Sinh viên còn “ham” sách phôtô, sách in lậu

Ngày đăng: 18/02/2014 - 16:02

Mua sách phôtô, sách in lậu rẻ hơn so với mua sách được in ấn cẩn thận do đó một bộ phận không nhỏ sinh viên hiện vẫn còn “ham” mua sách phôtô, sách in lậu.

Xem xét từ khía cạnh văn hoá đọc lẫn khía cạnh pháp lý thì hành vi này là hành vi cần hạn chế. Để nhìn nhận rõ hơn vấn đề này, PV đã ghi nhận ý kiến của Nhà văn Thuỷ Anna (Phó Giám đốc Công ty Limbooks) và Luật sư Hà Huy Từ (Giám đốc Công ty Luật Hà Huy, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội).

Rất khó để “loại trừ” khỏi thị trường sách

Nhà văn Thủy Anna, Phó Giám đốc Công ty Limbooks chia sẻ với PV về hiện trạng sách in lậu: “Sách in lậu hiện nay rất khó để “loại trừ” khỏi thị trường sách. Vì nguồn thu từ sách in lậu là khá lớn. Và để theo dõi một đơn vị in lậu, cần nhiều thời gian, công sức, thậm chí tiền bạc. Điều đó, các đơn vị làm sách rất nản chí. Sách in lậu thường trà trộn vào sách thật. Điều dễ nhận biết ở sách in lậu là “không tem mác” gì từ đơn vị phát hành.
Svien 1Nhà văn Thuỷ Anna: "Sách lậu chiết khấu cho các đại lý khá cao" (Ảnh minh hoạ: Đỗ An)


Và vì sao sách in lậu vẫn có đất sống? Vì sách lậu “chiết khấu” cho các đại lý khá cao. Họ đánh vào lòng tham của những người kinh doanh. Vì sao sách lậu có thể chiết khấu cao như vậy? Vì họ không phải trả nhuận bút, bản quyền. Thế nên, lợi nhuận thu được từ sách lậu là rất lớn.


Những cuốn sách in lậu trên thị trường là sách dễ bán, bán chạy thì mới bị in lậu. Đơn vị nào thấy sách mình bị in lậu, cũng “mừng” vì sách bán chạy. Nhưng “lo” vì doanh thu của đầu sách đó sẽ bị giảm đáng kể và làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuốn sách. Nhiều độc giả không có kinh nghiệm về sách, sẽ không phân biệt được sách thật và sách lậu nên khi mua phải sách lậu, chất lượng giấy, chế bản, bìa... đều rất xấu để giảm giá thành cuốn sách. Đó là phương án, các “trùm lậu” thường làm cho sản phẩm in lậu.


Các đơn vị làm sách, cho dù có khó chịu, cũng không biết phải xử lý thế nào khi sản phẩm “nhái” rất thiếu văn hóa này vẫn có đất sống”.
Svien 2

Chủ một cửa hàng sách phôtô trong cảnh luôn tay lựa chọn, sắp xếp, tính tiền tài liệu cho khách chỉ kịp nói: "Mỗi ngày bán được nhiều lắm" (Ảnh: Đỗ An)


“Ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều chủ thế khác”

Nhìn nhận hiện trạng sách in lậu, sách phôtô trái phép hiện nay, Luật sư Hà Huy Từ (Giám đốc Công ty Luật Hà Huy, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) nhận xét: “Thực tế cho thấy rằng hiện nay tình trạng sách in lậu, sách phôtô trái phép hiện được bày bán khá nhiều trên thị trường. Hiện trạng này đã ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều chủ thể khác nhau:

Thứ nhất, người đọc nói chung; học sinh, sinh viên nói riêng là những người chịu hậu quả đầu tiên. Do sách in lậu sử dụng mực in kém chất lượng, giấy xấu, mỏng, khổ giấy nhỏ, số trang bị thiếu hụt nên ảnh hưởng tiêu cực đến thị lực và khả năng tiếp thu kiến thức của độc giả.

Thứ hai, đối với các doanh nghiệp xuất bản thì việc bị làm giả sách tràn lan đã làm giảm doanh thu, ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.

Thứ ba, về khía cạnh pháp lý, do nội dung sách in lậu, sách phôtô trái phép không được kiểm duyệt, không dán tem đảm bảo sách thật của đơn vị phát hành nên đã vi phạm bản quyền, vi phạm Luật sở hữu trí tuệ và Luật xuất bản.

Do đó, có thể khẳng định rằng dùng sách lậu, sách phôtô trái phép không chỉ hại đến sức khỏe, mà còn ảnh hưởng đến nhận thức, tâm lý của người đọc. Không những thế hiện trạng sách in lậu, sách phôtô trái phép đã trực tiếp xâm hại các quy định pháp luật về bản quyền, vi phạm Luật sở hữu trí tuệ, Luật xuất bản”.

Đỗ An

(Theo Pháp luật và Xã hội)

 

Quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam cấm các hành vi buôn bán sách, tài liệu in lậu, phôtô trái phép. Cụ thể: Tại điểm c, d, đ khoản 2, điều 10 Luật xuất bản năm 2012 đã quy định cấm các hành vi:
“c) In lậu, in giả, in nối bản trái phép xuất bản phẩm;
d) Phát hành xuất bản phẩm không có nguồn gốc hợp pháp hoặc chưa nộp lưu chiểu;
đ) Xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đã bị đình chỉ phát hành, thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu hủy hoặc nhập khẩu trái phép;”
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 02/2011/NĐ-CP ngày 6/1/2011 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản. Cụ thể tại điểm d khoản 1, điều 24 quy định:
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
“d) Tàng trữ hoặc phát hành xuất bản phẩm in, sao lậu hoặc xuất bản phẩm không có hóa đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc hợp pháp dưới 50 bản;”
Khoản 4, điều 24 Nghị định 02/2011/NĐ-CP quy định:
4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
“c) Tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm in, sao lậu hoặc xuất bản phẩm không có hóa đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc hợp pháp từ 150 bản trở lên;”
Không chỉ bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị tịch thu tang vật vi phạm theo quy định.

 

 

 

 

 

Bình luận