Sách điện tử lậu nỗi khổ của ngành xuất bản

Ngày đăng: 16/08/2011 - 10:08

Bên cạnh sách lậu, sách giả bằng giấy, các đơn vị xuất bản trong nước hiện nay còn chới với bởi cú tấn công của sách điện tử (ebook) lậu.

dientusach

Tràn lan

Việc truy bắt sách giả, sách in lậu tuy khó khăn và mất nhiều thời gian nhưng vẫn bắt được thủ phạm cụ thể cùng tang chứng, vật chứng rành rành là hàng đống sách giấy ngồn ngộn trong các xưởng in và nhà sách tư nhân. Trong khi đó, thủ phạm của các trang mạng ebook lậu lại luôn giấu mặt và rất khó để tìm ra. Nói tới ebook lậu, không ít đơn vị xuất bản trong nước hiện nay như NXB Trẻ, Kim Đồng, Nhã Nam, Bách Việt, Chibooks, Đông A… đều phải lắc đầu ngao ngán vì phần lớn sách của họ đều bị “luộc” công khai và được tung lên mạng làm thành ebook, phát tán rộng rãi trên mạng. Mỗi trang này có tới vài trăm ngàn thành viên, được phép tải miễn phí hoặc có phí các ebook. Điều đó đồng nghĩa với việc ngần đó người đã sử dụng trái phép sản phẩm sách của các đơn vị xuất bản trên mà không phải trả tiền hoặc chỉ trả một số tiền rất ít so với giá trị thực của cuốn sách, còn đối tượng thu lời lại chính là chủ những trang mạng này.

Ebook lậu gây thiệt hại kinh tế rất lớn đối với các đơn vị làm sách, vì chi phí sản xuất một đầu sách trọn gói hiện nay trung bình từ 80 -100 triệu đồng (chi phí mua bản quyền, dịch, giấy phép, biên tập, in ấn, quảng bá…) và công đoạn sản xuất một cuốn sách mất trung bình 6 tháng... nhưng sau khi có sách giấy, việc làm ebook tung lên mạng chỉ mất vài ngày. Với việc phát tán rộng rãi các các ebook trên, các đơn vị làm sách bị thất thu nặng với số lượng độc giả mua sách giấy bị co hẹp. Chưa kể nguồn thu từ các khoản ebook trên các công cụ đọc sách điện tử như Ipad, Kindle… cũng bị ảnh hưởng.

Bó tay?

Chị Đinh Hương - đại diện truyền thông Công ty sách Bách Việt - cho biết từ hơn 2 năm trước, 80% sách Bách Việt đã bị làm ebook trái phép và phát tán trên mạng. Bách Việt đã gửi công văn, e-mail đến các đơn vị chủ quản, các diễn đàn để can thiệp và ngăn chặn nhưng không có kết quả. Đặc biệt, Bách Việt từng gửi công văn đề nghị trang www.aulac.vn (trực thuộc Công ty Smart Media) đề nghị giải thích về việc sử dụng trái phép cuốn truyện Liệt hỏa như ca ở dạng ebook với mỗi lần thu phí là 2.000 đồng, nhưng Smart Media không phản hồi và vẫn tiếp tục kinh doanh tác phẩm này như cũ.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hà - Phó giám đốc Công ty Phương Đông - cho biết hầu hết sách do Phương Đông xuất bản đều bị làm ebook không xin phép và ngang nhiên đưa lên nhiều trang web. Chị Nguyễn Quỳnh Trang, đại diện truyền thông Công ty Nhã Nam, thừa nhận mặc dầu biết được rất nhiều sách của mình bị làm ebook lậu và phát tán nhưng công ty này cũng đành “bó tay” bởi tính chất khó kiểm soát của các trang mạng.

Đại diện sách Chibooks cũng cho biết hầu hết sách của công ty đều bị làm ebook lậu, đặc biệt là bộ Percy Jackson và sách của tác giả Rachel Gibson. Hiện tại, Chibooks cũng chỉ biết viết thư đề nghị các trang trên tháo gỡ ebook lậu, nhưng không mấy hiệu quả.

Rất nhiều sách của các NXB nhà nước cũng chịu chung số phận. Các NXB như Kim Đồng, Trẻ… cho biết sách của họ bị làm ebook lậu khá nhiều nhưng họ cũng chịu thua.

Trong cuộc chiến “phi quy ước” với ebook lậu, các đơn vị xuất bản chỉ biết tự bảo vệ mình bằng cách gửi thư điện tử đề nghị gỡ bỏ ebook lậu (dù cách này không mấy hiệu quả), tố cáo lên các cơ quan chức năng, tự làm ebook và tự kinh doanh trên trang mạng của mình để giảm thiệt hại kinh tế. Đại diện Chibooks cho biết đang thuê luật sư và soạn thảo công văn kiện những trang đăng tải ebook lậu của họ gửi tới các cơ quan chức năng.

Thực ra, việc ngăn chặn ebook lậu rất khó, nhưng không phải là không thể.  Các đơn vị xuất bản bị xâm phạm bản quyền rất mong các cơ quan chức năng vào cuộc để bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

                                                                    Theo Báo Thanhnien

Bình luận