Cuốn sách gồm 4 phần, tổng quan về điều kiện tự nhiên và cư dân tiểu vùng sông Mê Công; hành trình lịch sử của các quốc gia (Campuchia, Lào, Mianma, Thái Lan và Việt Nam) trong Tiểu vùng sông Mê Công; vấn đề hợp tác tiểu vùng sông Mê Công và các thách thức đặt ra ở thế kỷ XXI; cũng như những nỗ lực của Việt Nam cho một dòng sông phát triển bền vững. Nội dung cuốn sách cung cấp cho độc giả bức tranh đa dạng về quá khứ của các tộc người, xã hội và quốc gia trong khu vực. Không ở đâu mà các truyền thống quá khứ vẫn ảnh hưởng sâu đậm lên tương quan hiện tại của các giao kết khu vực như ở Tiểu vùng sông Mê Công. Là một quốc gia cuối nguồn con sông này, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ phải gánh chịu nhiều tác động lớn khó lường từ các chương trình, dự án phát triển trên dòng chính ở phía thượng nguồn. Trước tác động từ kịch bản phát triển của các quốc gia láng giềng, cuốn sách đề xuất một số giải pháp cho Việt Nam nhằm ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên thiên nhiên, thúc đẩy hợp tác tiểu vùng thông qua các tổ chức khu vực; sử dụng hợp lý các công cụ đầu tư và hỗ trợ phát triển. Độc giả có thể tham khảo sách tại Thư viện Quốc gia hoặc thư viện các tỉnh, thành phố trong cả nước.