Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và sự vận dụng trong xây dựng Đảng về đạo đức hiện nay
Cuốn sách Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và sự vận dụng trong xây dựng Đảng về đạo đức hiện nay do đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam chủ biên, với sự tham gia nghiên cứu, biên soạn của nhiều nhà lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học uy tín, đứng đầu là Thượng tướng, PGS.TS. Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, cùng các nhà nghiên cứu trong và ngoài Học viện An ninh nhân dân và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.
Cuốn sách ra mắt cán bộ, đảng viên và Nhân dân cả nước đúng vào thời điểm cả nước sôi nổi kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019), 74 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (1945-2019). Trong Lời tựa của cuốn sách, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Với cách trình bày khoa học dựa trên một khối tư liệu phong phú và cập nhật, cuốn sách đã hệ thống hóa di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Đảng và xây dựng Đảng; tổng quan thực trạng đạo đức trong Đảng và công tác xây dựng Đảng về đạo đức trong thời gian qua; luận giải yêu cầu của sự cần thiết phải vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong xây dựng Đảng về đạo đức hiện nay; từ đó đề xuất nhiệm vụ và các giải pháp vận dụng tư tưởng của Người nhằm xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, là đạo đức, là văn minh, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân cả nước”.
Xuyên suốt nội dung cuốn sách, thông qua việc khái quát những luận điểm cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, các tác giả đã khẳng định, là người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu Đảng phải tiêu biểu cho đạo đức và văn hóa, vì vậy, Người đặc biệt coi trọng xây dựng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng; thường xuyên yêu cầu Đảng phải tự xây dựng, chỉnh đốn nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của sự nghiệp cách mạng. Người nhấn mạnh: Là lực lượng duy nhất cầm quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam phải chịu trách nhiệm trước lịch sử, trước nhân dân về sự bảo vệ toàn vẹn độc lập dân tộc, về sự phát triển của đất nước, về hiệu lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Trong Di chúc thiêng liêng, Người đã căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền… Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”(1). Trước yêu cầu của tình hình mới, đòi hỏi Đảng phải đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức lãnh đạo nhằm giữ vững vai trò lãnh đạo đất nước và xã hội. Có thể nói, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, là “cẩm nang” đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong quá trình xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ
Ở Chương 1: Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, các tác giả đã dành gần 100 trang viết đi sâu phân tích bối cảnh lịch sử và cơ sở hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó nhấn mạnh: Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh thuyết phục nhân dân và nhân loại không chỉ bằng mục tiêu chân chính, trí tuệ xuất chúng mà còn bằng tấm gương đạo đức cao cả. Được khích lệ bởi tấm gương đạo đức của Người, lớp lớp cán bộ, đảng viên của Đảng đã tự nguyện chiến đấu, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng và góp phần làm nên “pho lịch sử bằng vàng” của Đảng Cộng sản Việt Nam. Khẳng định: Nhận thức luôn là một quá trình, vì vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng trải qua các giai đoạn tìm tòi, manh nha, phát triển và ngày càng hoàn thiện trên cơ sở nghiên cứu lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin cũng như hoạt động thực tiễn và nhân tố chủ quan của Người. Các tác giả dành sự quan tâm đặc biệt phân tích vai trò của nhân tố chủ quan Hồ Chí Minh trong sự hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, và khẳng định: Điều kiện đầu tiên để Hồ Chí Minh trở thành nhà tư tưởng lớn và lãnh tụ của Đảng, của dân tộc chính là Người có tấm lòng yêu nước, thương dân sâu sắc. Hồ Chí Minh là người có trí tuệ sáng suốt, tầm nhìn sâu rộng. Trí tuệ giúp Người tìm ra lý luận tiên tiến và con đường cứu nước đúng đắn, phù hợp với thực tiễn dân tộc. Chính trí tuệ làm cho Hồ Chí Minh có sự độc lập, tự chủ trong tư duy và hành động. Trí tuệ giúp Hồ Chí Minh biến tư tưởng thành hiện thực cách mạng, thành nhà tổ chức thực sự tài ba.
Ở Chương 2: Xây dựng Đảng về đạo đức và yêu cầu vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, các tác giả đi sâu phân tích vị trí, vai trò của đạo đức trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng; quan điểm của Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng Việt Nam, từ đó khẳng định: Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh bắt nguồn từ truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam đã được hình thành, phát triển trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước; là sự vận dụng và phát triển sáng tạo đạo đức cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin; là sự tiếp thu có chọn lọc và phát triển những tinh hoa văn hóa, đạo đức của nhân loại cả phương Đông lẫn phương Tây mà Người đã tiếp cận được trong quá trình hoạt động cách mạng đầy gian lao, thử thách, vì mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Hồ Chí Minh coi đạo đức cách mạng là gốc của người cách mạng với luận điểm: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”(2).
Đặc biệt, các tác giả dành nhiều tâm huyết phân tích, đánh giá thực trạng đạo đức trong Đảng hiện nay và thực trạng công tác xây dựng Đảng về đạo đức thời gian qua. Các tác giả khẳng định: Qua hơn 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Đa số cán bộ, đảng viên của Đảng đã tích cực rèn luyện phẩm chất, năng lực, tiên phong, gương mẫu, năng động, sáng tạo trong công tác, đóng vai trò nòng cốt trong công cuộc đổi mới. Tuy nhiên, trước những tác động của nhiều nhân tố khách quan và chủ quan, trong đó có mặt trái, mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, mặt trái của toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, sự phát triển khoa học và công nghệ... dẫn đến tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Nhận định về những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên của Đảng, ngay từ Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (tháng 1/1994), Đảng ta đã chỉ ra những biểu hiện của tình trạng này và coi đó là một trong bốn nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Các kỳ Đại hội Đảng và nhiều hội nghị Trung ương các khóa tiếp tục đánh giá thực trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; xác định việc ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên là nhiệm vụ vừa cơ bản, lâu dài, vừa có ý nghĩa cấp bách trong công tác xây dựng Đảng. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (năm 2016) đã đề cập nội dung xây dựng Đảng về đạo đức: “Tập trung thực hiện mục tiêu: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”(3). Xây dựng Đảng về đạo đức thực tế luôn gắn liền, nằm trong xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức nhưng nay được gọi tên, được đặt ngang hàng đã thể hiện ý chí của Đảng là đề cao, coi trọng đạo đức. Đây là một trong những điểm mới, rất căn bản và trọng yếu trong việc mở rộng nội dung xây dựng Đảng hiện nay. Các tác giả nhấn mạnh, trước yêu cầu của tình hình mới, sự vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng vào xây dựng Đảng về đạo đức hiện nay được đặt ra như một nhiệm vụ chính trị cấp bách, hệ trọng, phải được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, dựa trên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của toàn thể nhân dân. Có như vậy mới bảo đảm cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, thực sự tiêu biểu cho lương tâm, trí tuệ của dân tộc và thời đại.
Ở Chương 3: Nhiệm vụ và giải pháp vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng vào xây dựng Đảng về đạo đức hiện nay, các tác giả tập trung phân tích các yếu tố tác động đến việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng về đạo đức hiện nay, trong đó đặc biệt làm rõ các yếu tố tác động tích cực, như: các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc và truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang của Đảng; bài học thực tiễn hơn 30 năm đổi mới với công tác xây dựng Đảng; việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành “mệnh lệnh từ trái tim” của mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân. Các yếu tố tác động tiêu cực, như: mặt trái của cơ chế thị trường, mặt trái của xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, cách mạng khoa học và công nghệ; khó khăn, trở ngại trong đời sống nội tại của đất nước. Từ đó, các tác giả nhận định: Việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay chịu tác động của nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, tích cực và tiêu cực, trong đó các yếu tố tác động tích cực giữ vai trò căn bản, là nền tảng vững chắc để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao vai trò, sức mạnh của Đảng, để Đảng làm trọn nhiệm vụ vẻ vang mà nhân dân giao phó.
Để nội dung xây dựng Đảng về đạo đức đạt được kết quả tích cực, thực chất, cần tiến hành đồng bộ năm nhóm giải pháp: Một là, về chính trị, tư tưởng: đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh; đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn trong công tác xây dựng Đảng về đạo đức; Hai là, đẩy mạnh công tác tự phê bình và phê bình, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, “lợi ích nhóm”, nói không đi đôi với làm; Ba là, xây dựng, hoàn thiện và thực hiện tốt các chính sách về công tác cán bộ; phát huy vai trò gương mẫu trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác của cán bộ, đảng viên; tích cực cải cách hành chính trong Nhà nước và trong Đảng; ban hành quy chế giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân đối với cán bộ, đảng viên, trong đó cần phát huy vai trò và trách nhiệm của quần chúng nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay. Các tác giả khẳng định: Thực tế, ở nơi nào niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào tổ chức, cấp ủy đảng mạnh mẽ thì ở đó vai trò, trách nhiệm của quần chúng nhân dân trong xây dựng Đảng được phát huy cao độ; Bốn là, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng đối với cán bộ, đảng viên; Năm là, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội.
Cuốn sách khép lại với nhận định sâu sắc: Thực tiễn cách mạng của Đảng và của dân tộc gần chín thập niên qua, nhất là trong công cuộc đổi mới đã cho thấy, đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên có vai trò quan trọng và tác dụng to lớn đối với sự phát triển của đất nước và sự trưởng thành của Đảng.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách với cán bộ, đảng viên và bạn đọc cả nước.
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.15, tr.622.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.292.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.202.
PHẠM CHÍ THÀNH
Q. Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Bùi Bằng Đoàn với sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước
- Xuất bản hai cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc
- Tái bản một số ấn phẩm tiêu biểu nhân kỷ niệm 133 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xuất bản bộ sách về lịch sử ngành Công Thương
- Đề cương về văn hóa Việt Nam – Khởi nguồn và động lực phát triển
- Sách tương tác góp phần đánh thức tiềm năng của trẻ
- Xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay theo quan điểm của Đảng
- Đổi mới hoạt động thư viện, phát triển kỹ năng đọc cho thiếu nhi
- Cần tăng đầu tư cho đúng tầm vóc Giải thưởng Sách quốc gia
- Những điều cần biết khi xây dựng tủ sách cho trẻ em
- Sách nói và cuộc đụng độ giữa các nền tảng
- Các xu hướng sách nói trong năm 2023