Nguyễn Văn Tố (1889 - 1947), bút hiệu Ứng Hòe, là một học giả uyên bác đầu thế kỷ XX, thông thạo cả Hán văn và Pháp văn, làm ở Học viện Viễn Đông bác cổ, chuyên nghiên cứu văn hóa, lịch sử Việt Nam. Danh tiếng của ông được xếp vào hàng “tứ kiệt” đương thời là Quỳnh - Vĩnh - Tố - Tốn (Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Tố, Phạm Duy Tốn”), cùng lớp trí thức như các ông Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Phan Kế Bính, Lương Văn Can... phát động công cuộc cách mạng về chữ quốc ngữ. Ông đã dày công tham gia viết báo quốc ngữ, dịch và phổ biến sử liệu cho quần chúng nhân dân, góp công lớn để hình thành một lớp công chúng trí thức có ý thức về chủ quyền đất nước và trách nhiệm công dân.
Sử ta so với sử Tàu tập hợp những bài khảo cứu công phu của Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố về đề tài lịch sử nước ta đăng trên hai tạp chí Tri Tân và Thanh Nghị vào những năm 1940. Qua việc dày công nghiên cứu nhiều bộ sử của nước ta và Trung Quốc, tác giả đã so sánh, phân tích các dữ liệu lịch sử và đưa ra nhiều thông tin có giá trị về các quốc hiệu của nước ta qua các thời kỳ lịch sử như: Văn Lang, Xích Quỷ, Âu Lạc, Vạn Xuân, Đại Việt, Đại Nam, Việt Nam; ngoài ra, ông còn lật lại vấn đề xác định Tượng Quận có phải là đất nước của ta không; khảo cứu các cuộc khởi nghĩa chống xâm lược của nước ta trong suốt 1.000 năm Bắc thuộc như: khởi nghĩa Hai Bà Trưng, khởi nghĩa Bà Triệu, khởi nghĩa Lý Bí, khởi nghĩa Mai Thúc Loan...
Trong những lần xuất bản trước, Sử ta so với sử Tàu được ghép với Đại Nam dật sử thành một cuốn sách có tựa đề Đại Nam dật sử và Sử ta so với sử Tàu, tuy nhiên để đáp ứng nhu cầu bạn đọc, cũng như giúp bạn đọc dễ theo dõi, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tách Sử ta so với sử Tàu để xuất bản thành một cuốn sách riêng.
Tuy cuốn sách có dung lượng không lớn nhưng theo tác giả thì “Sử học cũng như khoa học, không chủ ý làm sách cho dày, chỉ cốt tìm được nhiều điều mới, xưa nay chưa ai nói đến, hoặc chữa những chữ của người trước chép sai”, và quan trọng hơn, đằng sau những câu chuyện tác giả gửi gắm vào cuốn sách còn là nỗi niềm yêu nước của một nhà chí sĩ cách mạng muốn đồng bào, những ai đọc được các câu chuyện này có thêm tình yêu, sự hiểu biết về lịch sử, hiểu thêm cách sống của tổ tiên, cha ông để từ đó lựa chọn cho mình một lối sống ứng hợp với thời cuộc. Một cuốn sách được tác giả soạn ra trên tinh thần “sử dụng sử học để tái lập truyền thống đấu tranh giành độc lập và lịch sử ái quốc của người Việt” thật sự là tài liệu có giá trị đối với đông đảo độc giả hiện nay.