Tọa đàm khoa học “Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam”

Ngày đăng: 06/04/2012 - 14:04

Ngày 6-4-2012, tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương và Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam tổ chức Tọa đàm khoa học “Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam”. Hội thảo tổ chức nhân dịp kỷ niệm 105 năm ngày sinh của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn (7-4-1907 – 7-4-2012). Tham dự Tọa đàm có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các chuyên gia, nhà khoa học, lý luận, văn hóa tư tưởng, nhà báo, cùng đại diện gia đình đồng chí Lê Duẩn. Các đồng chí: GS, TS. Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng lý luận TƯ; Lê Khánh Hải, Thứ trưởng Bộ Văn hóa  - Thể thao và Du lịch; GS. Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam; Thái Vĩnh Liệu, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Trị; TS. Nguyễn Duy Hùng, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật đồng chủ trì Tọa đàm.

GS

GS,TS. Phùng Hữu Phú phát biểu tại Tọa đàm

Khai mạc Tọa đàm, GS,TS. Phùng Hữu Phú đã nêu bật tầm thông tuệ văn hóa, sự trân trọng văn hóa và những cống hiến to lớn đối với lĩnh vực văn hóa của đồng chí Lê Duẩn và tình yêu thương con người, sự hy sinh, phấn đấu suốt đời vì hạnh phúc nhân dân, cùng chiều sâu và tầm cao tư tưởng về con người của ông. Đồng thời nhấn mạnh vai trò của nhà văn hóa Lê Duẩn trong công tác tư tưởng văn hóa, đặc biệt là truyền thống văn hóa dân tộc. Cuộc tọa đàm sẽ góp phần làm sáng rõ di sản tư tưởng văn hóa Lê Duẩn để hôm nay và các thế hệ mai sau vận dụng, kế thừa, qua đó góp thêm những nhận thức mới, tiếp tục làm giàu thêm hiểu biết, sự kính trọng, tự hào đối với cuộc đời, sự nghiệp vẻ vang, phẩm giá sáng ngời của nhà cách mạng, nhà tư tưởng, nhà văn hóa lỗi lạc của Đảng ta và nhân dân ta.

Dai-bieu-tham-du-Toa-dam_DSĐại biểu tham dự Tọa đàm

Đồng chí Lê Duẩn tên thật là Lê Văn Nhuận, sinh ngày 7-4-1907 trong một gia đình lao động, có truyền thống yêu nước tại làng Bích La, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Kế thừa truyền thống yêu nước của dân tộc, quê hương và gia đình, đồng chí sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1930, đồng chí trở thành một trong những đảng viên lớp đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cuộc đời hoạt động gần 60 năm của đồng chí Lê Duẩn gắn liền với quá trình đấu tranh cách mạng nước ta, từ những năm hai mươi đến giữa những năm tám mươi của thế kỷ XX. Tài năng, trí tuệ của đồng chí được thể hiện trên nhiều lĩnh vực: nhà lãnh đạo kiệt xuất; nhà chính trị, nhà tư tưởng; nhà lý luận sáng tạo… Suốt 30 năm liên tục, đồng chí gắn bó với cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam chống thực dân, đế quốc xâm lược. Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân ta thực hiện trọn vẹn mong muốn cháy bỏng của Bác Hồ: giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Các tham luận tại Tọa đàm đã khắc họa rõ nét chân dung và những đóng góp to lớn của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đối với văn hóa và con người Việt Nam. Bên cạnh di sản tư tưởng lý luận đầy sáng tạo về chiến tranh giải phóng dân tộc và xây dựng Chủ nghĩa xã hội, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã để lại cho hậu thế một di sản tư tưởng lý luận vô cùng quý giá về truyền thống văn hóa và con người Việt Nam. Ông thực sự là một nhân cách văn hóa lớn, một tấm gương văn hóa ngời sáng. Một số tham luận làm rõ những tư tưởng, lý luận của đồng chí Lê Duẩn về xây dựng văn hóa mới và con người mới; quan điểm về văn hóa dân tộc, con người trong văn hóa Việt Nam. Nhiều nghiên cứu công phu, sâu sắc về tư tưởng văn hóa thẩm mỹ trong quan điểm cách mạng; góc độ văn hóa trong tư duy chính trị - quân sự; về hồn Việt và tính nhân văn cao cả của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn...

Sinh thời, đồng chí Lê Duẩn luôn gắn vấn đề văn hóa với chính trị, tư tưởng. Trong lý luận của mình, ông nhấn mạnh đến ý nghĩa việc giải phóng con người, đến tình thương và lẽ phải. Ông cũng luôn dành một tình cảm đặc biệt đối với người Mẹ, người phụ nữ Việt Nam - cội nguồn của sự lưu giữ, trao truyền tình thương và lẽ phải, tức là lưu giữ và trao truyền truyền thống văn hóa dân tộc. Tư tưởng đề cao truyền thống, bảo vệ truyền thống hầu như quán xuyến trong những bài viết, bài nói của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Ông nói “Phải biến mọi giá trị văn hóa thành tài sản của nhân dân và làm cho nhân dân trở thành người sáng tạo trực tiếp mọi giá trị văn hóa”. Luận điểm này có giá trị lý luận và ý nghĩa thực tiễn trong tình hình đất nước ta đang hội nhập sâu với quốc tế. Cũng theo quan điểm này, ông nhấn mạnh: “Phải kế thừa những giá trị tinh thần, những cái hay, cái đẹp trong di sản văn hóa dân tộc cũng như trong tâm hồn và cốt cách của con người Việt Nam ta”. Những câu nói, luận điểm về văn hóa của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã trở thành định hướng cho văn hóa Việt Nam phát triển trong hơn nửa thế kỷ qua… Khẳng định đồng chí Lê Duẩn lên tầm vóc một nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng ta, một nhà lý luận sáng tạo của cách mạng Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tâm Anh

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả