Cuốn sách là một tập hợp có hệ thống của 14 chuyên luận của PGS.TS. Phạm Hồng Tung, đề cập tới những vấn đề căn bản của môn nghiên cứu văn hóa chính trị, trên đại thể được chia làm hai nhóm lớn:
Nhóm thứ nhất gồm năm chuyên luận, đề cập tới những vấn đề cơ bản của môn nghiên cứu văn hóa chính trị, tập trung làm sáng tỏ một số khái niệm công cụ cơ bản được sử dụng phổ biến trong khoa học chính trị ở phương Tây, như “chính trị”, “văn hóa chính trị”, “hệ thống chính trị”, “quá trình chính trị”, “môi trường chính trị”, “lối sống”, “thanh niên” và “văn hóa thanh niên”, v.v.. Đồng thời, nhóm chuyên luận này cũng cố gắng giới thiệu một số lý thuyết khoa học, cách tiếp cận và các luận điểm cơ bản của giới học giả phương Tây về văn hóa chính trị, lối sống và văn hóa chính trị Á Đông, với hy vọng cung cấp những nguồn thông tin có giá trị tham khảo cho sinh viên và các nhà khoa học Việt Nam quan tâm tới việc nghiên cứu về văn hóa chính trị.
Nhóm thứ hai gồm chín chuyên luận đề cập một số vấn đề của lịch sử Việt Nam cận đại được tiếp cận chủ yếu từ khía cạnh văn hóa chính trị. Trên cơ sở cho rằng lịch sử xã hội là do con người sáng tạo nên trong những điều kiện lịch sử nhất định và theo những cách thức nhất định - mà cách thức này lại do tảng nền văn hóa - tổng hòa của các điều kiện khách quan và chủ quan của hoạt động sống của con người quy định. Vì vậy, khám phá các sự kiện và quá trình lịch sử từ góc độ văn hóa chính trị có thể mang lại những nhận thức mới về các hiện tượng và quá trình đó. Ở đây, tác giả mới chỉ chọn một số sự kiện và quá trình lịch sử của lịch sử Việt Nam cận đại cho nghiên cứu thử nghiệm của mình. Nhóm sự kiện và quá trình lịch sử thứ nhất liên quan đến ý thức dân tộc, phương thức hình dung về cộng đồng dân tộc và tâm thức dân tộc của người Việt Nam. Nhóm thứ hai là một số sự kiện và quá trình lịch sử liên quan tới cuộc vận động giải phóng dân tộc và duy tân đất nước trong thời kỳ từ năm 1900 đến năm 1945.
Tập chuyên luận này là khám phá bước đầu về văn hóa chính trị và là một thử nghiệm vận dụng cách tiếp cận văn hóa chính trị vào nghiên cứu một số vấn đề lịch sử Việt Nam.
Cuốn sách là tài liệu tham khảo có giá trị đối với công tác giảng dạy và nghiên cứu về khoa học chính trị và lịch sử Việt Nam trong các trường đại học và học viện, viện nghiên cứu ở nước ta.
Sách gồm 412 trang, 56.000đ.