Xây dựng môi trường pháp lý bảo đảm sự phát triển bền vững và lành mạnh của kinh tế tư nhân
Ngày 03/6/2017, tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành riêng một nghị quyết cho kinh tế tư nhân – Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong đó nhấn mạnh đến việc xây dựng môi trường pháp lý bảo đảm sự phát triển bền vững và lành mạnh của kinh tế tư nhân. Khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây. Các doanh nghiệp tư nhân đã vượt qua khu vực doanh nghiệp nhà nước về phương diện tạo thu nhập cho người lao động. Việc làm do các doanh nghiệp tư nhân tạo ra đã giúp hàng triệu người lao động dịch chuyển từ các công việc có thu nhập thấp hơn trong lĩnh vực nông nghiệp sang làm việc ở những ngành có năng suất cao hơn với mức lương cao hơn. Các doanh nghiệp tư nhân đóng góp đáng kể vào sự mở rộng phạm vi che phủ các chương trình an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội. Thực tế tại Việt Nam, các tập đoàn kinh tế tư nhân ngày càng khẳng định vai trò và đóng góp to lớn cho nền kinh tế, trở thành mũi nhọn tại một số lĩnh vực đầu tư như du lịch, chế biến thực phẩm, công nghệ viễn thông... Điển hình trong đó là: Sun Group, Vingroup, Masan, FPT… Các tập đoàn này không chỉ dẫn đầu ở các lĩnh vực hoạt động trong nước, mà đã và đang xây dựng, phát triển thành công những sản phẩm, công trình mang tầm vóc khu vực và thế giới, giúp thăng hạng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Mặc dù kinh tế tư nhân ở nước ta đã được khẳng định chính thức; được tạo điều kiện ngày càng tốt hơn cho sự phát triển, tuy nhiên, sự bền vững và lành mạnh của nó vẫn đang là dấu hỏi cần được bàn luận và lưu tâm. Đó là năng suất và tốc độ tăng năng suất của khu vực này còn thấp; chỉ số hiệu quả hoạt động tài chính còn nhiều điểm đáng quan ngại; mối liên kết giữa các cấu phần của khu vực tư nhân còn rất thấp, đặc biệt là mối liên kết giữa doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp tư nhân có vốn đầu tư nước ngoài còn thấp; nền kinh tế ngày càng phụ thuộc vào các doanh nghiệp tư nhân có vốn đầu tư nước ngoài; khu vực kinh tế tư nhân đang phải đối diện với sự suy giảm của những nguồn lực vốn một thời được coi là dồi dào và phong phú. Việt Nam ngày càng trở nên kém cạnh tranh hơn về chi phí nhân công vì tiền lương của người lao động gia tăng liên tục trong những năm gần đây; môi trường kinh doanh chưa thật sự được bình đẳng, vẫn còn có sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp tư nhân lớn, doanh nghiệp tư nhân có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân nhỏ và siêu nhỏ trong nước; khả năng tiếp cận nguồn lực, dịch vụ công và khoa học – công nghệ còn chênh lệch và còn thấp so với khu vực; hệ thống quản trị công chưa thay đổi như kỳ vọng để phục vụ sự phát triển của khu vực tư… Rất nhiều nguyên nhân được các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia kinh tế chỉ ra, tuy nhiên, từ góc độ pháp luật có nhiều việc phải bàn luận, xem xét, phân tích và luận giải, đặc biệt là trong giai đoạn hội nhập quốc tế và xây dựng nhà nước pháp quyền khi pháp luật phải là công cụ chính yếu, quan trọng nhất thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ của xã hội. Nghiên cứu nhiều năm qua cho thấy, môi trường pháp lý của Việt Nam đã có nhiều đổi mới, phát triển. Tuy nhiên, để bảo đảm sự phát triển lành mạnh và bền vững của khu vực kinh tế tư nhân ở nước ta như kỳ vọng của Nghị quyết số 10-NQ/TW thì cần có hành lang pháp lý phù hợp để bảo đảm phát triển mạnh mẽ và bền vững đúng định hướng của Đảng.
Nhằm cải thiện năng lực pháp luật, tạo đà cho sự phát triển của kinh tế tư nhân, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Xây dựng môi trường pháp lý bảo đảm sự phát triển bền vững và lành mạnh của kinh tế tư nhân do PGS. TS. Nguyễn Thị Quế Anh và PGS.TS. Lê Thị Hoài Thu (đồng chủ biên). Cuốn sách có cấu trúc gồm 6 phần, tập hợp bài viết của các chuyên gia luật học và kinh tế uy tín đến từ Quốc hội, các bộ, ngành, cơ quan hoạch định chính sách, các hiệp hội và các cơ sở đào tạo, nghiên cứu trong cả nước. Cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích đối với các nhà hoạch định chính sách trong xây dựng pháp luật về bảo đảm sự phát triển bền vững và lành mạnh của kinh tế tư nhân.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Bùi Bằng Đoàn với sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước
- Xuất bản hai cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc
- Tái bản một số ấn phẩm tiêu biểu nhân kỷ niệm 133 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xuất bản bộ sách về lịch sử ngành Công Thương
- Đề cương về văn hóa Việt Nam – Khởi nguồn và động lực phát triển
- Sách tương tác góp phần đánh thức tiềm năng của trẻ
- Xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay theo quan điểm của Đảng
- Đổi mới hoạt động thư viện, phát triển kỹ năng đọc cho thiếu nhi
- Cần tăng đầu tư cho đúng tầm vóc Giải thưởng Sách quốc gia
- Những điều cần biết khi xây dựng tủ sách cho trẻ em
- Sách nói và cuộc đụng độ giữa các nền tảng
- Các xu hướng sách nói trong năm 2023