Tôn vinh danh nhân là một truyền thống rất tốt đẹp của dân tộc ta. Từ xưa đến nay, các danh nhân Việt Nam, các anh hùng dân tộc trong lịch sử cứ thế hệ sau luôn nêu gương và tiếp nối thế hệ trước về truyền thống yêu nước, yêu dân để chiến thắng mọi thiên tai và địch họa. Lịch sử văn hóa Thăng Long - Hà Nội với bề dày 1.000 năm tôn tạo và xây dựng là nơi hội tụ của rất nhiều danh nhân văn hóa của đất nước. Việc tôn vinh danh nhân văn hóa Hà Nội góp phần khơi dậy ý chí anh hùng, tinh thần sáng tạo cũng như nêu những tấm gương sáng cho cộng đồng học tập.
Cuốn sách Tiêu chí danh nhân văn hóa Thăng Long - Hà Nội gồm tập hợp các bài viết của các nhà khoa học nghiên cứu về tiêu chí, từ đó đưa ra quan điểm về danh nhân văn hóa Việt Nam. Bên cạnh đó, các tác giả cũng đề ra một số kiến nghị, giải pháp về việc tôn vinh danh nhân văn hóa ở nước ta, có những quan điểm rất độc đáo, mới mẻ nhưng cũng rất phù hợp với văn hóa Việt Nam. Cuốn sách không chỉ giúp người đọc hiểu rõ hơn về các danh nhân nước ta mà còn thấy được những quan điểm đa chiều, sâu sắc về tiêu chí xếp loại danh nhân Việt Nam.
Trong các bài viết của mình, GS.VS. Hồ Sỹ Vịnh cho rằng, danh nhân văn hóa là nhân vật nổi tiếng, có sức sáng tạo lớn, có những phát minh quan trọng được cộng đồng thừa nhận, khâm phục, ngưỡng vọng trong tiến trình lịch sử trên quy mô quốc gia, quốc tế trong từng lĩnh vực hoạt động xã hội. Danh nhân văn hóa là nhân vật có phẩm chất đạo đức trong sáng, chiều sâu về trí tuệ, chiều rộng về danh tiếng và uy tín để lại tấm gương cho hậu thế. Khái niệm này có nhiều khác biệt với thuật ngữ danh nho, danh sĩ, danh tài, danh sư... Nhưng nó không hoàn toàn giống với danh nhân lịch sử, nhân vật lịch sử, danh nhân cách mạng. Danh nhân văn hóa thường có 3 cấp độ; anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa tiêu biểu và danh nhân văn hóa. Do vậy, việc xác định danh nhân văn hóa cần phải dựa vào những căn cứ như pháp lý, cơ sở khoa học và thực tiễn.
Theo GS Vũ Khiêu, những danh nhân trước hết là hiền tài. Họ được quý trọng nhất bởi họ là nguyên khí quốc gia. Trên nền tảng đó, trong lịch sử đã thường xuyên xuất hiện những tài năng lỗi lạc, đem thêm niềm tin và sức mạnh cho nhân dân cùng nhân dân vượt qua mọi khó khăn và thử thách. Họ chính là danh nhân văn hóa. Việc tôn vinh các danh nhân thời xưa, GS Vũ Khiêu cho biết, các phương thức tưởng niệm ở Việt Nam cũng như trên thế giới là xây dựng đền đài, lăng miếu và lấy tên danh nhân để đặt cho một điểm địa lý như: tên làng, tên phố, tên tỉnh, tên một khu danh lam thắng cảnh. Về danh nhân thời nay có những phương thức khác nhau mà còn những động cơ khác nhau thực hiện những phương thức ấy. Xuất phát từ lòng biết ơn và ngưỡng mộ danh nhân, đây là những tình cảm trong sáng và chính đáng. Ngoài ra còn xuất phát từ lợi ích bản thân, đây là động cơ do linh thiêng hóa con người và cuộc đời của danh nhân.
Đồng thời, một loạt các bài viết của các tác giả GS. Nguyễn Phan Thọ, PGS. TS. Phạm Quang Long, PGS. Nguyễn Hữu Sơn, PGS, TS. Nguyễn Trường Lịch, PGS. TS. Phạm Mai Hùng, TS. Đỗ Thị Minh Thúy, ThS. Nguyễn Tiến Thư, Hoàng Vinh, Phan Quang, Dương Thị Thu Hà giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về các hình thức tôn vinh danh nhân xưa, danh nhân Thăng Long - Hà Nội từ góc nhìn văn hóa học, các tiêu chí tôn vinh danh nhân văn hóa, một số kinh nghiệm về tiêu chí tôn vinh danh nhân ở Việt Nam và trên thế giới…