Xây dựng đạo đức gia đình ở nước ta hiện nay

Xây dựng đạo đức gia đình ở nước ta hiện nay
Tác giả: Nguyễn Thị Thọ
Số trang: 200 trang
Giá tiền: Sách không bán
Xuất bản: 2011
  • Thông tin sách
  • Bình luận
  • Cùng với sự chuyển biến của xã hội, trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta hiện nay, sự nghiệp xây dựng đạo đức gia đình xuất hiện nhiều vấn đề mới. Để có những phân tích, đánh giá chân thực, cụ thể về đạo đức gia đình ở nước ta dưới những tác động trái chiều của nền kinh tế thị trường, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa cho ra mắt bạn đọc cuốn sách Xây dựng đạo đức gia đình ở nước ta hiện nay của TS. Nguyễn Thị Thọ - giảng viên Khoa Giáo dục Chính trị, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

    Trong cuốn sách, bên cạnh những phân tích, đánh giá rất chân thực, cụ thể về đạo đức gia đình dưới những tác động trái chiều của kinh tế thị trường, tác giả còn đưa ra các giải pháp định hướng đối với việc xây dựng đạo đức gia đình ở nước ta hiện nay.

    Theo tác giả, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với đạo đức gia đình truyền thống ở Việt Nam có sự tác động hai mặt: tích cực và tiêu cực.

    Tác động tích cực xét về phương diện nhân cách đạo đức là từng bước hình thành nhân cách tự chủ, tự lập, rèn luyện ý thức kỷ luật lao động và sáng tạo. Qua đó, hình thành những phẩm chất đạo đức về nghĩa vụ công dân, ý chí, lòng dũng cảm, tính nguyên tắc, tính khiêm tốn, chất trí tuệ trong quan niệm về hành vi đạo đức, biết giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa cá nhân với gia đình, tập thể, Tổ quốc.

    Xét về phương diện đạo đức gia đình, nhìn chung, những giá trị và những chuẩn mực đạo đức gia đình truyền thống vẫn được kế thừa và phát triển trong điều kiện mới. Sống gắn bó với gia đình vẫn là lối sống được nhiều người tán đồng, khẳng định và coi đó là đạo lý. Quy mô gia đình có từ một đến hai con ngày càng được xã hội chấp nhận với ý thức tự giác hơn, các mối quan hệ gia đình trở nên dân chủ và cởi mở hơn. Đời sống gia đình no ấm, đầy đủ hơn về vật chất và văn minh về đời sống tinh thần.

    Nếu xét từng mối quan hệ cụ thể, với từng chuẩn mực đạo đức cụ thể trong gia đình thì chúng ta sẽ thấy rõ được sự biến đổi tích cực của đạo đức gia đình dưới tác động của kinh tế thị trường. Quan hệ giữa các thành viên trong gia đình đã có nhiều chuyển đổi tích cực, lợi ích cá nhân được tôn trọng, tính độc lập, tự chủ, sáng tạo của mỗi thành viên được khuyến khích phát triển. Mối quan hệ bình đẳng, dân chủ giữa vợ và chồng là nét tiêu biểu của gia đình mới và có ảnh hưởng đến quan hệ giữa cha mẹ và con cái…

    Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực nói trên, thì kinh tế thị trường cũng đã có những ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội nói chung và đạo đức gia đình nói riêng. Vì vậy, chúng ta cần nhìn rõ mặt trái của sự tác động của kinh tế thị trường để từ đó tìm ra những biện pháp thích hợp để khắc phục những hạn chế đó.   

    Tuy nhiên, ranh giới của sự phân biệt tác động tích cực và tác động tiêu cực chỉ là tương đối, chúng tồn tại đan xen lẫn nhau trong mỗi cá nhân, trong từng gia đình. Hai mặt này có thể chuyển hóa cho nhau và tác động lẫn nhau, nếu mặt tích cực mạnh thì sẽ làm giảm, hạn chế được mặt tiêu cực và ngược lại. Vì vậy, mỗi chúng ta phải thường xuyên đấu tranh, tu dưỡng, rèn luyện để hoàn thiện bản thân mình, để phát huy được những mặt tác động tích cực của kinh tế thị trường đối với đời sống đạo đức gia đình và hạn chế được những mặt tác động tiêu cực của nó, nhằm đưa gia đình, xã hội phát triển nhanh, mạnh, bền vững, tạo tiền đề cho sự hoàn thiện nhân cách của mỗi con người.

    Để xây dựng một nền đạo đức gia đình mới, tiến bộ với tư cách vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đạo đức xã hội, tác giả đề xuất: Thứ nhất, chúng ta cần đẩy mạnh việc tạo lập các điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi cho sự hình thành và phát triển đạo đức gia đình, trong đó: Tăng cường vai trò điều tiết của Nhà nước đối với nền kinh tế thị trường; Khuyến khích phát triển kinh tế gia đình; Phát huy dân chủ và kỷ cương tạo điều kiện cho xây dựng đạo đức và đạo đức gia đình. Thứ hai, chúng ta cần đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức gia đình đáp ứng yêu cầu của đổi mới đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường, trong đó: Nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về vai trò của giáo dục đạo đức gia đình; Xác lập và đẩy mạnh giáo dục hệ chuẩn mực đạo đức gia đình hiện đại trên cơ sở kế thừa có chọn lọc những giá trị đạo đức gia đình truyền thống.

    Với hơn 200 trang sách, nội dung cuốn sách gồm 3 chương. Chương I: Một số vấn đề lý luận về đạo đức gia đình và đạo đức gia đình Việt Nam; Chương II: Kinh tế thị trường và tác động của nó đối với đạo đức gia đình ở nước ta hiện nay; Chương III: Một số giải pháp định hướng đối với việc xây dựng đạo đức gia đình ở nước ta hiện nay.

    Nội dung cuốn sách chắc chắn là tài liệu tham khảo rất bổ ích cho độc giả, nhất là những sinh viên, giảng viên các trường cao đẳng, đại học, những nhà nghiên cứu liên quan đến vấn đề đạo đức học nói chung và đạo đức gia đình nói riêng.

    Sản phẩm cùng loại

    Tác giả: Phan Trần Chúc
    Giá tiền: 67.000 đ
    Tác giả: Nguyễn Thái Bình - Đỗ Thị Thanh Hương
    Giá tiền: 130.000 đ
    Tác giả: Thượng tọa, TS. Thích Đức Thiện - ThS. Nguyễn Thái Bình (Đồng chủ biên)
    Giá tiền: 168.000 đ
    Tác giả: Phan Trần Chúc
    Giá tiền: 65.000 đ
    Tác giả: Phan Trần Chúc
    Giá tiền: 102.000 đ
    Tác giả: Nguyễn Xuân Cần, Anh Vũ
    Giá tiền: 145.000 đ
    Tác giả: Phan Trần Chúc
    Giá tiền: 90.000 đ
    Tác giả: Nguyễn Thái Bình, Phạm Hoàng Hải
    Giá tiền: 140.000 đ
    Tác giả: GS.VSTT.NGND. Phan Huy Lê - PGS.TS. Đỗ Bang (Đồng chủ biên)
    Giá tiền: 163.000 đ
    Tác giả: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật
    Giá tiền: 845.000 đ
    Tác giả: Nguyễn Thị Bình
    Giá tiền: Liên hệ
    Tác giả: Vũ Ngọc Khánh
    Giá tiền: 68.000 đ