Sách Việt tại sân chơi quốc tế

Ngày đăng: 18/10/2015 - 14:10

Hội chợ sách quốc tế Frankfurt 2015 (từ 14 đến 18 tháng 10) diễn ra sôi nổi tại Frankfurt, Đức, thu hút 7.300 đơn vị xuất bản đến từ hơn 100 quốc gia và khu vực. Trong đó, xuất bản Việt Nam đã có nhiều nỗ lực đáng kể.

sachviet1 iznu

Toàn cảnh Hội chợ sách quốc tế Frankfurt 2015 - Ảnh: N.B

Tạo vị thế chủ động

Có lẽ chưa năm nào giới xuất bản Việt Nam lại náo nức rủ nhau tham gia Hội chợ sách quốc tế Frankfurt như năm nay, với sự tham gia của Fahasa, Đông A, Huy Hoàng, Chibooks, Phương Nam, Nhã Nam, NXB Trẻ, Alphabooks, Đại học Hoa Sen…

Ngay khi hội chợ chưa diễn ra, với sự kêu gọi của “anh cả” trong làng xuất bản là Công ty Cổ phần Phát hành sách Fahasa, nhiều đơn vị xuất bản và phát hành đã đóng góp trên 400 triệu đồng với nguyện vọng thuê thêm mặt bằng cho gian hàng đại diện Việt Nam tại Frankfurt to đẹp hơn. Chính vì vậy, gian hàng Việt Nam năm nay ở vị trí khá bắt mắt, hai mặt tiền, thông thoáng rộng rãi, có thêm nhiều vị trí trưng bày sách, thu hút không ít khách ghé chân.

Cũng như mọi năm, gian hàng Việt Nam - đại diện cho toàn ngành xuất bản Việt do Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Xuất bản, In và Phát hành chi trả tiền thuê gian hàng, giao cho Công ty văn hóa Phương Nam trông coi giao dịch. Hàng trăm đầu sách Việt Nam được các đơn vị xuất bản trong nước tuyển chọn và trưng bày tại đây.

Sách Việt tại sân chơi quốc tế 2

 Gian hàng Việt Nam tại Hội chợ sách quốc tế Frankfurt 2015 - Ảnh: N.B

Tiếc rằng gian hàng sách của Việt Nam mới chỉ dừng lại ở mức độ trưng bày, giới thiệu và giao dịch về sách, chứ chưa trở thành một điểm tập trung các đơn vị xuất bản Việt cùng có mặt tại hội chợ như phần lớn các gian hàng đại diện quốc gia khác như Malaixia, Thái Lan, Philíppin, Đức, Pháp, Mỹ… để tự giới thiệu về các sản phẩm của mình. Vì vậy việc nắm bắt thông tin, tên tuổi và giao dịch với các đơn vị xuất bản hàng đầuViệt Nam trực tiếp tại hội chợ đối với khách nước ngoài vẫn còn khá khó khăn.

Giải thích về điều này, bà Nguyễn Lệ Chi - đại diện Công ty sách Chibooks, đơn vị xuất bản tư nhân VN tham gia gian hàng tại Hội chợ Frankfurt - cho biết: “Đơn giản vì việc tham gia hội chợ quốc tế quá đắt đỏ, tính hiệu quả khó thấy ngay nên nhiều đơn vị xuất bản trong nước không mặn mà. Tuy nhiên với tôi, tham gia hội chợ không phải nhằm mục đích tranh mua được tựa sách gì hot, mà là tìm kiếm cơ hội hợp tác quốc tế, đồng thời nâng tầm kiến thức và vị thế của người làm xuất bản Việt”.

Ông Phạm Minh Thuận, Tổng Giám đốc Fahasa chia sẻ, ông rất vui mừng khi giới xuất bản VN đến với hội chợ sách không chỉ ở vai trò người mua bản quyền thông thường, mà đã chủ động trở thành “người bán”, chuyển giao tri thức và văn hóa Việt. Nhà văn - dịch giả Nguyễn Mai Sơn, đại diện Đại học Hoa Sen (TP.HCM), hào hứng cho biết anh đã tiếp xúc với nhiều đơn vị xuất bản quốc tế và tranh thủ “chào hàng” sách do Đại học Hoa Sen xuất bản, bên cạnh việc đi mua bản quyền. Ông Trần Đại Thắng - Công ty sách Đông A - cho biết, các chuyến tham dự Hội chợ sách Frankfurt như thế này đã giúp ông có thêm nhiều ý tưởng thiết kế tạo hình cho hệ thống nhà sách Cá Chép.

Nhiều cơ hội và thách thức

Những cơ hội và khó khăn của xuất bản VN đã được TS Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc Công ty sách Thái Hà trình bày tại Hội nghị bản quyền quốc tế chiều 13 tháng 10. Đây là lần đầu tiên đại diện của xuất bản VN được mời tham gia làm diễn giả tại Frankfurt trong thời gian 10 phút, cùng sự tham gia phát biểu của nhiều diễn giả khác đến từ Pháp, Mỹ, Malaixia, Thái Lan.

Sách Việt tại sân chơi quốc tế 3

Hai cuốn sách Đi dọc Hà Nội, Đi ngang Hà Nội được nhiều đơn vị xuất bản nước ngoài hỏi mua bản quyền - Ảnh: N.B

“Đây là cơ hội vàng để ngành xuất bản Việt hội nhập thế giới, đặc biệt khi chúng ta tham gia TPP”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định. Ông Hùng cho biết đã tranh thủ thời gian tham gia nhiều diễn đàn khác tại hội chợ.

Việc diễn giả xuất bản Việt Nam lần đầu được mời nói chuyện tại Hội chợ sách quốc tế lớn nhất thế giới cho thấy vị thế xuất bản Việt Nam đã phần nào được chú ý trong mắt bạn bè quốc tế. Tuy nhiên để trở thành khách mời danh dự như Inđônêxia tại Hội chợ sách năm nay, xuất bản Việt Nam còn cần nỗ lực đường dài toàn diện hơn nữa.

Nhiều bạn bè xuất bản quốc tế cho biết họ rất tò mò về gương mặt diện mạo xuất bản VN, muốn tìm hiểu thêm nhiều về sách Việt Nam nhưng không có nhiều sách được dịch sẵn ra tiếng Anh hoặc các tiếng khác nên việc tìm hiểu vô cùng hạn chế.

Ngọc Bi

(Theo Báo Thanh niên)

 

 Gian hàng Việt Nam tại Hội chợ sách quốc tế Frankfurt 2015 - Ảnh: N.B

Bình luận