Thư viện là nơi phát triển phẩm chất, kỹ năng cho học sinh

Ngày đăng: 28/05/2019 - 14:05

Trong hơn 18 năm có mặt ở nước ta, tổ chức Room to Read (RtR) Việt Nam đã xây dựng được 1.522 mô hình “Thư viện thân thiện”, 765 thư viện nhân rộng tại 34 tỉnh, thành trên cả nước với tỷ lệ mượn sách là 22,4 cuốn/em/năm. Bằng những việc làm của mình, RtR bước đầu đã giúp hình thành thói quen đọc sách cho trẻ.

Bà Nguyễn Diệu Nương, Giám đốc RtR Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo SGGP về kết quả và những định hướng tương lai.

Bà Nguyễn Diệu Nương, Giám đốc Room to Read Việt Nam

Phóng viên: Thực tế cho thấy, nếu trẻ được tiếp xúc với sách từ sớm sẽ gia tăng sự yêu thích sách ở trẻ. Vì sao RtR lại chỉ hướng đến đối tượng trẻ đã vào tiểu học?

Bà NGUYỄN DIỆU NƯƠNG: Xây dựng thói quen đọc sách bằng việc cho trẻ tiếp xúc với sách càng sớm càng tốt là điều mà các quốc gia nên làm. Đúng là chúng ta không nên đợi đến khi trẻ vào tiểu học mới bắt đầu khơi gợi hứng thú và niềm yêu thích đọc sách của trẻ. Tuy nhiên, độ tuổi vào tiểu học là lúc các em bắt đầu học đọc, việc xây dựng thói quen đọc độc lập của các em có vai trò tương hỗ giúp các em tự tin và có kỹ năng đọc tốt hơn.

Chúng tôi khuyến khích tác động sớm đến lứa tuổi mầm non để tạo nền tảng phát triển thói quen đọc cho trẻ khi vào tiểu học. Ở nhiều nước, học sinh tiểu học gặp nhiều khó khăn trong việc học đọc và cần hỗ trợ để phát triển kỹ năng đọc nên khung chương trình chung của RtR toàn cầu chọn can thiệp ở độ tuổi tiểu học và có bao gồm cả hợp phần tăng cường kỹ năng đọc cho các em.

Đối với Việt Nam, RtR tập trung vào việc xây dựng thói quen đọc để hỗ trợ phát huy hơn nữa kết quả dạy và học tiếng Việt trên lớp cũng như xây dựng những thế hệ người đọc độc lập, có thói quen học tập suốt đời. 

Trong bối cảnh các môn học gần như đã kín lịch, RtR đưa tiết đọc sách từ mô hình “Thư viện thân thiện” vào trường học bằng cách nào?

Từ kinh nghiệm, hầu hết các trường đều có thể tổ chức tiết đọc thư viện với tần suất 1 tiết/tuần. Một số trường lồng ghép trong thời gian học tiếng Việt hoặc giáo dục ngoài giờ lên lớp. Tôi cho rằng, quan điểm giáo dục của nhà trường thể hiện rất rõ ở quan điểm đối với mô hình thư viện. Nếu thực sự coi trọng vai trò của thư viện trong bối cảnh của đổi mới giáo dục, nghĩ rằng đó là nơi để phát triển phẩm chất, kỹ năng cho các em, mong muốn các em trở thành người đọc độc lập thì nhà trường sẽ có những ưu tiên phù hợp để bố trí thời gian đọc độc lập cho các em tại trường.

Cụ thể, các trường phải có những điều kiện nào để có thể xây dựng “Thư viện thân thiện”?

Điều kiện cơ bản là có thể bố trí phòng để làm thư viện cho học sinh và có cán bộ thư viện dành thời gian cho hoạt động thư viện ít nhất 20 tiết/tuần. Quan trọng hơn cả vẫn là quyết tâm, quan điểm của ban giám hiệu nhà trường về vai trò của thư viện, xây dựng phát triển thói quen đọc cho học sinh cũng như sự ủng hộ của cha mẹ học sinh và cộng đồng. Còn lại yếu tố khác liên quan đến cơ sở vật chất, thiết lập thư viện, nguồn sách khi làm cùng RtR, chúng tôi sẽ có hỗ trợ. Nếu không hỗ trợ toàn phần, RtR cũng có thể hỗ trợ bán phần hoặc hỗ trợ kỹ thuật để có thể triển khai mô hình.

Nhiều trường hiện nay đang có mong muốn nhân rộng thư viện theo mô hình của RtR, tôi nghĩ, họ chỉ gặp khó khăn lớn ở nguồn sách. Ở những vùng nông thôn, kể cả RtR có cung cấp danh mục sách đã được lựa chọn, phân loại nhưng việc họ tiếp cận mua sách không phải dễ. Một phần liên quan đến kinh phí, nhưng trên thực tế, đôi khi họ cũng có thể bỏ ra số tiền 5-10 triệu đồng/năm để mua sách nhưng tìm được nguồn sách phù hợp lại không dễ.

Tiết đọc sách từ mô hình “Thư viện thân thiện”

Có một thực tế ở các trường học là hình ảnh thủ thư khá mờ nhạt, không khác gì “điền vào chỗ trống”. Chị nghĩ sao về thực tế này? 

Vai trò của cán bộ thư viện thực sự rất quan trọng, tuy nhiên thực tế những người làm thư viện tại các trường học chưa được quan tâm đầy đủ về chế độ cũng như khuyến khích phát triển. Thiếu những người có chuyên môn thư viện và nhiều người làm công tác kiêm nhiệm. 

Đối với RtR, việc đầu tiên mà chúng tôi muốn hướng đến là thay đổi quan niệm về thủ thư cũng như thay đổi cả chính người làm thư viện trong cách tiếp cận với học sinh. Họ phải thân thiện, tôn trọng, lắng nghe, sẵn sàng phục vụ các em giống như một khách hàng thực sự, trao cho các em những món quà quý giá. Và một điều nữa, các thủ thư cần được trao quyền sáng tạo thì thư viện mới mang đến hiệu quả.

 RtR Việt Nam đã hài lòng với những gì mình làm được chưa?

 Phải nói ngay là chưa. Bởi vì Việt Nam có 63 tỉnh thành với hơn 15.000 trường tiểu học. Đây chính là động lực để RtR phải nghĩ lớn hơn. Năm 2018, chúng tôi đã phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo “Xây dựng văn hóa đọc và phát triển mô hình thư viện thân thiện trường tiểu học” tại Đà Nẵng và sau đó là 2 hội thảo định hướng triển khai mô hình thư viện thân thiện tại Bắc Giang và Tây Ninh.

Sắp tới, dự kiến vào tháng 10 năm nay, chúng tôi tiếp tục phối hợp cùng Bộ GD-ĐT tổ chức một hội thảo tại Nghệ An nhằm đưa ra đề xuất vận dụng mô hình thư viện thân thiện đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đề nghị sửa đổi tiêu chí thư viện trường tiểu học  tạo cơ sở phát triển công tác thư viện trường học.

Chúng tôi có tham vọng là tất cả học sinh tiểu học ở 63 tỉnh thành đều có thể tiếp cận thư viện thân thiện, vì vậy cần đặc biệt coi trọng việc phối hợp với Bộ GD-ĐT, xác định hỗ trợ tối đa để đạt được mục tiêu này.

BT: Nguyễn Chắt

(nguồn: sggp.vn)

Bình luận