Tọa đàm Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành và khai mạc Trưng bày các ấn phẩm về chuyển đổi số

Ngày đăng: 05/10/2022 - 11:10

Sáng 05/10/2022, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Cục Xuất bản, In và Phát hành, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, Cục Chuyển đổi số quốc gia cùng các cơ quan liên quan tổ chức Tọa đàm Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành và khai mạc Trưng bày các ấn phẩm về chuyển đổi số. Đây là hoạt động thiết thực chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam (10/10/1952 - 10/10/2022) và Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10/2022).

Dự Tọa đàm có các đồng chí: Thượng tướng, PGS.TS. Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS.TS. Phạm Minh Tuấn, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam; TS. Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và đại diện các nhà xuất bản, đơn vị phát hành, cơ sở đào tạo ngành xuất bản cùng đông đảo bạn đọc quan tâm.

Dự và giao lưu cùng độc giả còn có GS. TSKH. Hồ Tú Bảo, Giám đốc Phòng thí nghiệm khoa học dữ liệu thuộc Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán học (VIASM); Giám đốc khoa học của Viện John von Neumann thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và ông Đinh Quang Hoàng, Giám đốc Công ty Cổ phần sách điện tử Waka.

PGS.TS. Phạm Minh Tuấn, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát biểu tại Tọa đàm

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, PGS.TS. Phạm Minh Tuấn, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật nhấn mạnh, chuyển đổi số mang lại thời cơ lớn, song cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam. Xuất bản sách điện tử có cơ hội lớn thực hiện chuyển đổi số. Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, sự phát triển mạnh mẽ của xuất bản phẩm điện tử cũng như sự thay đổi cách tiếp cận của bạn đọc đối với các xuất bản phẩm thông qua phương thức mua hàng trực tuyến đã tác động mạnh mẽ đến ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam. PGS.TS. Phạm Minh Tuấn mong muốn, buổi Tọa đàm khoa học là dịp để các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, quản lý chia sẻ những thông tin hữu ích về tác động của chuyển đổi số đối với ngành Xuất bản, In và Phát hành sách; những vấn đề đặt ra và giải pháp để phát huy tối đa sức mạnh của chuyển đổi số, đưa ngành Xuất bản, In và Phát hành sách trở thành ngành công nghiệp văn hóa phát triển, góp phần chấn hưng văn hóa đọc Việt Nam, đồng thời để ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam khẳng định “vị thế, vai trò là một trong những hoạt động tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân; là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” như yêu cầu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Thư chúc mừng nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống của ngành.

Các diễn giả trao đổi tại Tọa đàm

Với tinh thần đó, tại Tọa đàm, các đại biểu, trong đó có các chuyên gia nghiên cứu, cán bộ đầu ngành về lĩnh vực chuyển đổi số, đã cùng chia sẻ, trao đổi nhiều nội dung sâu sắc về xu hướng chuyển đổi số trên thế giới và Việt Nam; chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về thúc đẩy chuyển đổi số và Chương trình chuyển đổi số quốc gia; tình hình chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực xuất bản cùng những kết quả đã đạt được thời gian qua; chia sẻ, giới thiệu với những người làm công tác xuất bản và độc giả kinh nghiệm về việc thực hiện xuất bản và phát hành sách điện tử; giới thiệu những thành quả bước đầu của quá trình thực hiện chuyển đổi số ở một đơn vị xuất bản, phát hành sách điện tử; xu hướng xuất bản điện tử trên thế giới và Việt Nam…

Qua nội dung buổi Tọa đàm, có thể thấy, Việt Nam không đứng ngoài xu thế chuyển đổi số của thế giới. Trong ba năm trở lại đây, xuất bản điện tử ở Việt Nam đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ. Tính đến tháng 5/2022, đã có 16 nhà xuất bản đủ điều kiện xuất bản điện tử; từ năm 2019 đến năm 2021, bình quân mỗi năm toàn ngành xuất bản được từ 2.000 đến 2.500 xuất bản phẩm điện tử, trong đó riêng Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã xuất bản được gần 1.200 đầu sách; nhiều loại hình xuất bản phẩm điện tử hiện đại được xuất bản, có sự hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp phát hành xuất bản phẩm điện tử với các doanh nghiệp công nghệ… Tất cả những điều đó đã và đang tạo dựng diện mạo mới cho ngành xuất bản trên không gian số. Tuy nhiên, bên cạnh những bước tiến khả quan, hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản cũng còn nhiều điểm hạn chế như: việc thay đổi từ phương thức xuất bản truyền thống sang xuất bản điện tử của các đơn vị còn chậm; hình thức xuất bản điện tử chủ yếu mới chỉ dừng ở số hóa sách đã xuất bản; những hình thức mới như sách audio, sách thực tế ảo, sách tương tác giữa bạn đọc, tác giả và nhà xuất bản chưa có nhiều…

Đồng chí Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam phát biểu kết luận Tọa đàm

Khẳng định chuyển đổi số là xu thế của mọi ngành nghề, đồng thời là một yêu cầu cấp thiết cho sự phát triển của hoạt động xuất bản, đồng chí Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho biết, bên cạnh những thuận lợi và những cơ hội, hiện nay việc chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức. Để chuyển đổi số thành công, đồng chí Nguyễn Nguyên cho rằng, cần sự chung tay của nhiều ngành, đặc biệt phải thay đổi nhận thức và hành động về chuyển đổi số, tiếp đó là đầu tư công nghệ, đồng thời, phải vượt qua những cạnh tranh khi chuyển đổi số, nhất là vấn đề về bản quyền.

Các đại biểu cắt băng khai mạc trưng bày các ấn phẩm chuyển đổi số

Trong khuôn khổ Tọa đàm đã diễn ra Lễ khai mạc trưng bày các ấn phẩm chuyển đổi số tại tầng 1, trụ sở Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật (số 6/86 Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội). Tại không gian trưng bày sách này, các xuất bản phẩm về chuyển đổi số nói chung, chuyển đổi số trong các lĩnh vực của đời sống xã hội cùng nhiều ấn phẩm quan trọng khác cả phiên bản giấy và phiên bản điện tử của 20 nhà xuất bản, trong đó có các nhà xuất bản uy tín và đi đầu của Việt Nam về hoạt động chuyển đổi số như: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, Nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và công nghệ… Khu trưng bày được khai trương vào ngày 05/10/2022 và mở cửa liên tục đến ngày 15/10/2022.

Đại biểu tham quan không gian trưng bày sách

Đặc biệt, trong khuôn khổ lễ khai mạc, cuốn sách Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật giới thiệu tới bạn đọc phiên bản điện tử với những trải nghiệm mới trên trang sachquocgia.vn, qua đó nội dung cuốn sách được chuyển tải tới độc giả không chỉ còn là những dòng chữ đơn điệu mà còn có sự xuất hiện của các thành phần đa phương tiện như audio thuyết minh giới thiệu sách, các icon, hình ảnh động…

Độc giả trải nghiệm sách audio của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật

Bình luận