Tổng tuyển cử năm 1946 - Sự khởi đầu của quá trình xây dựng chế độ dân chủ mới

Ngày đăng: 07/01/2021 - 08:01

 Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do, là tiền đề, điều kiện để xây dựng và phát triển đất nước. Một trong những nhiệm vụ cấp thiết, quan trọng hàng đầu của Nhà nước Dân chủ Cộng hòa ngay sau ngày thành lập là tiến hành cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội. Cuộc tổng tuyển cử năm 1946 thành công đã thể hiện bản lĩnh chính trị kiên cường của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đặt nền móng cho chế độ bầu cử tự do, dân chủ, khơi dậy ý thức làm chủ của nhân dân; đồng thời thể hiện ý chí và khát vọng độc lập, tự do của toàn thể nhân dân Việt Nam trong việc củng cố, xây dựng chính quyền vững mạnh.

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I - Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau Tổng tuyển cử ngày 06/01/1946, tại Nhà hát lớn Hà Nội.

1. Hồ Chí Minh - Người đặt nền móng cho chế độ bầu cử tự do, dân chủ

Trong hoàn cảnh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ vừa mới ra đời, Hồ Chí Minh đề ra một trong 6 nhiệm vụ cấp bách cần phải làm ngay, đó là phải có một hiến pháp dân chủ bằng cách “tổ chức càng sớm càng hay CUỘC TỔNG TUYỂN CỬ với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái 18 tuổi đều có quyền bầu cử và ứng cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống...”1. Đây thực sự là một thể lệ bầu cử dân chủ so với nhiều nước trên thế giới. Mục đích của nguyên tắc bầu cử phổ thông là nhằm thu hút tuyệt đại đa số dân cư ở trong nước đạt đến độ tuổi trưởng thành nhất định theo quy định của pháp luật tham gia vào bầu cử. Điểm độc đáo của việc áp dụng nguyên tắc bầu cử phổ thông trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên ở Việt Nam là pháp luật không chỉ bảo đảm quyền bầu cử cho những người đang là công dân Việt Nam mà còn bảo đảm cho cả những người nước ngoài đã sống lâu năm ở Việt Nam, tỏ lòng trung thành đối với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và có mong muốn được tham gia Tổng tuyển cử cũng được thực hiện quyền bầu cử. Ngày 07/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 73/SL quy định điều kiện, thủ tục cho người nước ngoài được nhập quốc tịch Việt Nam để họ trở thành công dân Việt Nam, được hưởng quyền bầu cử2.

Ngày 08/9/1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 14/SL về việc tổ chức Tổng tuyển cử bầu Quốc dân đại hội (Quốc hội). Đây là văn bản pháp luật đầu tiên về bầu cử. Sắc lệnh không chỉ nhấn mạnh yêu cầu bức thiết của cuộc tổng tuyển cử mà còn khẳng định nhân dân Việt Nam có đủ cơ sở pháp lý, điều kiện khách quan và chủ quan để tiến hành cuộc tổng tuyển cử đó: “Chiểu theo Nghị quyết của Quốc dân Đại biểu đại hội họp ngày 16, 17/8/1945 tại khu Giải phóng, ấn định rằng nước Việt Nam sẽ theo Chính thể Dân chủ Cộng hòa, và Chính phủ nhân dân toàn quốc sẽ do một quốc dân đại hội bầu theo lối phổ thông đầu phiếu cử lên”3. Điều 2 Sắc lệnh 14/SL và Điều 2 Sắc lệnh 51/SL đều quy định tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên không phân biệt nam nữ đều có quyền bầu cử và ứng cử4.

Ngày 17/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 51/SL ấn định ngày Tổng tuyển cử và thể lệ cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội. Trong đó, tại Điều 11 quy định: “Chậm nhất là 15 ngày trước ngày bỏ phiếu, người ứng cử phải gửi thẳng lên Ủy ban nhân dân tỉnh (tỉnh nơi mà mình ra ứng cử, hay thành phố) đơn ứng cử (có ghi rõ địa chỉ) kèm theo một tờ giấy của Ủy ban nhân dân địa phương (nguyên quán hoặc nơi trú ngụ) chứng nhận là đủ điều kiện ứng cử”5. Ngày 02/12/1945, Người ký Sắc lệnh số 71/SL về việc bổ khuyết điều thứ 11 của Sắc lệnh số 51/SL: “Vì sự giao thông hiện thời khó khăn, người ứng cử có thể gửi đơn ứng cử ngay cho Ủy ban nhân dân nơi mình trú ngụ, và yêu cầu Ủy ban nhân dân ấy điện cho Ủy ban nhân dân nơi mình xin ứng cử. Đơn và giấy chứng thực đủ điều kiện sẽ do Ủy ban nhân dân nơi trú ngụ chuyển sau cho Ủy ban nhân dân nơi ứng cử”6. Đặc biệt, khi thấy có nhân sĩ muốn ra ứng cử nhưng không có thời gian nộp đơn và vận động tranh cử, Người đã ký Sắc lệnh số 76/SL, ngày 18/12/1945 về việc ấn định lại ngày Tổng tuyển cử và hạn nộp đơn ứng cử. Việc bổ sung, sửa đổi một số điều khoản của thể lệ Tổng tuyển cử đã thể hiện sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc hướng dẫn nhân dân thực hiện một cách hiệu quả nhất cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên trên cả nước.

Để mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh quyết định mời tất cả những người ngoài Mặt trận Việt Minh cùng đứng chung danh sách ứng cử. Hành động này chứng tỏ Hồ Chí Minh và Việt Minh luôn tôn trọng quyền tự do, dân chủ của nhân dân, tôn trọng người tài, đoàn kết mọi lực lượng yêu nước, thiện tâm, thiện chí vì quyền lợi tối cao của dân tộc. Người khẳng định: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó. Vì lẽ đó, cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết”7.

Những quy định trên của các sắc lệnh về Tổng tuyển cử thể hiện triệt để nguyên tắc tự do bầu cử, là cơ sở pháp lý quan trọng bảo đảm cho mọi công dân có quyền bầu cử, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện quyền tự do ứng cử, tự do vận động tranh cử của mình.

2. Hồ Chí Minh - Người khơi dậy ý thức làm chủ của nhân dân

Cách mạng Tháng Tám thành công, đất nước được độc lập, nhân dân được tự do. Song, Việt Nam lại đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách. Giặc ngoài, thù trong đe dọa chính quyền non trẻ, tiềm lực của đất nước vô cùng non yếu.

Các báo phản động ra sức nói xấu Việt Minh và Đảng Cộng sản, kêu gọi tẩy chay Tổng tuyển cử vì cho rằng trình độ dân trí của ta còn thấp kém, trên 90% dân số mù chữ nên không đủ năng lực thực hiện quyền công dân của mình, do đó cần tập trung chống thực dân Pháp xâm lược, không nên mất thì giờ vào bầu cử8. Trước tình hình đó, Hồ Chí Minh đã kịp thời động viên ý thức làm chủ của đông đảo quần chúng nhân dân. Đây là yếu tố quyết định trực tiếp đến kết quả Tổng tuyển cử. Chỉ có Tổng tuyển cử mới giúp dân chúng có dịp nói hết những ý muốn của mình và chỉ có Chính phủ lập ra bởi Tổng tuyển cử mới là đại diện chân chính và trung thành của toàn thể nhân dân. Với lòng tin tuyệt đối vào nhân dân, Hồ Chí Minh khẳng định, nhân dân sẽ biết sử dụng lá phiếu của mình mà chống lại quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn9.

Trước ngày Tổng tuyển cử, Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu. Người nhấn mạnh: “Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình… Ngày mai, dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình, và gánh vác việc nước… Ngày mai, tất cả các bạn cử tri, đều phải nhớ đi bầu cử. Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do”10. Người khuyên toàn dân hãy sáng suốt lựa chọn những người công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi dân chúng, có năng lực làm việc, được đông đảo dân làng tín nhiệm11.

Hưởng ứng lời hiệu triệu thiêng liêng của Người, ngày 06/01/1946, với tinh thần yêu nước nồng nàn và khí thế hào hùng, nhân dân Việt Nam trên khắp mọi miền Tổ quốc đã nô nức tham gia bầu cử, bất chấp sự phá hoại điên cuồng của các lực lượng phản động, thù địch. Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên đã thực sự trở thành ngày hội của quần chúng nhân dân. Với thành công này, toàn bộ quyền lực thực sự đã thuộc về nhân dân. Đây cũng là thắng lợi của tinh thần yêu nước, thắng lợi của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, Tổng tuyển cử là “kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già trẻ, lớn bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc”12.

3. Tổng tuyển cử năm 1946 - Cơ sở pháp lý xây dựng Nhà nước Việt Nam mới

Cuộc Tổng tuyển cử năm 1946 là sự kiện lịch sử mở đầu cho một quá trình xây dựng chế độ dân chủ mới. Đó cũng là sự khởi đầu và phát triển của Quốc hội, một “Quốc hội dân chủ đầu tiên ở vùng Đông Nam châu Á, cũng là Quốc hội đầu tiên của các nước thuộc địa cũ được độc lập tự do”13. Ngày 02/3/1946, phát biểu tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội đầu tiên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, với thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử, nhân dân Việt Nam đã tỏ rõ cho thế giới biết rằng toàn dân Việt Nam đã đoàn kết nhất trí vì nền độc lập của Tổ quốc14. Được sự ủy nhiệm của Quốc hội về việc lập Chính phủ chính thức (Chính phủ Liên hiệp kháng chiến), Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Chính phủ và được Quốc hội thông qua. Thay mặt Chính phủ, Đoàn cố vấn tối cao, Hồ Chí Minh đọc Lời tuyên thệ: “xin cương quyết lãnh đạo nhân dân kháng chiến, thực hiện nền dân chủ cộng hòa Việt Nam, mang lại tự do hạnh phúc cho dân tộc. Trong công việc giữ gìn nền độc lập, chúng tôi quyết vượt mọi nỗi khó khăn dù phải hy sinh tính mệnh cũng không từ”15.

Hoạt động của Quốc hội và Chính phủ liên hiệp kháng chiến từ tháng 3 đến cuối tháng 10/1946 đã bước đầu đưa đất nước vượt qua khó khăn. Chính quyền cách mạng được giữ vững. Tuy nhiên, trước âm mưu mở rộng chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, nhiệm vụ xây dựng nhà nước và bảo vệ độc lập, tự do của đồng bào cả nước càng trở nên nặng nề. Trong bối cảnh đó, Quốc hội họp kỳ họp thứ hai đã biểu quyết danh sách Chính phủ mới do Hồ Chí Minh đệ trình. Chính phủ tỏ rõ tinh thần liên hiệp, “chú trọng thực tế và sẽ nỗ lực làm việc, để tranh thủ quyền độc lập và thống nhất lãnh thổ cùng xây dựng một nước Việt Nam mới”16. Cũng tại kỳ họp này, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thông qua. Đây là một Hiến pháp dân chủ, khẳng định quyền độc lập, thống nhất lãnh thổ và bảo vệ đất nước của toàn dân, xây dựng thể chế dân chủ cộng hòa, một chế độ bảo đảm quyền dân chủ, tự do của mọi công dân Việt Nam.

Việc thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào tháng 11/1946, thời điểm bùng nổ cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp đang tới gần và nhân dân đang thực hiện những công việc khẩn cấp do Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra, cho thấy tính cấp thiết và tầm quan trọng của bản Hiến pháp. Hiến pháp năm 1946 đã củng cố cơ sở pháp lý, tính hợp hiến và hợp pháp của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tạo thế cho chính quyền trở thành vũ khí cần thiết nhất của Đảng và nhân dân trong việc “bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ”17.

Hiến pháp năm 1946 là cơ sở chính trị - pháp lý để thiết lập thể chế chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa và xác lập cơ chế hình thành quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. “Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới biết dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do… Hiến pháp đó đã nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bình của các giai cấp”18. Có thể nói, Hiến pháp năm 1946 đã trở thành dấu mốc lịch sử của tiến trình cách mạng giải phóng dân tộc của toàn thể nhân dân Việt Nam, là sự kết tụ ý chí và trí tuệ của toàn dân tộc. Hồ Chí Minh chính là người đã biến ý chí đó từ khát vọng trở thành hiện thực với sự nỗ lực không ngừng nghỉ và bản lĩnh chính trị khoa học. Đó cũng là thắng lợi của những quyết sách dũng cảm, táo bạo, kịp thời, chủ động vượt qua tình thế hiểm nghèo của một đảng cách mạng chân chính; sự hy sinh, phấn đấu của toàn thể nhân dân Việt Nam không kể già trẻ, lớn bé, tất cả các tôn giáo, dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết thành một khối vững chắc giành lấy nền độc lập của Tổ quốc. Điều đó đã minh chứng cho việc khẳng định nền độc lập của dân tộc Việt Nam theo thông lệ quốc tế, mở ra một chân trời mới cho con đường phát triển hội nhập với những giá trị chung của nhân loại tiến bộ.

Như vậy, Tổng tuyển cử, quyền tự do dân chủ của nhân dân và Hiến pháp trong tư tưởng Hồ Chí Minh có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau. Trong đó, dân chủ là gốc, Hiến pháp là tiền đề, sự bảo đảm quyền tự do, dân chủ của nhân dân là nền tảng mang tính xung lực, là mục tiêu cần đạt được. Đây là công thức về một nhà nước dân chủ cần có ở Việt Nam mà Hồ Chí Minh là người sáng lập ra. Tư tưởng đó là tiền đề quan trọng cho việc xây dựng và phát triển một nền chính trị dựa trên nền tảng Hiến pháp.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 06/01/1946 đã đánh dấu bước phát triển nhảy vọt trong tiến trình phát triển lịch sử của dân tộc Việt Nam. Người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ, mất nước đã trở thành “chủ nhân” một nước tự do, độc lập và đã khẳng định với thế giới rằng: nhân dân Việt Nam quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do, có quyền và có đủ khả năng để tự quyết định vận mệnh lịch sử của mình, tự lựa chọn và dựng xây chế độ mới, chế độ dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

75 năm đã trôi qua với biết bao thăng trầm của lịch sử nhưng thắng lợi to lớn của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đến nay vẫn còn nguyên giá trị, mở ra một trang sử mới, thời kỳ đất nước Việt Nam có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất với thể chế dân chủ thực sự cho mọi người dân. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đã khẳng định rõ vai trò lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh với những quyết sách kịp thời, đúng đắn trên cơ sở phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân và vai trò làm chủ của nhân dân. Đó là những bài học lịch sử có ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 7.

2, 3, 5, 6.  Cục văn thư và lưu trữ nhà nước, Trung tâm lưu trữ quốc gia III: Bảo vật quốc gia: Tập sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa 1945-1946, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017, tr. 130, 25, 79, 128.

4. Cục văn thư và lưu trữ nhà nước, Trung tâm lưu trữ quốc gia III: Bảo vật quốc gia: Tập sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa 1945-1946, Sđd, tr. 25, 77.

7, 9, 10, 11, 12, 14, 15, 16, 18. Xem: Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, 153, 166, 166-167,  21, 216, 217, 223, 481, 491 .

8. Xem: Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Văn phòng Quốc hội: Lịch sử Quốc hội Việt Nam, tập I (1946-1960), Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 35.

13. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 548.

17. Báo Nhân dân: Hiến pháp năm 2013, sự kết tinh ý chí, trí tuệ toàn dân tộc, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2014, tr. 11.

TS. Trần Thị Phúc An

Trường Đại học Mỏ - Địa chất

Bình luận