Triển lãm tranh chào đón năm mới “Mùi”

Ngày đăng: 14/02/2015 - 10:02

Triển lãm tranh chào đón năm mới mang tên “Mùi” kéo dài từ ngày 2-1 đến 1-3-2015 tại Flora Coffe (713 Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội) sẽ mang đến một diện mạo mới cho sắc xuân Ất Mùi 2015.

trien lam Mui
Triển lãm được mở ra với hai ý nghĩa: thứ nhất là chia tay Ngọ đón Mùi, thứ hai là đây được xem như bữa tiệc tất niên sau một năm hoạt động của các họa sĩ. Tham dự triển lãm, ngoài 10 tác giả của Ban tổ chức còn có đông đảo giới văn nghệ sỹ và các bạn trẻ yêu thích mảng nghệ thuật khá trừu tượng này.
Cùng chung một đề tài là thể hiện hình tượng con dê nhưng 10 họa sĩ tham gia triển lãm, mỗi người lại mang tới một ngôn ngữ tạo hình và chất liệu riêng. Chất liệu tùy vào sự lựa chọn ở mỗi cá nhân, người thì sơn dầu, người thì giấy dó, người thì bột màu, người xé giấy, người vẽ tranh, kẻ làm tượng. Mười họa sĩ mỗi người một hình dê, mầu dê, mỗi kiểu dê cho riêng mình. Chung mà riêng, riêng mà chung.

Nếu như họa sĩ Tào Linh, Trịnh Tú thể hiện mảng miếng cùng lập thể thì họa sĩ Phương Bình, Trần Gia Tùng lại trừu tượng với sơn dầu. Họa sĩ Lê Thiết Cương, Hoàng Thị Phương Liên mang đến sự rực rỡ màu sắc dân gian với tranh dán giấy điểm mực nho. Họa sĩ Đỗ Dũng lại mạnh bạo với màu bột. Phạm Trần Quân sử dụng giấy dó, Nguyễn Phan Bách với hình ảnh chú dê khá hiện thực. Và Lê Đình Nguyên độc đáo với tác phẩm điêu khắc.
Họa sĩ Lê Thiết Cương (Trưởng ban tổ chức Triển lãm) chia sẻ với chúng tôi: “Triển lãm được mở ra với hai ý nghĩa: thứ nhất là chia tay Ngọ đón Mùi; thứ hai là đây được xem như bữa tiệc tất niên sau một năm hoạt động của các họa sĩ. Triển lãm “Mùi” nhằm hướng tới thông điệp: Mùi nằm trong bốn con vật Thìn, Tuất, Sửu, Mùi thuộc Thổ, Thổ thuộc chủ tĩnh, ý nghĩa của nó là sự chuyển êm, mong các bạn có những bước chuyển êm đềm”.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ cởi mở: “Triển lãm Mùi là một bước ngoặt trong việc thể hiện sự phong phú của hội họa. Không gian tuy nhỏ, khoảng hơn 100 m2 nhưng tôi thấy rõ không khí xuân, có tính điêu khắc, tính chuyên nghiệp tương đối cao. Đặc biệt, tôi rất thích cách tổ chức của họa sĩ Lê Thiết Cương”.


Khi được hỏi, tác giả đã chuẩn bị trong bao lâu để hoàn thành tác phẩm con dê của mình. Họa sĩ Phương Bình (thành viên Ban tổ chức) cho biết: "Nghệ thuật thuộc cảm xúc. Đặc biệt là mảng hội họa của chúng tôi. Không kể thời gian dài, ngắn, sớm, tối, bất cứ lúc nào chúng tôi dâng trào cảm hứng là có thể hoàn thành tác phẩm. Nói về thời gian chuẩn bị tác phẩm, tôi chỉ mất khoảng một tuần. Điều quan trọng là họa sĩ Lê Thiết Cương, Trưởng ban tổ chức đã có kế hoạch từ khá lâu rồi”.


Chủ đề chính là con Dê, mười họa sĩ , mỗi người một hình dê, mầu dê, kiểu dê riêng cùng tham gia triển lãm như một sự chào đón năm Ất Mùi sắp đến, tuy nhiên duy nhất họa sĩ Tào Linh là người không theo mạch này, bốn tác phẩm của anh trong triển lãm là phố Hà Nội và những vật dụng được con người sử dụng như: chiếc xe đạp,…

alt
Mùi là một trong mười hai con vật biểu tượng của dòng tuần hoàn Thập nhị địa chi: Tí, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Những con vật này đều là một đề tài quen thuộc, phần lớn các họa sỹ đều đã vẽ, người nhiều, kẻ ít. Năm hết Tết đến, tiễn cũ đón mới. Đó cũng là một tục lệ đẹp của các họa sỹ mà chưa chắc các ngành nghệ thuật khác đã dễ gì có được. Ở lớp họa sĩ bậc thầy có Nguyễn Tư Nghiêm là người vẽ nhiều, vẽ đều và đủ cả 12 con giáp. Có những họa sĩ chỉ chuyên vẽ một vài con, như họa sỹ Lê Trí Dũng thích vẽ tranh ngựa, nghệ sĩ Lê Đình Nguyên mê làm điêu khắc với trâu… Tin rằng Triển lãm không chỉ tạo sự hứng thú tìm tòi cho các bạn yêu thích mảng nghệ thuật khá trừu tượng này mà còn mang đến một diện mạo mới cho sắc xuân Ất Mùi 2015.

Tâm Anh (Tổng hợp)


Bình luận