Tác giả: TS. Phạm Ngọc Trung
Số trang: 296 trang
Giá tiền: 60.00đ
Trước đây, khi nói đến văn hóa truyền thống Việt Nam, người ta thường nghĩ đến văn hóa làng xã được bao bọc bởi lũy tre xanh mang tính khép kín. Bước sang thế kỷ XXI, thế kỷ của toàn cầu hóa, văn hóa Việt Nam đã có một sức sống mới, cơ hội mới và nhân tố mới, đang có nhiều biến đổi, xuất hiện nhiều trào lưu, khuynh hướng mới.
Có những ý kiến cho rằng, quá trình toàn cầu hóa sẽ làm phai mờ cái riêng, dần mất đi nét đặc trưng của các nền văn hóa. Một số ý kiến khác cho rằng, thực tế trong những năm qua tác động tích cực của quá trình toàn cầu hóa không làm mất đi cái riêng mà góp phần khẳng định vị trí quan trọng của văn hóa Việt Nam, khơi dậy và củng cố truyền thống quý giá của văn hóa Việt Nam trong những điều kiện mới.
Nhằm đáp ứng nhu cầu bạn đọc tìm hiểu về vấn đề văn hóa trong thời đại toàn cầu hóa, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật xuất bản cuốn Văn hóa thời đại toàn cầu của TS. Phạm Ngọc Trung.
Cuốn sách gồm một số bài viết của tác giả về các khía cạnh khác nhau của văn hóa và văn minh nhân loại, trong đó tập trung chủ yếu vào văn hóa truyền thống Việt Nam cùng với những biến đổi của nó trong quá trình hội nhập và giao lưu quốc tế. Nội dung văn hóa ở đây được tiếp cận trên các bình diện: giáo dục - đào tạo và thông tin khoa học, danh nhân, văn hóa - lịch sử.
Các bài viết trong cuốn sách đề cập một số vấn đề khá rộng về văn hóa: từ chế độ khoa cử thời đại Lý - Trần đến vị trí của môn lịch sử trong hệ thống giáo dục hiện nay, từ nguồn gốc nền văn hóa Chăm đến vai trò của thư viện hiện đại... Đây là những vấn đề quan trọng góp phần định hướng và tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Cuốn sách là tài liệu tham khảo bổ ích, góp phần khẳng định những giá trị văn hóa truyền thống, khuyến khích những nhân tố mới, nhân tố tiến bộ phù hợp với đạo lý và thuần phong mỹ tục Việt Nam nhằm xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, văn minh với nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.