Tư duy đạo đức - Vì sao những người tốt bị chia rẽ bởi chính trị và tôn giáo

Ngày đăng: 27/05/2021 - 08:05

“Nghiên cứu của Haidt đã tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành tâm lý học đạo đức. Cuốn sách này đem đến những suy tư sáng giá cho bất kỳ ai quan tâm đến lĩnh vực nhân chủng học, chính trị, tôn giáo, hay nhiều mâu thuẫn đang chia rẽ xã hội chúng ta. Nếu bạn muốn biết tại sao bạn lại có những tư duy đúng sai như bạn đang có, và tại sao có những người lại bất đồng với bạn, thì hãy đọc cuốn sách này”

- Simon Baron-Cohen

Đại học Cambridge

Cuốn sách Tư duy đạo đức - Vì sao những người tốt bị chia rẽ bởi chính trị và tôn giáo

Tư duy đạo đức - Vì sao những người tốt bị chia rẽ bởi chính trị và tôn giáo là một cuốn sách tham khảo được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức biên dịch và xuất bản từ nguyên tác có tựa đề “The Righteous Mind: Why Good People Are Divided by Politics and Religion” của Jonathan Haidt, giáo sư thuộc lĩnh vực tâm lý học xã hội, trường Đại học New York, Hoa Kỳ. Cuốn sách là một tác phẩm tuyệt vời được hình thành từ những kinh nghiệm đã được đúc kết trong 25 năm nghiên cứu về lĩnh vực tâm lý học đạo đức của Jonathan Haidt.

“Những người dành cả đời để nghiên cứu cái gì đó thường tin rằng chủ đề họ nghiên cứu chính là chìa khóa để hiểu mọi thứ trên đời. Ví dụ, đã có biết bao cuốn sách nói về vai trò vĩ đại của việc nấu ăn, của việc làm mẹ,… thậm chí của muối trong sự phát triển của nhân loại”. Và Tư duy đạo đức - Vì sao những người tốt bị chia rẽ bởi chính trị và tôn giáo cũng là một cuốn sách như vậy. Nó sẽ chứng minh được rằng, “đạo đức là khả năng đặc biệt của con người để tạo ra các nền văn minh”.

Cuốn sách được chia thành 3 phần và điều đặc biệt là mỗi phần có thể được coi là một cuốn sách nhỏ trong đó. Mỗi cuốn sách nhỏ đó lại chứa đựng một nguyên tắc riêng và đó đều là những nguyên tắc quan trọng của tâm lý học đạo đức. Những nguyên tắc này sẽ dẫn dắt chúng ta tới một cách suy ngẫm mới về hai chủ đề quan trọng, “đau thương và cũng gây chia rẽ nhất trong đời sống của con người”, đó là: chính trị và tôn giáo. Cả chính trị và tôn giáo đều là những cách biểu đạt tâm lý đạo đức ẩn sâu trong mỗi chúng ta và thấu hiểu được tâm lý đó có thể là cách đưa mọi người xích lại gần nhau.

Từ Tư duy đạo đức, chúng ta sẽ thấu hiểu tại sao phe tự do, phe bảo thủ và phe tự do cá nhân lại có những ý niệm về đúng sai khác nhau và tại sao mỗi bên thật ra đều có những điểm đúng liên quan đến những mối quan tâm cốt lõi của họ. Từ Tư duy đạo đức, chúng ta sẽ hiểu, để sống đạo đức, phải hiểu cách thức hình thành tư duy, phải tìm cách vượt qua sự tự mãn tự nhiên của bản thân, phải tôn trọng và thậm chí học hỏi từ những người có đạo đức khác với chính chúng ta…

Một cuốn sách mang tính cách mạng trong ngành tâm lý học đạo đức.

Bình luận