Nền văn minh Ấn Độ là một trong những nền văn minh rực rỡ ở phương Đông cổ đại, đã để lại cho nhân loại những giá trị vô cùng to lớn. Một trong những di sản của nền văn minh ấy là kho tàng kinh triết lý tôn giáo. Những bộ kinh này bao quát toàn bộ các lĩnh vực đời sống con người, mang trong đó tất cả những tinh hoa tinh thần của xã hội Ấn Độ cổ đại.
Đối với xã hội Việt Nam, sự ảnh hưởng của nền văn minh tôn giáo Ấn Độ là rất lớn, đặc biệt là văn hóa tôn giáo Ấn Độ giai đoạn hận Veda. Tiêu biểu của văn hóa tôn giáo giai đoạn này là Phật giáo, Bàlamôn giáo. Dù trải qua những giai đoạn phát triển trung gian trước khi du nhập vào nước ta, nhưng sự hiện diện của những yếu tố văn hóa tôn giáo này là rất phổ biến trong đời sống văn hóa tôn giáo Việt Nam. Tuy vậy, việc nghiên cứu kho tàng kinh văn cổ Ấn Độ ở nước ta vẫn còn khá hạn chế. Một trong những nguyên nhân chính là nguyên bản các kinh văn này được viết bằng tiếng Phạn Sankrit - một ngôn ngữ cổ Ấn Độ nay đã không còn phổ biến. Loại hình ngôn ngữ kế thừa Sankrit là Pàli thì hiện nay phạm vi phổ biến cũng rất hạn chế.
Cuốn sách Veda-Upanishad: Những bộ kinh triết lý tôn giáo cổ Ấn Độ cung cấp nguồn tài liệu đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu về nền văn minh Ấn Độ. Đây là bộ kinh văn cực kỳ quan trọng trong hệ thống kinh văn Veda cổ. Tuy nhiên, do được lưu truyền từ thời cổ đại nên bộ kinh này đã bị mai một không ít và trong các bản vẫn còn lưu hành có khá nhiều phần bị thiếu. Nhóm các nhà khoa học đã chọn lựa trong số các bản còn được lưu hành khác nhau và chọn biên dịch và giới thiệu từ bản đã được in bằng tiếng Anh The Upanishad, gồm 4 tập, do Bonanza Books xuất bản lần lượt vào các năm 1949, 1952, 1956 và 1959 tại New York. Đây là bản đầy đủ và hoàn thiện nhất.