Quốc gia học tập: học tập công nghệ, chính sách công nghiệp và bắt kịp thành công

Ngày đăng: 05/05/2021 - 10:05

Sự tiến bộ và phát triển của các quốc gia trong nền kinh tế toàn cầu có liên quan đến cách thức quốc gia học tập, cụ thể hơn là với các quá trình học hỏi công nghệ, chính sách công nghiệp và bắt kịp. Động lực chính đối với các quốc gia học tập là việc cần xem xét về quá trình học tập đang diễn ra, cách thức học tập đang thực hiện và lợi thế của quốc gia đi sau để học tập các bài học trong giai đoạn bắt đầu công nghiệp hóa của thế kỷ XXI. Các quốc gia đi sau học tập công nghệ và chuyển đổi cơ cấu sẽ ở giai đoạn đầu của quá trình bắt kịp. Bên cạnh đó, một số quốc gia đã thực hiện công nghiệp hóa ở giai đoạn trước đó lại phải đối mặt với những thách thức và có xu hướng bị “chậm lại” trong lộ trình đạt được mức thu nhập trung bình. Cuốn sách Quốc gia học tập: học tập công nghệ, chính sách công nghiệp và bắt kịp thành công của tác giả Arkebe Oqubay và Kenichi Ohno đưa ra một số kinh nghiệm của các quốc gia về học tập và bắt kịp, vị trí xuất phát khác nhau của các quốc gia và mức độ áp dụng phù hợp các phương thức đối với các quốc gia đi sau trong quá trình công nghiệp hóa và chuyển đổi cơ cấu kinh tế.

Cuốn sách Quốc gia học tập: học tập công nghệ, chính sách công nghiệp và bắt kịp thành công

Cuốn sách có cấu trúc gồm 3 phần chính với 12 vấn đề nghiên cứu ở một số quốc gia, khu vực, ngành, lĩnh vực riêng.

Phần đầu của cuốn sách đưa ra cái nhìn tổng quan về phát triển kinh tế toàn cầu, vai trò chiến lược  của nhà nước và những yếu tố quyết định trong quá trình học tập công nghệ. Phần thứ hai bao gồm các chương về Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc và Singapore, đưa ra những phân tích về kinh nghiệm từ những câu chuyện thành công trong học tập và bắt kịp cũng như nhấn mạnh các bài học rút ra. Phần thứ ba viết về Mỹ Latinh và Việt Nam, phân tích kinh nghiệm của các quốc gia đang bị vướng vào bẫy thu nhập trung bình và là các nước phát triển sau và Ethiopia (nước phát triển sau). Phần này đưa ra những ví dụ điển hình trong doanh nghiệp cũng như trong các ngành kinh tế, từ đó, rút ra kinh nghiệm của các nước đã thất bại, hoặc đang trong quá trình  chuyển đổi, hoặc các kinh nghiệm thành công ở cấp vi mô. Chương kết luận tóm lược những ý chính của các chương trước cũng như tổng hợp các quan điểm về khái niệm cũng như quá trình của học tập đã được nghiên cứu trong quá khứ, từ đó rút ra các hàm ý, dưới dạng các bài học tiềm năng cho các quốc gia là những người đi sau trong quá trình phát triển trong thế kỷ XXI.

Thông điệp chung xuyên suốt cuốn sách là có nhiều con đường khác nhau để phát triển chứ không phải chỉ có một con đường duy nhất, vì vậy sẽ không có tiêu chuẩn chung để học tập và bắt kịp công nghệ, chính sách công nghiệp cho tất cả các quốc gia. Việc vận dụng các bài học kinh nghiệm về chính sách và chiến lược của quốc gia này đối với một quốc gia khác cần được phân tích sâu sắc, thận trọng bởi mỗi quốc gia có đặc điểm về địa lý, chính trị, lịch sử, kinh tế - xã hội khác nhau. Sự phù hợp của các chính sách và chiến lược của quốc gia phụ thuộc vào điều kiện kinh tế và sự thay đổi môi trường kinh tế quốc tế tại mỗi thời điểm.

Nội dung cuốn sách rất mới với cách tiếp cận khác biệt. Đây là tài liệu tham khảo hữu ích cho việc học tập công nghệ, chính sách công nghiệp và bắt kịp thành công; giúp các nhà khoa học, các nhà quản lý, lãnh đạo hoạch định chính sách công nghiệp ở cấp độ quốc gia, ngành và địa phương.

Bình luận