Đề cương về văn hóa Việt Nam – Khởi nguồn và động lực phát triển
- Sách tương tác góp phần đánh thức tiềm năng của trẻ
- Xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay theo quan điểm của Đảng
- Đổi mới hoạt động thư viện, phát triển kỹ năng đọc cho thiếu nhi
- Cần tăng đầu tư cho đúng tầm vóc Giải thưởng Sách quốc gia
- Những điều cần biết khi xây dựng tủ sách cho trẻ em
- Sách nói và cuộc đụng độ giữa các nền tảng
- Các xu hướng sách nói trong năm 2023