Quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh của các nhà xuất bản
Nhà xuất bản là một tổ chức kinh tế, có nhiệm vụ sản xuất ra các sản phẩm tinh thần - mà chủ yếu là sách - để thỏa mãn nhu cầu của xã hội. Trong cơ chế thị trường hiện nay, các nhà xuất bản phải chủ động khai thác nhu cầu, tự sản xuất ra các sản phẩm và tìm thị trường tiêu thụ. Do đó, các cơ sở sản xuất trong ngành xuất bản phải thực hiện hoạch toán kinh tế nhằm tiết kiệm các yếu tố đầu vào để giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời xuất phát từ nhu cầu thị trường để lựa chọn và quyết định phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả.
Vì vậy, vấn đề kinh doanh trong hoạt động của các nhà xuất bản cần phải có sự nhất quán theo một trong hai góc độ sau: Đây là hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tư tưởng văn hóa. Theo góc độ này sẽ dẫn đến việc thừa nhận hoạt động tư tưởng - văn hóa cũng là một lĩnh vực kinh doanh, xuất bản phẩm trở thành đối tượng kinh doanh đơn thuần như các hàng hóa khác. Điều này tất yếu dẫn đến thương mại hóa trong hoạt động xuất bản, do vậy, hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với chúng ta hiện nay. Ở góc độ thứ hai, đây là hoạt động tư tưởng - văn hóa có kinh doanh thì kinh doanh sẽ được hiểu “mềm hơn” và có mức độ nhất định của nó. Theo chúng tôi, cần khẳng định hoạt động của các nhà xuất bản là hoạt động tư tưởng - văn hóa có kinh doanh để từ đó xác định đây không phải là lĩnh vực kinh doanh đơn thuần, không phải bất kỳ xuất bản phẩm nào cũng trở thành đối tượng kinh doanh.
Hoạt động sản xuất - kinh doanh của các nhà xuất bản vừa chịu sự chi phối của các quy luật kinh tế vừa chịu sự tác động của các quy luật văn hóa - tư tưởng và có tính độc lập tương đối so với kinh tế. Đây là một đặc điểm rất căn bản thể hiện sự gắn bó chặt chẽ giữa kinh tế với văn hóa - tư tưởng trong toàn bộ các công đoạn của hoạt động xuất bản.
Trước hết, các tác phẩm, các công trình nghiên cứu... được xuất bản là kết quả của quá trình lao động sáng tạo của tác giả và của một tập thể những người lao động như các biên tập viên, họa sĩ trình bày minh họa... cùng đóng góp vào.
Hai là, việc sản xuất xuất bản phẩm được thực hiện theo phương thức đơn chiếc, mỗi cuốn sách là cả một thế giới riêng biệt, không có cuốn nào giống cuốn nào và bao giờ nhà xuất bản cũng phải tiến hành sản xuất riêng cho từng đầu sách, không thể sản xuất hàng loạt được.
Mặt hàng và cơ cấu sản phẩm của mỗi nhà xuất bản được phân định tương đối cụ thể do chức năng nhiệm vụ của nhà xuất bản quy định. Đặc điểm này cho thấy tính chất độc quyền trong sản xuất kinh doanh của nhà xuất bản được quy định về mặt pháp lý chứ không phải do cạnh tranh mang lại.
Kinh doanh và phục vụ là hai phương thức cùng song hành tồn tại trong hoạt động của các nhà xuất bản. Có thể nói, mọi hoạt động kinh doanh trong nhà xuất bản đều phải kết hợp với phục vụ cũng như trong phục vụ cũng được tính toán kinh doanh ở mức độ nhất định, không có kinh doanh đơn thuần và cũng không có phục vụ miễn phí.
Trong cơ chế thị trường, cạnh tranh là một động lực của sự phát triển. Các nhà xuất bản ở nước ta hiện nay đang hoạt động trong cơ chế thị trường, nhưng cạnh tranh lại chưa được sử dụng như một động lực. Về nguyên tắc, tất cả các nhà xuất bản của chúng ta đều thuộc sở hữu nhà nước (cùng một thành phần kinh tế) và mỗi nhà xuất bản lại có một chức năng, nhiệm vụ riêng biệt. Điều này dẫn đến sự khu biệt tương đối giữa các nhà xuất bản, không có đối tác cạnh tranh trực tiếp. Nhưng trên thực tế, khi mà cạnh tranh công khai bình đẳng bị hạn chế thì cạnh tranh “ngầm” lại diễn ra rất phức tạp, thậm chí có lúc, có nơi rất gay gắt, gây hậu quả nghiêm trọng (ví dụ như hiện tượng in lậu, in nhái sách giáo khoa, nối bản các sách ăn khách... đang diễn ra rất phổ biến hiện nay).
Quy luật cung - cầu là một trong những quy luật cơ bản của nền kinh tế thị trường với phương châm “sản xuất cái mà thị trường cần”... Nhưng quy luật này chỉ tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà xuất bản ở những mức độ nhất định. Nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần rất phức tạp và có những đặc thù riêng. Không phải bất cứ nhu cầu nào xuất hiện trên thị trường, các nhà xuất bản cũng đều phải đáp ứng. Ngược lại, trong nhiều trường hợp thị trường không hoặc chưa có nhu cầu nhưng nhà xuất bản vẫn chủ động cung cấp xuất bản phẩm, vì định hướng tiêu dùng là một nhiệm vụ chủ yếu của các nhà xuất bản.
Sự hạn chế trong kinh doanh của các nhà xuất bản còn thể hiện ở chỗ, trong cơ cấu sản phẩm xuất bản, mức độ kinh doanh ở từng loại rất khác nhau. Trên thực tế, việc sản xuất và tiêu thụ một số loại sách được tính toán trên cơ sở phải có lãi, nhưng cũng có loại sách, chỉ lấy thu bù chi, thậm chí chấp nhận lỗ...
Trong hoạt động xuất bản, quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh của các nhà xuất bản được hiểu đó là quyền tự quyết và tự chịu trách nhiệm của nhà xuất bản trong toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Từ những quy định mang tính pháp lý, quyền tự chủ của các doanh nghiệp xuất bản được biểu hiện cụ thể trên các nội dung chủ yếu sau:
Một là, quyền tự chủ trong việc xác định phương hướng sản xuất kinh doanh bao gồm:
Tự chủ về kế hoạch đề tài theo đó tại Điều 22, Luật xuất bản 2012 quy định về việc đăng ký xuất bản và xác nhận đăng ký xuất bản như sau: Trước khi xuất bản tác phẩm, tài liệu hoặc tái bản xuất bản phẩm, nhà xuất bản phải đăng ký xuất bản với Bộ Thông tin và Truyền thông theo mẫu quy định. Nội dung đăng ký xuất bản phải phù hợp với tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của nhà xuất bản. Như vậy các nhà xuất bản có quyền tự chủ trong việc đăng ký kế hoạch đề tài. Việc tự chủ về kế hoạch đề tài giúp các nhà xuất bản xây dựng được kế hoạch xuất bản phù hợp với năng lực của mình và nhu cầu của thị trường, trên cơ sở đó hoạt động xuất bản sẽ mang lại hiệu quả kinh tế tốt hơn; tự chủ về phương án sản xuất kinh doanh thể hiện qua việc nhà xuất bản tự tổ chức xuất bản hay tiến hành liên kết xuất bản; tự chủ trong tổ chức sản xuất kinh doanh thông qua việc quyết định sản xuất như thế nào: vật tư, máy móc thiết bị, in ấn, phương thức in ấn, phương thức phát hành...; tự chủ trong việc lựa chọn và quyết định nội dung, hình thức sản phẩm (nội dung sách, khuôn khổ, độ dày, hình thức trình bày minh họa)...
Hai là, quyền tự chủ về tài chính thể hiện thông qua việc huy động vốn, quản lý và sử dụng vốn, chi tiêu, liên doanh, góp vốn đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật...
Ba là, tự chủ về tổ chức bộ máy của nhà xuất bản và lựa chọn nhân sự.
Bốn là, tự chủ trên một số mặt hoạt động khác như: Hợp tác quốc tế, tham gia các hoạt động xã hội, tổ chức các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ khác...
Nhà xuất bản là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực tư tưởng văn hóa, sản phẩm của nhà xuất bản cung cấp cho xã hội là các sản phẩm văn hóa tinh thần nên quyền tự chủ của doanh nghiệp xuất bản cũng có những nét khác biệt so với các doanh nghiệp sản xuất thông thường khác.
Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, cũng như những yêu cầu khách quan của tái sản xuất mở rộng theo chiều sâu, các nhà nghiên cứu kinh tế thế giới đã đi đến khẳng định: mô hình doanh nghiệp chịu sự quản lý hành chính trực tiếp của Nhà nước là không có hiệu quả. Vì thế hầu hết các nước có nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung đều đưa vấn đề mở rộng quyền tự chủ của các doanh nghiệp nhà nước thành mục tiêu bao trùm, từ đó quyết định nội dung, biện pháp cải cách theo hướng áp dụng kế hoạch hóa định hướng, gián tiếp, mở rộng tính hàng hóa trên toàn bộ nền kinh tế. Cạnh tranh được coi là động lực quan trọng kích thích tính năng động, sáng tạo và hiệu quả của các doanh nghiệp. Nhà xuất bản với tư cách là một tổ chức kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường không thể đứng ngoài xu thế chung đó.
Cũng như các doanh nghiệp nhà nước khác, nhà xuất bản là đơn vị hạch toán độc lập, vừa hoạt động theo cơ chế thị trường vừa chịu sự quản lý của Nhà nước bằng pháp luật, kế hoạch, chính sách kinh tế - xã hội và các công cụ khác. Để một đơn vị hạch toán độc lập trong điều kiện kinh tế thị trường, không thể không tạo điều kiện phát huy cao độ quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh của các nhà xuất bản.
Các nhà xuất bản chỉ có thể trở thành những đơn vị kinh tế tự chủ theo các nội dung như đã nêu, khi hội tụ những điều kiện cơ bản sau đây:
Thứ nhất, cũng như các doanh nghiệp nhà nước khác, tính tự chủ của nhà xuất bản không đồng nhất với quyền sở hữu của doanh nghiệp đối với tài sản của Nhà nước, trong khi sự trao đổi hàng hóa trên thị trường buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy luật của kinh tế thị trường. Điều đó đặt ra yêu cầu: Phải xác định rõ người đại diện chủ sở hữu trong các nhà xuất bản và tách quyền sở hữu với quyền quản lý kinh doanh. Nếu không tách được hai quyền đó thì tình trạng vô chủ hoặc quá nhiều chủ sẽ không được khắc phục, nhà xuất bản không có toàn quyền tự do trao đổi hàng hóa trên thị trường.
Thứ hai, phân biệt chức năng quản lý nhà nước, cơ quan chủ quản và chức năng quản lý sản xuất kinh doanh.
Các cơ quan chủ quản của các nhà xuất bản có trách nhiệm đầu tư vốn - gồm vốn ban đầu và bổ sung vốn lưu động cho nhà xuất bản; chỉ đạo nhà xuất bản trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch đề tài hằng năm cũng như kế hoạch đề tài bổ sung, căn cứ vào nhiệm vụ của các cơ quan chủ quản trong từng thời kỳ.
Thứ ba, mở rộng hình thức Nhà nước đặt hàng cho các nhà xuất bản, thông qua mục tiêu và các định mức kinh tế kỹ thuật, đặc biệt đối với các loại sách chính trị, sách giáo khoa, sách cho nông thôn, miền núi. Bằng hình thức đó có thể đề cao trách nhiệm của nhà xuất bản trong việc thực hiện hạch toán kinh doanh nhằm tăng năng suất lao động, tăng chất lượng và giảm giá thành, hạn chế sự đầu tư của ngân sách nhà nước; đồng thời bảo đảm cho nhà xuất bản có toàn quyền trong việc sử dụng vốn liếng, tài sản và lao động để sản xuất kinh doanh.
Thứ tư, có đội ngũ những nhà quản lý và cán bộ công nhân viên đủ mạnh. Các nhà xuất bản là những chiếc máy cái sản xuất ra giá trị tinh thần cho xã hội, là những công cụ, phương tiện để phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nếu không có các nhà xuất bản thì không thể truyền bá được tri thức từ đời này sang đời khác, thế hệ này sang thế hệ khác, dân tộc này sang dân tộc khác và quốc gia này sang quốc gia khác. Tuy nhiên trong các nhà xuất bản phải tập hợp được một đội ngũ đông đảo các nhà khoa học tự nhiên, kỹ thuật, khoa học xã hội và nhân văn, các nhà nghiên cứu nghệ thuật thuộc các lĩnh vực sáng tạo trí tuệ và các nhà quản lý. Điều quan trọng là đội ngũ ấy phải vững vàng về bản lĩnh chính trị, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ và tác phong năng động, quyết đoán, luôn đổi mới. Điều này tùy thuộc vào sự nỗ lực của từng cán bộ công nhân viên trong các nhà xuất bản và cơ chế chính sách của Nhà nước, từ chính sách đào tạo, tuyển dụng, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho nhà xuất bản đến chế độ đãi ngộ nhằm tạo động lực để họ toàn tâm, toàn ý cho sự nghiệp phát triển ngành xuất bản của nước ta trong giai đoạn mới.
Viết Anh Đức
Theo trithucthoidai.vn
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Bùi Bằng Đoàn với sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước
- Xuất bản hai cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc
- Tái bản một số ấn phẩm tiêu biểu nhân kỷ niệm 133 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xuất bản bộ sách về lịch sử ngành Công Thương
- Đề cương về văn hóa Việt Nam – Khởi nguồn và động lực phát triển
- Sách tương tác góp phần đánh thức tiềm năng của trẻ
- Xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay theo quan điểm của Đảng
- Đổi mới hoạt động thư viện, phát triển kỹ năng đọc cho thiếu nhi
- Cần tăng đầu tư cho đúng tầm vóc Giải thưởng Sách quốc gia
- Những điều cần biết khi xây dựng tủ sách cho trẻ em
- Sách nói và cuộc đụng độ giữa các nền tảng
- Các xu hướng sách nói trong năm 2023