Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế là cần thiết và càng trở nên cấp thiết, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi đất nước ta đã và đang bước vào thời kỳ mới – thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức; hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Qua quá trình nghiên cứu, có thể thấy trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng của Người về kinh tế là một bộ phận hợp thành, là tư tưởng của nhà chính trị bàn về kinh tế, do đó nó có sự thống nhất cao độ giữa kinh tế với chính trị, kinh tế với văn hóa, đạo đức và con người. Nó được hình thành và phát triển cùng với quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Nhằm cung cấp thêm tài liệu tham khảo về vấn đề nêu trên, Nhà xuất bản Chính trị quôc gia xuất bản cuốn sách Tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế của tập thể tác giả do TS. Ngô Văn Lương làm chủ biên.
Từ sự phân tích cơ sở hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế, cuốn sách tập trung phân tích tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn; về sở hữu và các thành phần kinh tế ở Việt Nam; về quản lý kinh tế; về mục tiêu, động lực và nhân tố con người trong xây dựng và phát triển kinh tế; về phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân; về kinh tế đối ngoại, thu hút ngoại lực để phát huy nội lực; về công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa nền kinh tế quốc dân.
Cuốn sách góp phần làm rõ hơn những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về kinh tế và giúp giảng viên, sinh viên nói riêng và bạn đọc nói chung có được cái nhìn khái quát, toàn diện, sâu sắc khi nghiên cứu tư tưởng của Người về kinh tế.