Việt Nam trước tác động của cấu trúc an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Ngày đăng: 01/04/2020 - 16:04

Năm 2020, trong bối cảnh đất nước kỷ niệm nhiều ngày lễ lớn và sự kiện chính trị trọng đại, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng; tổ chức tốt đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, cũng là lần đầu tiên Việt Nam vinh dự đảm nhận đồng thời cả hai trọng trách Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Với việc lựa chọn chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng” cho năm Chủ tịch ASEAN 2020 và “Việt Nam: Đối tác tin cậy vì hòa bình bền vững” khi đảm nhiệm trọng trách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam đang gửi đi thông điệp về một khát vọng đóng góp cho hòa bình, phát triển ở khu vực và trên thế giới với tư cách là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; đồng thời, góp phần quan trọng trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ hơn nữa các điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển nhanh, bền vững và nâng cao vai trò, vị thế quốc tế của đất nước.

Cuốn sách Việt Nam trước tác động của cấu trúc an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Thiếu tướng, TS. Đỗ Lê Chi, Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an, Bộ Công an mang tính thời sự sâu sắc khi ra mắt bạn đọc trong một thời điểm có ý nghĩa lịch sử quan trọng như vậy.

Nhận định về nội dung cuốn sách và những đóng góp của tác giả, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan cho rằng: “Vốn hoạt động lâu năm trong lĩnh vực đối ngoại, khi nhận được bản thảo cuốn sách Việt Nam trước tác động của cấu trúc an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Thiếu tướng, TS. Đỗ Lê Chi, tôi đã đọc liền một mạch. Trong số các công trình về đề tài này do các tác giả Việt Nam viết mà tôi từng được đọc thì đây là cuốn sách lý thú nhất... Đây là một công trình mang tính lý luận và thực tiễn cao. Cuốn sách có được những ưu điểm ấy một phần liên quan tới bản thân tác giả - một sĩ quan cao cấp của ngành Công an đã làm việc lâu năm cả trên mặt trận nghiên cứu khoa học lẫn hoạt động thực tiễn”. 

Châu Á - Thái Bình Dương là một khu vực địa lý rộng lớn, gồm các quốc gia Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Trung Á, Nam Á, nhóm các quần đảo ở Thái Bình Dương và vành đai các nước trong khu vực Nam Bắc Mỹ. Hiện nay, khu vực này bao gồm những quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới (Nga, Trung Quốc và Mỹ), 4 trong số những quốc gia đông dân nhất thế giới (Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Inđônêxia), 3 cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới (Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản). Về quy mô kinh tế, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của 21 nước thành viên Diễn đàn Hợp tác châu Á - Thái Bình Dương (APEC) chiếm 54% tổng GDP thế giới, tổng lượng hàng hóa và dịch vụ thương mại chiếm tới 44% thế giới. Chính vì vậy, khu vực châu Á - Thái Bình Dương được gọi là “Trung tâm của thế giới trong thế kỷ XXI” hay thế kỷ XXI được dự báo là “Thế kỷ châu Á - Thái Bình Dương”, đầu tàu tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trung tâm hợp tác và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, trước hết là giữa Mỹ và Trung Quốc. Quá trình này đang làm thay đổi nhanh chóng tương quan ảnh hưởng và trật tự quyền lực trên thế giới, làm gia tăng sự phức tạp, nhạy cảm và tính khó dự đoán của môi trường địa - chính trị, địa - kinh tế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

Xuyên suốt nội dung cuốn sách, thông qua việc nhận diện, làm rõ một số vấn đề lý luận về cấu trúc an ninh khu vực và tác động của cấu trúc an ninh khu vực đối với quốc gia; tác giả tập trung phân tích, lý giải đặc điểm và sự vận động của cấu trúc an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó tập trung vào giai đoạn 2010-2020, từ đó đánh giá tác động của cấu trúc an ninh khu vực đối với Việt Nam trên cả ba phương diện: môi trường an ninh, không gian phát triển và vị thế quốc gia trong hệ thống quan hệ quốc tế. 

Ở chương 1: Cấu trúc an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trước năm 2010 và vị trí của Việt Nam, tác giả tập trung luận giải một số vấn đề lý luận về cấu trúc an ninh, như làm sáng tỏ một số khái niệm “an ninh”, “cấu trúc”, “cấu trúc an ninh”, “cấu trúc an ninh khu vực”; sự hình thành và vận động của cấu trúc an ninh khu vực; tác động của cấu trúc an ninh khu vực đối với quốc gia... Trên cơ sở đó, tác giả đi sâu phân tích sự vận động và đặc điểm của cấu trúc an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trước năm 2010; vị thế của Đông Nam Á và Việt Nam ở khu vực, với nhận định: Cấu trúc an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương từ sau Chiến tranh lạnh đến năm 2010 được hình thành và phát triển chủ yếu trên cơ sở cân bằng quyền lực, trong đó Mỹ giữ vai trò chi phối, lãnh đạo, song Trung Quốc bắt đầu nổi lên là nhân tố làm thay đổi cấu trúc. Tại châu Á - Thái Bình Dương, Đông Nam Á nói chung, Việt Nam nói riêng đóng vai trò hết sức quan trọng trong những biến động của tình hình, trật tự khu vực và định hình cấu trúc an ninh tại khu vực. Điều này có được nhờ vào những thế mạnh đặc thù của Đông Nam Á trong bức tranh trật tự chung trên toàn khu vực, trước thực tế trung tâm chiến lược toàn cầu chuyển dịch về châu Á - Thái Bình Dương, cạnh tranh giữa các nước lớn Mỹ - Trung trở thành yếu tố lớn nhất tác động đến toàn khu vực, Đông Nam Á là trọng điểm của cạnh tranh nước lớn, và Việt Nam nằm ở tâm điểm của trọng điểm trên. Thực tế này tác động đến lợi ích của ASEAN và Việt Nam trên cả hai chiều, chi phối lợi ích quốc gia của Việt Nam, các nước ASEAN và cả những nước lớn gắn kết với khu vực này. Tác giả nhấn mạnh: “Biết được giá trị của mình là điều rất quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn là mình có lấp đầy được khoảng trống giữa nhận thức và hành động, có phát huy được giá trị đó trong bối cảnh, xu thế chung hay không. Điều này quyết định tương lai của Việt Nam trong những năm tới”. 

Ở chương 2: Cấu trúc an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương từ năm 2010 đến năm 2020 và tác động tới Việt Nam, tác giả dành nhiều thời gian và tâm sức phân tích, đánh giá những nhân tố tác động đến sự vận động của cấu trúc an ninh tại khu vực trong một thập niên (2010-2020) với những đặc điểm nổi bật trong xu thế của thế giới và khu vực, như: về kinh tế, trung tâm toàn cầu chuyển về châu Á - Thái Bình Dương; về chính trị, chủ nghĩa dân túy trỗi dậy kéo theo xu hướng chính sách cực đoan, đơn phương, áp chế trong quan hệ quốc tế; về an ninh, nhiều điểm nóng đe dọa biến thành xung đột vũ trang; thách thức an ninh đa dạng và phức tạp hơn. Trong tương quan lực lượng, chuyển dịch quyền lực và sự điều chỉnh chính sách của các nước lớn, nổi lên là những đặc điểm: Tương quan lực lượng Mỹ - Trung thay đổi, dẫn tới chuyển dịch quyền lực tại khu vực; quan hệ nước lớn hướng tới đối đầu, dẫn tới xu hướng mới trong tập hợp lực lượng. Từ đó, tác giả tập trung phân tích sự vận động của cấu trúc an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương từ năm 2010 đến năm 2020. Chương 2 kết thúc với nhận định: Trong một thập niên qua, tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động với sự thay đổi đáng kể trong tương quan lực lượng giữa các nước lớn, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc. Điều này dẫn đến những biến động mạnh trong cấu trúc an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

Trong thập niên đó, ASEAN đã thông qua các thiết chế của mình nỗ lực góp phần bình ổn tình hình, tạo không gian hợp tác giữa các nước lớn, xử lý hòa bình các tranh chấp, bất đồng, không để xảy ra xung đột vũ trang. Tuy nhiên, sự yếu kém về kinh tế và lo ngại về an ninh khiến cho các nước thành viên ASEAN phải “chọn bên” theo những giải pháp khác nhau, khiến cho ASEAN bị phân tán, chia rẽ trước sự co kéo của nước lớn, và vai trò “trung tâm” của ASEAN trong xử lý các vấn đề an ninh khu vực cũng giảm sút. Từ vị trí chủ động, ASEAN lâm vào thế bị động trước biến đổi của cấu trúc an ninh tại khu vực. 

Ở chương 3: Dự báo về cấu trúc an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương  đến năm 2030 và hàm ý chính sách đối với Việt Nam, tác giả tập trung phân tích hai luận điểm quan trọng. Luận điểm 1 - Dự báo về cấu trúc an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đến năm 2030 và tác động tới Việt Nam, trong đó dự báo về các yếu tố tác động đến cấu trúc an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trên cơ sở phân tích: Xu hướng phát triển tại khu vực; Tương quan lực lượng và chiều hướng chiến lược của các nước lớn; Tương lai của ASEAN và các cơ chế do ASEAN làm trung tâm, từ đó đưa ra dự báo các kịch bản về cấu trúc an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đến năm 2030 và tác động của các kịch bản đến lợi ích của Việt Nam. Luận điểm 2 - Hàm ý chính sách đối với Việt Nam, với những khuyến nghị: Cần đánh giá đúng mối quan hệ chặt chẽ giữa tình trạng cấu trúc an ninh khu vực với lợi ích quốc gia; giữ vững môi trường an ninh; bảo đảm không gian phát triển; nâng cao vị thế quốc gia. Tác giả nhấn mạnh: Việt Nam, với những đặc điểm lịch sử và hiện tại, có ưu thế đặc biệt đóng góp cho tiến trình trên, bảo đảm lợi ích quốc gia, đồng thời góp phần quan trọng bảo vệ lợi ích của các nước ASEAN thông qua nỗ lực cá nhân và tác động dẫn dắt nỗ lực của ASEAN trong tiến trình hướng tới một trật tự mới, định dạng cấu trúc an ninh mới tại châu Á - Thái Bình Dương. Tình hình từ nay đến năm 2030 còn diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều kịch bản cho dạng thức cấu trúc an ninh tại châu Á - Thái Bình Dương trong tương lai, trong đó có kịch bản xấu nhất là không còn dạng thức nào do trật tự khu vực bị rối loạn trước sự cạnh tranh gay gắt trở thành xung đột cục bộ, phá vỡ các dạng thức cấu trúc hiện có. Nhưng cũng có kịch bản rất tích cực, với một dạng thức cấu trúc trong đó các bộ phận hợp tác với nhau xoay quanh các cơ chế, khuôn khổ hợp tác an ninh mà ASEAN thực sự đóng vai trò trung tâm. Trước bối cảnh tình hình phức tạp, mọi kịch bản đều có thể xảy ra, và cách tốt nhất là chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản xấu nhất nhưng hy vọng và chủ động thúc đẩy cho kịch bản tốt nhất.

Cuốn sách khép lại với nhận định sâu sắc: Trong một thế giới đầy cạnh tranh, số phận của một nước nhỏ tùy thuộc ngày càng nhiều vào trật tự quan hệ quốc tế được quyết định chủ yếu bởi nước lớn. Nước nhỏ muốn bảo vệ được lợi ích quốc gia của mình cần hiểu rõ và lựa chiều theo chính sách của nước lớn để sao cho lợi ích của mình không đối đầu với nước lớn. Tuy nhiên, tác giả cũng tin rằng, trong một bối cảnh mà lợi ích các nước ngày càng tùy thuộc vào nhau sâu sắc và toàn diện hơn, khi mà mỗi quốc gia dù lớn đến đâu cũng không thể tự mình giải quyết được các mối đe dọa an ninh có tính phổ cập và khó nhận biết hơn thì mỗi nước dù nhỏ cũng có được một sự bình đẳng nhất định trong quan hệ quốc tế và hoàn toàn có thể góp phần xây dựng trật tự mới của quan hệ quốc tế mà trong đó lợi ích của mình được bảo đảm hơn. Trong tiến trình đó, các nước nhỏ nếu biết kết hợp lại sẽ trở thành một thế lực đáng kể, giúp cho mỗi nước nhỏ có được vị trí xứng đáng hơn trong một hình thái tổ chức của trật tự, là cấu trúc an ninh. Điều này càng trở nên có giá trị khi những nước nhỏ đó nằm ở một khu vực trọng điểm của cạnh tranh chiến lược nước lớn. 

TS. Vũ Thị Hương

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật

 
Bình luận