Toàn cầu hóa là một quá trình đã, đang và sẽ diễn biến rất phức tạp, người ta vẫn chưa đánh giá và dự đoán hết được hướng phát triển cũng như sự tác động nhiều mặt của nó đến các quốc gia, dân tộc như thế nào. Cho nên việc nghiên cứu, tìm hiểu thực chất của hiện tượng vốn phức tạp của lịch sử xã hội đương đại này là điều rất cần thiết. Đặc biệt, đất nước ta đang trong bước ngoặt của quá trình tiếp tục sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển với nhịp độ nhanh và ngày càng bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa. Do đó, vấn đề toàn cầu hóa và hội nhập, đổi mới và mở cửa, hợp tác và phát triển là những vấn đề rất mới đối với nhiều nước, trong đó có nước ta.
Nhằm góp phần nghiên cứu, nhận thức những vấn đề trên và triển khai có hiệu quả trong thực tiễn, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn Toàn cầu hóa hội nhập và phát triển bền vững từ góc nhìn triết học đương đại.
Cuốn sách gồm các chuyên đề của tập thể các tác giả nghiên cứu trong nhiều năm, từ năm 2003 đến nay được tập hợp, kết nối lại và hệ thống hóa. Công trình khoa học công bố trong cuốn sách gồm 6 chuyên đề chính có nội dung tương đối độc lập với nhau, được kết nối theo một trật tự khoa học:
Phần mở đầu: Một số vấn đề triết học đương đại từ thực tiễn toàn cầu hóa, đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước ngày nay
Phần một: Những vấn đề chung về thời đại và về quan hệ giữa toàn cầu hóa, hội nhập và phát triển trên thế giới và ở Việt Nam
Phần hai: Toàn cầu hóa và sự tiến hóa nhân loại ngày nay
Phần ba: Khoa học công nghệ ở các nước đang phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay
Phần bốn: Hội nhập và phát triển bền vững
Phần năm: Con người, văn hóa Việt Nam với hội nhập và phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa
Thay lời kết luận: Biết mình, biết người, hội nhập thành công, tiến cùng thời đại, phát triển bền vững - một triết lý của kỷ nguyên toàn cầu hóa
Các nội dung cung cấp trong cuốn sách là những nội dung có giá trị cả về lý luận và thực tiễn, đáp ứng nhu cầu bức thiết của các nước đang phát triển, trong đó có nước ta - đất nước cũng đang lựa chọn hướng đi cho mình trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay.
Thông qua các bài nghiên cứu của các tác giả, cuốn sách góp phần gợi mở việc nhận thức đầy đủ hơn về phép biện chứng của quá trình toàn cầu hóa hiện nay và sự tác động của nó đến sự hội nhập và phát triển, tiến bộ của các nước đang phát triển. Điều này có ý nghĩa đặc biệt đối với Việt Nam trong tiến trình hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu hóa.