Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã xây đắp nên một nền văn hóa kết tinh sức sống trường tồn và in đậm bản sắc của dân tộc. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định văn hóa là một mặt trận quan trọng. Quan điểm, đường lối về văn hóa luôn được Đảng quan tâm bổ sung, phát triển và hoàn thiện để phù hợp và hiệu quả nhất với mỗi bước phát triển của cách mạng. Do đó, nền văn hóa Việt Nam đã thực sự phát triển, đã đạt được những thành tựu đáng tự hào trên tất cả các lĩnh vực, góp phần tích cực vào những chiến thắng hào hùng, những thành tựu to lớn của dân tộc trong bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước; tự tin, vững vàng, kiên định trước những đổi thay, trong hội nhập quốc tế,… Song bên cạnh những thành tựu, những tiến bộ đã đạt được, không phải khi nào chúng ta cũng quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả quan điểm, đường lối về văn hóa của Đảng; trong văn hóa cũng còn tồn tại những biểu hiện tiêu cực, những hạn chế, bất cập,… Vì vậy, việc đi sâu nghiên cứu về văn hóa trong chiến lược phát triển của đất nước vẫn là rất cần thiết, góp phần vào việc quán triệt sâu sắc và đưa các tư tưởng, quan điểm về văn hóa cửa Đảng vào cuộc sống, nhằm “làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển”, như Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) định hướng.
Để góp phần đáp ứng yêu cầu trên, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản cuốn sách Văn hóa trong chiến lược phát triển của Việt Nam, do GS.TS. Đinh Xuân Dũng chủ biên.
Với cách tiếp cận chú trọng tính tổng hợp, hệ thống, kết hợp với nghiên cứu liên ngành - đa ngành, phân tích theo các cấp độ giá trị, đặt văn hóa trong các quan hệ đã chiều, phong phú, tinh tế và phức tạp với các lĩnh vực khác, tuân theo sự kết hợp phương pháp lôgích với phương pháp lịch sử,… cuốn sách nghiên cứu văn hóa với tư cách là hệ giá trị; mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa với chính trị, kinh tế, xã hội; những thành tựu và những mặt hạn chế, yếu kém trong quá trình thực hiện các chính sách văn hóa của Đảng và Nhà nước ta, từ đó khẳng định văn hóa giã vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển của Việt Nam, là một trong những động lực to lớn trực tiếp xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện con người Việt Nam. Đồng thời cuốn sách cũng dự báo xu hướng vận động, phát triển của văn hóa, đề xuất việc bổ sung và hoàn thiện những quan điểm chỉ đạo của Đảng về văn hóa, các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể và một số giải pháp chủ yếu trong việc xây dựng, phát triển văn hóa Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế…
Cuốn sách là tài liệu tốt, cung cấp những kiến thức sâu sắc, toàn diện, cách nhìn đúng đắn, khoa học, vừa tổng quá vừa cụ thể, có tác dụng trực tiếp gởi mở nhiều vấn đề cần thiết về văn hóa nói chung, về văn hóa trong chiến lược phát triển lâu dài của đất nước nói riêng cho các nhà hoạch định chính sách, quản lý văn hóa, các cán bộ nghiên cứu, giảng dạy, sinh viên các viên, các trường văn hóa cũng như đông đảo bạn đọc quan tâm tới vấn đề văn hóa trong cả nước. Tuy nhiên, nghiên cứu về văn hóa trong chiến lược phát triển của đất nước là một vấn đề lớn và phức tạp nên cuốn sách khó tránh khỏi còn có những khiếm khuyết, Nhà xuất bản và các tác giả mong nhận được sự góp ý của bạn đọc để trong lần xuất bản sau cuốn sách được hoàn thiện hơn.
T.A