Trong lịch sử giữ nước lâu dài, dân tộc ta đã sáng tạo nên một nền văn hóa giữ nước với những giá trị đặc trưng. Suy đến cùng, chính những giá trị văn hóa đó là ngọn nguồn của mọi chiến công chống giặc ngoại xâm, giữ gìn non sông gấm vóc của dân tộc từ thuở các vua Hùng dựng nước đến thời đại Hồ Chí Minh. Vậy thế nào là văn hóa giữ nước? Giá trị đặc trưng văn hóa giữ nước là gì? Nhằm giúp bạn đọc có thêm tài liệu tìm hiểu về vấn đề này, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cho ra mắt cuốn sách Văn hóa giữ nước Việt Nam, những giá trị đặc trưng của PGS, TS. Vũ Như Khôi.
Dưới góc độ văn hóa lịch sử, cuốn sách trình bày khái quát và làm rõ những giá trị đặc trưng nhất của văn hóa giữ nước Việt Nam truyền thống cũng như sự cần thiết phải kế thừa, phát triển, phát huy những giá trị văn hóa giữ nước Việt Nam trong chặng đường phát triển mới của đất nước hiện nay. Theo tác giả, văn hóa giữ nước Việt Nam hình thành với những giá trị đặc trưng bắt nguồn từ điều kiện địa lý - lịch sử đặc thù của đất nước, con người Việt Nam. Nó được hiểu là những giá trị tinh thần truyền thống được sáng tạo trong công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giữ gìn nền độc lập của quốc gia - dân tộc; được phát huy về mặt tinh thần để chuyển hóa thành lực lượng vật chất của cả dân tộc trong công cuộc giữ nước.
Nhìn lại con đường lịch sử đã qua, trong mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã phải chiến đấu chống ngoại xâm gần như thường xuyên và đã giành được nhiều thắng lợi oanh liệt. Đó là một nét nổi bật của lịch sử Việt Nam, là thử thách gay go nhất nhưng cũng là niềm tự hào lớn nhất của dân tộc. Để làm nên những thắng lợi to lớn, dân tộc ta bao giờ cũng xác định nguồn gốc sức mạnh giữ nước trước hết là các giá trị văn hóa giữ nước. Và trong hệ thống những giá trị văn hóa giữ nước, tác giả cho rằng lòng yêu nước là giá trị tiêu biểu nhất, chi phối và định hướng phát triển các giá trị khác, cũng như chi phối sự phát triển của văn hóa giữ nước Việt Nam nói chung.
Với cái nhìn bao quát mang tính lịch sử, tác giả đã hướng người đọc trở về với lịch sử xuyên suốt hàng nghìn năm từ những buổi đầu dựng nước cho đến thời đại Hồ Chí Minh, từ những cuộc kháng chiến chống quân xâm lược phong kiến phương Bắc: Tần, Hán, Tùy, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh cho đến các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ vĩ đại của dân tộc. Từ đó, làm nổi bật những nội dung đặc sắc của văn hóa giữ nước. Đó là lòng yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm; tinh thần đoàn kết trên dưới thuận hòa, cả nước một lòng đánh giặc; nghệ thuật đánh giặc đặc sắc cũng như tính nhân văn cao cả trong công cuộc giữ nước của dân tộc ta. Đây là những thành tố quan trọng hòa quyện với nhau tạo nên văn hóa giữ nước Việt Nam đặc sắc. Cuốn sách cũng đã có những phân tích, nghiên cứu, từ đó cho thấy, những giá trị này ra đời từ trong điều kiện lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội qua các thời đại lịch sử khác nhau. Nó có tính bền vững trường tồn cùng sự vĩnh hằng của đất nước, nhưng cũng có tính biến động theo sự phát triển của thời đại.
Tác giả cũng nêu lên được giá trị văn hóa giữ nước vừa hiện hữu, vừa lung linh trong đời sống tinh thần của dân tộc ta. Đó là “hồn dân tộc”, là nét đẹp tiềm ẩn bên trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam cũng như trong mỗi con người sống trên mảnh đất này và khi được khơi dậy, sẽ trở thành sức mạnh vô địch trước bất cứ thế lực ngoại xâm nào. Cuốn sách cũng như một thông điệp gửi gắm tới thế hệ hôm nay và mai sau: đất nước là gốc rễ, là máu thịt, là phần thiêng liêng nhất ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người, do vậy, thế hệ trẻ hôm nay và mai sau phải có trách nhiệm trước lịch sử, cần trân trọng giữ gìn, phát triển, làm phong phú thêm và nâng lên tầm cao mới những giá trị của văn hóa giữ nước, để “đất nước muôn thuở thái bình, xã tắc đời đời bền vững.”
Cuốn sách được chia thành 5 chương:
Chương 1: Lòng yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm
Chương 2: Trên dưới thuận hòa, cả nước một lòng đánh giặc
Chương 3: Gắn kết dựng nước và giữ nước
Chương 4: Nghệ thuật đánh giặc đặc sắc
Chương 5: Tính nhân văn cao cả trong công cuộc giữ nước
Ngoài ra, cuốn sách còn dành một phần phụ lục giới thiệu những sản phẩm văn hóa giữ nước tiêu biểu, đó là một số bài văn, bài thơ tiêu biểu của Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh…