Trang phục là một trong những thành tố văn hóa vật thể cơ bản, không chỉ có chức năng che đậy, bảo vệ con người về mặt sinh học mà còn là biểu hiện của văn hóa, nếp sống, trình độ kỹ thuật, kỹ năng, kỹ xảo thủ công truyền thống và quan niệm thẩm mỹ của tộc người. Ngoài ra, trang phục còn là cơ sở để nhận biết và giúp cho sự phân biệt giữa tộc người này với tộc người khác. Vì vậy, trang phục luôn là một trong những đối tượng nghiên cứu quan trọng của nhân học văn hóa.
Để giúp bạn đọc tìm hiểu thêm về văn hóa tộc người, đặc biệt là trang phục của người Lào, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật xuất bản cuốn sách Trang phục của người Lào ở Tây Bắc Việt Nam.
Cuốn sách là một nghiên cứu chuyên sâu và có hệ thống về trang phục của người Lào ở Tây Bắc Việt Nam, về cách thức tạo ra trang phục, các đặc điểm văn hóa qua trang phục và những tri thức làm ra trang phục đó. Tác giả cũng trình bày rõ những biến đổi về trang phục của người Lào trong bối cảnh hiện nay và luận giải về những biến đổi đó. Bên cạnh đó, nội dung cuốn sách cũng chỉ ra sự tương đồng và khác biệt trong trang phục giữa người Lào ở Tây Bắc với một số tộc người láng giềng trong nhóm ngôn ngữ Tày – Thái (nhóm Thái Đen, người Lự) và người Thay Đeng ở tỉnh Hủa Phăn, nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào; bước đầu đưa ra một số khuyến nghị nhằm bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống và nghề thủ công liên quan đến người Lào ở Tây Bắc nước ta.
Đây là tài liệu đầu tiên viết về văn hóa người Lào ở Tây Bắc Việt Nam dưới góc độ trang phục. Cuốn sách sẽ cung cấp cho độc giả bức tranh văn hóa cũng như trang phục của cộng đồng người Lào ở vùng Tây Bắc Việt Nam.