Tác giả: Trần Thị Vịnh
Số trang: 312 trang
Giá tiền: 60.000đ
Cuốn sách gồm 4 chương, đề cập tới hai vấn đề chính: một là, tổ chức chính quyền nhà nước thời Lê - Trịnh ở Đàng Ngoài và tổ chức chính quyền nhà nước thời các chúa Nguyễn ở Đàng Trong (bao gồm toàn bộ hệ thống chính quyền nhà nước từ trung ương đến địa phương); hai là, phương thức tuyển dụng quan lại của chính quyền nhà nước thời vua Lê - chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và phương thức tuyển dụng quan lại của chính quyền nhà nước thời các chúa Nguyễn ở Đàng Trong.
Cuốn sách đã phác họa bức tranh toàn cảnh về xã hội Đại Việt trong giai đoạn lịch sử thế kỷ XVII – XVIII thông qua việc giới thiệu, phân tích, đối sách về thể chế bộ máy nhà nước và phương thức tuyển dụng quan lại của chính quyền vua Lê – chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và chúa Nguyễn ở Đàng Trong.
Cuốn sách Thiết chế và phương thức tuyển dụng quan lại của chính quyền nhà nước trong lịch sử Việt Nam thế kỷ XVII – XVIII là công trình nghiên cứu công phu và tâm huyết. Cuốn sách cung cấp cho bạn đọc cái nhìn toàn cảnh về tổ chức chính quyền nhà nước trong giai đoạn lịch sử đặc biệt ở thế kỷ XVII – XVIII. Đó là: Các cơ quan thuộc nền hành chính trung ương thời vua Lê – chúa Trịnh ở Đàng Ngoài như: các văn thư phòng giúp việc cho vua; các văn thư phòng giúp việc cho chúa; các văn thư phòng giúp việc chung cho cả vua lẫn chúa; lục bộ bên triều đình; lục phiên bên phủ chúa; các cơ quan chuyên môn; các cơ quan kiểm soát... Bên dưới là một hệ thống chính quyền các cấp ở địa phương được kiện toàn khá quy củ từ trấn, phủ, huyện, châu cho đến xã. Cùng với tổ chức chính quyền nhà nước của vua Lê – chúa Trịnh sẵn có bề dày lịch sử ở Đàng Ngoài thì tại Đàng Trong, một hệ thống chính quyền các cấp của các chúa Nguyễn cùng từng bước được xây dựng và kiện toàn, tạo thành một bức tranh tổng thể về thiết chế chính quyền nhà nước trên toàn lãnh thổ của đất nước.
Ngoài ra, cuốn sách còn cung cấp cho bạn đọc những nội dung quan trọng về phương thức tuyển dụng đội ngũ quan lại vào làm việc trong các cơ quan này ở cả Đàng Trong và Đàng Ngoài. Mỗi miền có một phương thức tuyển chọn riêng, song tựu chung lại dù bằng phương thức nào thì các chúa nguyễn cũng như triều đình vua Lê chúa Trịnh đều nhằm mục đích chung là chọn được những người vùa có trình độ học vấn, vừa tâm huyết với đất nước vào làm việc trong bộ máy chính quyền nhà nước, phụng sự cho nghiệp chung.
Cuốn sách cũng nói đến vấn đề hai miền, triều đình vua Lê – chúa Trịnh cũng như các chúa Nguyễn đều chú ý đến việc xây dựng một lực lượng quốc phòng vững mạnh để củng cố vững chắc thể chế chính trị của đất nước.
Cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách trong công cuộc kiện toàn bộ máy chính quyền các cấp của Nhà nước ta hiện nay qua việc tiếp thu những bài học kinh nghiệm và sự sáng tạo trong quá khứ của cha ông.
B. Thu