Tuyển tập hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - bản trường ca hào hùng của dân tộc
Năm tháng qua đi, nhưng ký ức chiến tranh, với những chiến thắng hào hùng và sự hy sinh vô bờ bến của dân tộc để chống lại kẻ thù xâm lược và bè lũ tay sai vẫn tươi rói, vẹn nguyên trong tâm khảm những người trong cuộc – vừa là nhân chứng lịch sử, vừa góp phần làm nên chiến thắng. Và giờ đây, những ký ức ấy lại tiếp tục sống trên trang giấy, tiếp tục được khắc họa trong suy ngẫm của những người trẻ tuổi qua những cuốn hồi ký sống động.
Những chặng đường lịch sử, Điện Biên Phủ hay Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng là những cuốn sách ghi dấu lịch sử dưới con mắt của một người trong cuộc, dưới góc nhìn và những chiêm nghiệm của một người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, một trong những học trò xuất sắc, cộng sự thân cận của chủ tịch Hồ Chí Minh, một vị tướng, một nhà chính trị, quân sự tài ba - Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Tuyển tập hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tái hiện lại bản trường ca hào hùng của lịch sử dân tộc.
Nhân kỷ niệm 107 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25-8-1911 – 25-8-2018), 73 năm Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công và Quốc khánh 2-9 (1945-2018), đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tái bản 3 cuốn sách Những chặng đường lịch sử, Điện Biên Phủ, Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng.
Những chặng đường lịch sử là cuốn hồi ký tái hiện một cách sinh động, chân thực, có hệ thống những giai đoạn lịch sử đầy cam go, thử thách nhưng vô cùng oanh liệt của toàn dân tộc. Cuốn sách gồm 2 tập hồi ức Từ nhân dân mà ra và Những năm tháng không thể nào quên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nội dung cuốn sách đề cập đến 2 thời kỳ đấu tranh cách mạng có quan hệ đến sự tồn vong của dân tộc - giai đoạn chuẩn bị giành chính quyền và năm đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám 1945 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Là một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng ta trong thời điểm lịch sử trọng đại đầy khó khăn, thử thách ấy, tác giả đã tái hiện bức tranh lịch sử hoành tráng của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà chiến lược thiên tài, người cha thân yêu của lực lượng vũ trang - hiện ra thật bình dị, gần gũi trong một giai đoạn cách mạng mà có lúc vận nước như “ngàn cân treo sợi tóc”.
Điện Biên Phủ là cuốn sách tổng hợp các bài viết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tập trung luận bàn về các vấn đề xoay quanh chiến thắng Điện Biên Phủ và cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954. Mặc dù tất cả các bài viết đều có cùng một góc nhìn của tác giả, tuy nhiên lại được thực hiện tại nhiều hoàn cảnh, nhiều thời điểm khác nhau. Do đó, mỗi tác phẩm đều có những nét đặc trưng riêng, và càng về sau thì càng được nghiên cứu, bổ sung đầy đủ và sâu sắc hơn.
Cụ thể, vào năm 1958, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết Điện Biên Phủ, trong đó nêu bật các kinh nghiệm chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta như vấn đề chỉ đạo chiến lược, vấn đề chỉ đạo chiến dịch, mấy vấn đề chiến thuật, tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân đội, tinh thần phục vụ tiền tuyến của nhân dân. Vào năm 1964, trên cơ sở của bài Điện Biên Phủ năm 1958, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã bổ sung, phân tích hình thái cuộc kháng chiến của ta vào mùa hè năm 1953, vạch rõ âm mưu thâm độc của thực dân Pháp, trình bày những chủ trương vô cùng sáng suốt của Đảng ta, nhắc lại tình hình chiến sự và nêu bật ý nghĩa to lớn của Chiến thắng Điện Biên Phủ nói riêng, của các chiến thắng trong chiến cuộc Đông Xuân nói chung. Cho tới năm 1979, cuốn sách Điện Biên Phủ được xuất bản, Đại tướng tiếp tục trình bày những lập luận rõ ràng, những lời bình sâu sắc và suy nghĩ rút ra từ cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp và cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ - những suy nghĩ sau 25 năm diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ.
Kể từ bản Điện Biên Phủ đầu tiên năm 1958, cho đến năm 2004 khi Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật lần đầu tiên sưu tầm, tổng hợp và xuất bản những bài viết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về Điện Biên Phủ, đã có 7 lần tác giả bổ sung bài viết, các nghiên cứu để hoàn thiện cuốn Điện Biên Phủ đầy đủ, sâu sắc, giá trị như hiện tại.
Cuốn hồi ức Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng được Đại tướng Võ Nguyên Giáp công bố lần đầu tiên khi ở tuổi 90, chứa đựng những kỷ niệm, trăn trở của chính Đại tướng về những năm tháng hào hùng của dân tộc sau 25 năm nhìn lại. Qua những trang hồi ức hấp dẫn của người trong cuộc, bạn đọc có thể thấy rõ bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam ở những thời điểm lịch sử quyết định: nhạy bén, sáng tạo, quyết đoán, nắm bắt thời cơ và tạo ra thời cơ lớn, nỗ lực cao độ để quét sạch quân thù.
Với 10 chương sách, Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành 9 chương để viết về các sự kiện lịch sử lớn của dân tộc. Chương cuối cùng ông dùng để trình bày những điều tâm huyết, đúc kết của cuộc đời cầm quân quang vinh của mình qua những năm tháng khốc liệt của chiến tranh. Qua đó, ông hồi tưởng lại những quyết sách chiến lược của tập thể Bộ Chính trị, Quân ủy Trung Ương, Bộ Tổng tư lệnh - Bộ thống soái tối cao - từ việc hoạch định chính sách đến việc chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện ở chiến trường và huy động sức mạnh của cả dân tộc nhanh chóng kết thúc chiến tranh một cách có lợi nhất. Ông khẳng định: “Thắng lợi của chiến tranh là kết quả của sự hy sinh, nỗ lực to lớn của toàn dân tộc trong cuộc đấu trí, đấu lực quyết liệt, lâu dài giữa ta và địch, của sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, chỉ huy ở tầm vĩ mô kết hợp với hoạt động chiến đấu, đấu tranh cụ thể của từng chiến trường, từng đơn vị… trong đó Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và các cơ quan tham mưu, chiến lược giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Mùa Xuân năm 1975, Bộ thống soái tối cao đã tỏ rõ tài năng mưu lược, hiểu địch, hiểu mình, điều hành toàn diện cuộc chiến tranh trên phạm vi cả nước, khẩn trương, linh hoạt, thận trọng, chắc thắng, giành toàn thắng trong tình hình quốc tế vô cùng phức tạp giữa những năm 70 của thế kỷ XX” (tr. 357-358).
Ba cuốn hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp chân xác đến từng nhân vật, từng số liệu, từng mốc thời gian và sự việc, được diễn đạt với hành văn trong sáng, trung thực, giàu suy ngẫm. Qua đó, lượng thông tin mà độc giả đón nhận không chỉ dừng lại ở chuỗi các sự kiện lịch sử mà thấu triệt vào bản chất, vào cốt lõi. Vượt lên thời gian, vượt lên các sự kiện lịch sử, vượt lên những kỷ niệm cá nhân, Những chặng đường lịch sử, Điện Biên Phủ hay Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng không những dẫn dắt người đọc chứng kiến từng giây phút huy hoàng của dân tộc mà còn gợi cho người đọc tìm tòi, suy nghĩ, khám phá, nhận thức, lí giải những câu hỏi lớn: Vì sao phải đánh? Vì sao mà thắng? Vì sao mà có một Việt Nam như hôm nay và phải làm gì để có một dân tộc Việt Nam trường tồn mãi trong muôn vàn đời sau?
Những cuốn hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là tài liệu quý cho các nhà nghiên cứu mà còn là hành trang tiếp thêm sức mạnh, tri thức và tình yêu dân tộc cho thế hệ trẻ, là kim chỉ nam tích lũy những bài học kinh nghiệm to lớn từ thực tiễn lịch sử vẫn còn vẹn nguyên giá trị và ứng dụng đối với công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ mới.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Bùi Bằng Đoàn với sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước
- Xuất bản hai cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc
- Tái bản một số ấn phẩm tiêu biểu nhân kỷ niệm 133 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xuất bản bộ sách về lịch sử ngành Công Thương
- Đề cương về văn hóa Việt Nam – Khởi nguồn và động lực phát triển
- Sách tương tác góp phần đánh thức tiềm năng của trẻ
- Xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay theo quan điểm của Đảng
- Đổi mới hoạt động thư viện, phát triển kỹ năng đọc cho thiếu nhi
- Cần tăng đầu tư cho đúng tầm vóc Giải thưởng Sách quốc gia
- Những điều cần biết khi xây dựng tủ sách cho trẻ em
- Sách nói và cuộc đụng độ giữa các nền tảng
- Các xu hướng sách nói trong năm 2023