Quy định một số điều và biện pháp thi hành Luật xuất bản
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 195/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xuất bản.
Một quầy bán sách. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)
Nghị định này gồm 5 chương 26 điều quy định rõ về trách nhiệm quản lý nhà nước và thực hiện chính sách của Nhà nước đối với hoạt động xuất bản; tổ chức và hoạt động trong các lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm và xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử.
Trong đó, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản là chủ trì, phối hợp xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách của Nhà nước đối với hoạt động xuất bản, quyền tác giả và quyền liên quan trong hoạt động xuất bản cũng như các biện pháp phòng, chống in lậu, in giả, in nối bản trái phép xuất bản phẩm.
Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong hoạt động xuất bản; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động xuất bản; quản lý và tổ chức thực hiện hợp tác quốc tế trong hoạt động xuất bản.
Bộ Thông tin và Truyền thông được phép cấp, cấp đổi, cấp lại, gia hạn, thu hồi các loại giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ hành nghề, xác nhận đăng ký trong hoạt động xuất bản theo quy định của Luật xuất bản và Nghị định này.
Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông có nhiệm vụ hướng dẫn, thực hiện chế độ thông tin, báo cáo, thống kê và ban hành thống nhất các biểu mẫu sử dụng trong hoạt động xuất bản; yêu cầu tổ chức, cá nhân đình chỉ việc xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm theo quy định của pháp luật trong hoạt động xuất bản theo thẩm quyền.
Chế độ thông tin, báo cáo trong hoạt động xuất bản, Nghị định quy định rõ: Cơ quan chủ quản nhà xuất bản và tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong các lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm phải có trách nhiệm báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo quy định.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo định kỳ hoặc đột xuất với Bộ Thông tin và Truyền thông về hoạt động xuất bản và công tác quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản tại địa phương. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản.
Về điều kiện thành lập và bảo đảm hoạt động của nhà xuất bản, Nghị định nêu rõ ngoài điều kiện quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 13 của Luật xuất bản, nhà xuất bản phải có đủ các điều kiện: Trụ sở của nhà xuất bản có diện tích từ 200 m2 sử dụng trở lên; có ít nhất 5 tỷ đồng để bảo đảm hoạt động xuất bản; có đủ trang thiết bị để tổ chức xuất bản.
Ngoài ra, trong quá trình hoạt động, cơ quan chủ quản nhà xuất bản có trách nhiệm duy trì các điều kiện thành lập nhà xuất bản. Cơ quan chủ quản và nhà xuất bản bảo đảm kinh phí hằng năm ít nhất 5 tỷ đồng để nhà xuất bản thực hiện nhiệm vụ xuất bản theo tôn chỉ, mục đích của nhà xuất bản.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-3-2014.
Theo Thông tấn xã Việt Nam
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Bùi Bằng Đoàn với sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước
- Xuất bản hai cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc
- Tái bản một số ấn phẩm tiêu biểu nhân kỷ niệm 133 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xuất bản bộ sách về lịch sử ngành Công Thương
- Đề cương về văn hóa Việt Nam – Khởi nguồn và động lực phát triển
- Sách tương tác góp phần đánh thức tiềm năng của trẻ
- Xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay theo quan điểm của Đảng
- Đổi mới hoạt động thư viện, phát triển kỹ năng đọc cho thiếu nhi
- Cần tăng đầu tư cho đúng tầm vóc Giải thưởng Sách quốc gia
- Những điều cần biết khi xây dựng tủ sách cho trẻ em
- Sách nói và cuộc đụng độ giữa các nền tảng
- Các xu hướng sách nói trong năm 2023