Ứng dụng công nghệ hiện đại vào truyền thông chính sách trong bối cảnh chuyển đổi số

Ngày đăng: 10/10/2022 - 08:10

Từ ngày 04 đến ngày 15/10/2022, khóa tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng về truyền thông chính sách được tổ chức tại Seoul, Hàn Quốc. Chương trình nằm trong khuôn khổ giai đoạn 2 Đề án “Nâng cao năng lực thực thi chính sách của Chính phủ”, do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ.

Đoàn công tác Việt Nam gồm các đồng chí lãnh đạo Học viện Báo chí và Tuyên truyền và đại diện lãnh đạo một số cơ quan báo chí, xuất bản hàng đầu của Việt Nam tham gia khóa tập huấn. Đồng chí Nguyễn Hoài Anh, Phó Giám đốc - Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tham gia đoàn và dự chương trình.

Các học viên tham dự chương trình đào tạo tại Hàn Quốc

Truyền thông chính sách có vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng đến mọi vấn đề của một quốc gia. Tác động mạnh mẽ đến nhận thức, hành động và ứng xử của công chúng, truyền thông chính sách được xem là kênh hữu hiệu để đạt được các mục tiêu lớn liên quan đến phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Ở các quốc gia như Việt Nam hiện nay, mục tiêu của truyền thông chính sách là làm cho người dân biết, hiểu và thực hiện chính sách; xây dựng đồng thuận xã hội như nguồn lực thực thi chính sách; giúp cho người dân có cơ hội phản hồi chính sách; giúp nhà xây dựng chính sách thực hiện điều chỉnh phù hợp.

Ở Việt Nam những năm qua, truyền thông chính sách đã góp phần to lớn vào công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng; tuyên truyền quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội; đồng thời giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, phong phú và đa dạng về đời sống tinh thần của nhân dân... Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, truyền thông chính sách vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập và khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất chính là thiếu nguồn lực cho công tác truyền thông chính sách; năng lực của đội ngũ hoạch định chính sách còn hạn chế; đặc biệt, việc ứng dụng và triển khai công nghệ mới trong truyền thông chính sách còn chậm trong bối cảnh chuyển đổi số.

Hiện nay, chuyển đổi số là con đường của tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, nếu không muốn trở nên lạc hậu và phụ thuộc về công nghệ. Giáo sư Kim Byung Hee, Đại học Seowon, Hàn Quốc cho rằng, nếu không xây dựng “Đại kế hoạch 100 năm quốc gia kỹ thuật số” và phát triển kinh tế số thì tương lai một quốc gia có thể trở thành “thuộc địa kỹ thuật số” của một quốc gia khác. Truyền thông chính sách cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Trong bối cảnh kỷ nguyên số với rất nhiều sự thay đổi về công nghệ nói chung, để có thể thay đổi hành vi của độc giả, của đông đảo công chúng, chúng ta không có cách nào khác là phải tích cực chuyển đổi số.

Để truyền thông chính sách đạt được hiệu quả, cần ứng dụng công nghệ truyền thông hiện đại, sử dụng các phương tiện truyền thông tương tác, khuyến khích phản hồi, đồng thời tăng cường sự tham gia của công chúng trong truyền thông chính sách, từ đó cung cấp thông tin chính sách dễ hiểu, đầy đủ, chính xác và đa chiều. Đặc biệt, để bắt nhịp với xu hướng chuyển đổi số của thế giới, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia, phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia, thì việc ứng dụng các công nghệ truyền thông hiện đại trong truyền thông chính sách, khuyến khích khai thác, phát triển những tiện ích, lợi thế của thông tin điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên internet phù hợp với lợi ích công cộng, là một yêu cầu, đòi hỏi tất yếu trong bối cảnh hiện nay.

PGS.TS. Phạm Minh Sơn trình bày Báo cáo Quốc gia tại phiên khai mạc khóa tập huấn

Tại phiên khai mạc, PGS. TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Trưởng đoàn công tác của Việt Nam cho rằng, trong giai đoạn chuyển đổi số, cần từng bước ứng dụng công nghệ truyền thông hiện đại, đáp ứng nhu cầu và phù hợp với đặc điểm của công chúng, hướng tới nâng cao năng lực tiếp cận, phân tích, đánh giá và phản hồi thông tin của công chúng…

Trong chương trình đào tạo, Đoàn sẽ được nghe các bài thuyết trình về sự hình thành các kênh quan hệ công chúng trong khu vực công tại Hàn Quốc và quá trình phát triển của từng kênh; hình thành dư luận thông qua các phương tiện truyền thông xã hội; tin tức kỹ thuật số, nhà báo và báo chí trong thời đại kỹ thuật số; hiểu biết về báo chí dữ liệu và dữ liệu lớn chính phủ tại Hàn Quốc. Cũng trong khuôn khổ chương trình, các học viên Việt Nam sẽ được nghe các chuyên gia hàng đầu của Hàn Quốc giảng dạy và tham quan thực tế một số cơ quan truyền thông, công ty sáng tạo nội dung lớn của Hàn Quốc. Với những chương trình, hoạt động thiết thực trên, khóa tập huấn kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu trọng tâm là giúp các học viên xây dựng kế hoạch hành động nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn về truyền thông chính sách tại Việt Nam.

Đoàn công tác Việt Nam chụp ảnh lưu niệm cùng Ban Tổ chức và giảng viên khóa tập huấn

Bình luận