Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xuất bản để xây dựng, đổi mới, phát triển ngành xuất bản tinh gọn, chất lượng, hiện đại

Ngày đăng: 25/12/2024 - 14:12

Sáng 25/12/2024, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xuất bản trong giai đoạn hiện nay”. Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và PGS.TS. Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật chủ trì Hội thảo.

Các đồng chí chủ trì Hội thảo.

Hội thảo là diễn đàn để các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học trao đổi, thảo luận, làm rõ tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xuất bản, tập trung đánh giá những kết quả đạt được, những vấn đề đặt ra, qua đó đề xuất các giải pháp vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xuất bản để xây dựng, đổi mới, phát triển ngành xuất bản tinh gọn, chất lượng, hiện đại trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Toàn cảnh Hội thảo khoa học quốc gia “Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xuất bản trong giai đoạn hiện nay”.

Dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách, các viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo về xuất bản.

PGS.TS. Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật nêu rõ, Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà báo lỗi lạc, tác giả nhiều cuốn sách nổi tiếng, đi vào lịch sử như: Bản án chế độ thực dân Pháp (1925) - ngay từ khi mới ra đời, đã có tiếng vang lớn trong nhân dân Pháp và nhân dân các dân tộc thuộc địa; Đường cách mệnh (1927) - được công nhận là bảo vật quốc gia, đã góp phần trang bị cho nhân dân ta hệ tư tưởng mới của thời đại và đưa cách mạng Việt Nam hòa nhập cùng dòng chảy chung của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc trên thế giới, tác phẩm là một trong những văn kiện lý luận chính trị đầu tiên của Đảng ta, là nền tảng cho đường lối của cách mạng Việt Nam sau đó. Người đã đặt nền móng cho việc xây dựng và phát triển nền xuất bản cách mạng Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người cộng sản đầu tiên ở Việt Nam đã nhận thức rõ và phát huy hiệu quả vai trò, tầm quan trọng của xuất bản, một công cụ quan trọng để phục vụ sự nghiệp cách mạng và xây dựng xã hội mới, đóng vai trò then chốt trong việc truyền bá tư tưởng cách mạng, giáo dục và nâng cao nhận thức chính trị của quần chúng nhân dân. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 - khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam, Nhà nước non trẻ của dân tộc Việt Nam bị thù trong giặc ngoài, vận mệnh đất nước như nghìn cân treo trên sợi tóc, có rất nhiều việc đại sự quốc gia phải làm, nhưng với tầm nhìn xa trông rộng của một vĩ nhân, thấy được vai trò vô cùng quan trọng của công tác xuất bản trong sự nghiệp cách mạng, mặc dù với hơn 90% dân số mù chữ, chỉ sau 3 tháng thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định thành lập Nhà xuất bản Sự thật (nay là Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật) ngày 5/12/1945 và giao cho Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp phụ trách. Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng vì nước, vì dân, Người luôn xác định, xuất bản là một vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng, góp phần quan trọng vào việc thức tỉnh cả dân tộc đang bị áp bức, bóc lột, dẫn dắt nhân dân đứng lên làm cách mạng, giành độc lập, tự do cho dân tộc, “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Trải qua gần 80 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nền xuất bản cách mạng Việt Nam đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử trong giáo dục, khai mở tri thức, giác ngộ tư tưởng cho nhân dân và là vũ khí chính trị, tư tưởng sắc bén lên án chủ nghĩa thực dân, đế quốc, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cổ vũ, động viên toàn dân tham gia sự nghiệp cách mạng, đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong công cuộc đổi mới đất nước, ngành xuất bản tiếp tục thể hiện vai trò vai trò trọng yếu trong công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng, vai trò nòng cốt trong việc cung cấp tri thức, đổi mới tư duy lý luận, tuyên truyền sâu rộng đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, tích cực hội nhập quốc tế, khẳng định vai trò, vị thế và uy tín của đất nước trong khu vực và trên thế giới.

GS.TS. Nguyễn Trọng Chuẩn, Phó Chủ tịch Hội Triết học Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu triết học trình bày tham luận với chủ đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về cách nói, cách viết”.

GS.TS. Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương trình bày tham luận với chủ đề “Hồ Chí Minh nói về sách và văn hóa đọc”.

TS. Võ Văn Bé, Phó Giám đốc - Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật trình bày tham luận với chủ đề “Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xuất bản và việc vận dụng tư tưởng của Người trong công tác biên tập - xuất bản hiện nay”.

Gần 50 bài tham luận có chất lượng của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học đang công tác tại các cơ sở đào tạo, các viện nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương và nhiều ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã tập trung phân tích, làm rõ các nội dung khoa học xoay quanh chủ đề của Hội thảo. Các tham luận đều thống nhất khẳng định những di sản tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xuất bản là hết sức quý báu, có giá trị đối với công cuộc xây dựng và phát triển ngành xuất bản hiện nay. Đồng thời, phân tích làm rõ bức tranh tổng quát của ngành xuất bản hiện nay qua các phương diện cơ bản như công tác biên tập, xuất bản, in ấn, phát hành; phân tích các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác xuất bản qua các thời kỳ, những đóng góp quan trọng của ngành xuất bản trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, các nhà khoa học đã tập trung phân tích, đánh giá, dự báo xu hướng phát triển ngành công nghiệp xuất bản theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại. Từ đó, đưa ra những định hướng và giải pháp nhằm vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xuất bản trong giai đoạn hiện nay.

Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu kết luận Hội thảo.

Phát biểu tổng kết Hội thảo, đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, những người làm công tác xuất bản, đặc biệt là lãnh đạo các nhà xuất bản, trước hết phải quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác xuất bản, đổi mới tư duy, năng động, sáng tạo trong hoạt động, đáp ứng nhu cầu đọc của nhân dân, phục vụ hiệu quả công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Bên cạnh đó, tăng cường sự chỉ đạo, định hướng, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy ngành xuất bản phát triển để thực hiện tốt hơn nữa sứ mệnh lưu giữ, truyền bá tri thức và triển khai hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Theo đồng chí Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, đã có rất nhiều Hội thảo khoa học liên quan đến công tác truyền thông nhưng đi sâu về lĩnh vực xuất bản thì đây được xem là hội thảo đầu tiên. Nhiều ý kiến tâm huyết, bài học kinh nghiệm sâu sắc, các đề xuất, giải pháp có giá trị cao đưa ra trong Hội thảo là cơ sở để các nhà xuất bản, đơn vị in, phát hành sách trên cả nước, cùng các bộ, ban, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của ngành xuất bản.

                                                        Các đại biểu dự Hội thảo chụp hình lưu niệm.                                                   

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả