Theo các chứng cứ lịch sử, vào cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, nhân dân Điện Biên (tỉnh Lai Châu trước đây) đã xây dựng ngôi đền - lưu truyền là Đền thờ Đức Thánh Trần tại khu vực đồi cao trung tâm (trước đây, đồng bào dân tộc Thái gọi là Đồi Lạng Chượng), nay là khu vực dãy các Đồi A1 - Đồi F - Đồi Cháy (theo tên gọi của bộ đội ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ) thuộc thành phố Điện Biên Phủ, để thờ phụng, tưởng nhớ công lao to lớn của tiền nhân đã có công hộ quốc, an dân. Công trình đền do nhân dân địa phương xây dựng là dấu mốc gắn với sự hiện diện của người Việt Nam, gắn với chủ quyền, lãnh thổ quốc gia Việt Nam. Khi quân Pháp chiếm đóng Mường Thanh, chúng cướp ngôi đền này để làm đồn lính Pháp, sau đó phá đền để xây dựng cứ điểm đề kháng. Ngày nay, nhân dân Điện Biên mong mỏi được khôi phục Đền thờ Đức Thánh Trần do các thế hệ cha ông trước đây xây dựng.
Cuốn sách Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần và việc xây dựng đền thờ Đức Thánh Trần ở Điện Biên gồm hai phần:
Phần I. Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần.
Phần II. Cơ sở lý luận và khảo sát thực tế xây dựng đền thờ Đức Thánh Trần ở tỉnh Điện Biên.