Cuốn sách Truyện cổ danh nhân - hào kiệt xứ Thanh (con người - di tích - danh thắng) của tác giả Trần Văn Thịnh là tác phẩm có nhiều nguồn tư liệu quý và phong phú, đưa người đọc đến với vùng đất Thanh Hóa từ thuở khai thiên lập địa với ông Nưa, ông Bưng, ông Vồm,... gánh núi, tạo sông, bảo vệ con người khỏi loài thú dữ; đến Bà Triệu "cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển khơi, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn,...", rồi chúa Tiên Nguyễn Hoàng với sự nghiệp khai phá, mở mang bờ cõi, tạo dựng nên hình hài nước Việt gấm vóc hôm nay, v.v..
Tính chất "cổ" của Thanh Hóa về cấu tạo địa chất cũng như về lịch sử, trước đây cũng đã nhiều người nói tới. "Xứ Thanh" đã là đối tượng tìm hiểu và nghiên cứu của nhiều người trong nước và nước ngoài. Với tính cách "cổ" đó, Thanh Hóa đã có một thời kỳ "huyền sử" vô cùng phong phú với các loại thần thoại về ông "Khổng lồ" (tục gọi là Ông Đùng) có nhiều phép lạ nhưng lại sinh hoạt giống mọi người lao động bình thường hay Ông Nưa (Ngàn Nưa, huyện Triệu Sơn) với sức mạnh phi thường đã diệt trừ ác thú trên rừng, bắt voi phải dời núi, đào sông, mở rộng diện tích đất đai nông nghiệp phục vụ lợi ích con người, Thần độc Cước (miền biển Sầm Sơn, thị xã Sầm Sơn) đã dùng búa bẻ đôi thân mình để chống bọn Quỷ đỏ, bảo vệ dân lành làm ăn trên biển, v.v.. Theo trục thời gian, Truyện cổ danh nhân - hào kiệt xứ Thanh (Con người - Di tích - Danh thắng) cũng đề cập đến những nhân vật tiêu biểu có gốc gác Thanh Hóa hay có thời gian hoạt động trên vùng đất Thanh Hóa như Triệu Thị Trinh, Dương Đình Nghệ, Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt, Lê Phụng Hiểu, Lê Lợi… Cuốn sách không nhằm mục đích ghi lại tiểu sử của các danh nhân mà chỉ kể những câu chuyện còn ít người biết tới để khắc họa thêm chân dung của những bậc hào kiệt xứ Thanh xưa. Cuốn sách là công trình văn hóa khoa học công phu, khơi nguồn tự hào truyền thống, là tác phẩm quý về quê hương, đất nước.