Xuất bản 7 Luật mới được thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV
Ngày 25/12/2023, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố 7 luật vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 6. Nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu tìm hiểu và thực thi các quy định pháp luật của độc giả, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản 7 cuốn sách Luật mới được thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, gồm: Luật Căn cước; Luật Kinh doanh bất động sản; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Nhà ở; Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Tài nguyên nước; Luật Viễn thông.
Toàn cảnh Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố 7 luật vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 6 (Nguồn Internet)
Luật Căn cước
Qua 9 năm triển khai thi hành, Luật Căn cước công dân 2014 đã tạo thuận lợi cho nhân dân trong việc đi lại, thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại… Tuy nhiên, việc thi hành Luật cũng bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc cần giải quyết; nhất là việc sửa đổi, bổ sung quy định để thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số ở nước ta theo Đề án 06. Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm tăng cường hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Do vậy, để tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở nước ta, việc sửa đổi Luật Căn cước công dân năm 2014 là cần thiết.
Luật Căn cước năm 2023 được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 6, thông qua ngày 27/11/2023, gồm 07 chương, 46 điều, quy định về: cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước, căn cước điện tử; giấy chứng nhận căn cước; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 46.
Theo đó, Luật Căn cước công dân năm 2023 có nhiều điểm mới so với Luật Căn cước công dân năm 2014, như:
- Đối tượng áp dụng được mở rộng hơn, bổ sung quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch.
- Quy định mở rộng, tích hợp nhiều thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, vào thẻ căn cước.
- Bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi.
- Quy định về cấp, quản lý căn cước điện tử.
- Bổ sung quy định khuyến khích tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tài trợ, hỗ trợ để xây dựng, quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu về căn cước…
Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
Thời gian qua, sau khi lực lượng Công an chính quy về xã đảm nhận nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở, tình hình an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở có nhiều chuyển biến tích cực, hiệu quả hơn so với trước; tuy nhiên, lực lượng Công an chính quy cấp xã vẫn rất khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, do chưa có quy định, cơ chế thống nhất để huy động lực lượng hỗ trợ thực hiện, vì vậy rất cần thiết phải có một lực lượng tự quản về an ninh, trật tự bố trí tại cơ sở để tham gia bảo đảm an ninh, trật tự.
Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28/11/2023. Luật gồm 5 chương, 33 điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024. Theo đó, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là một trong những lực lượng quần chúng, được bố trí ở thôn, tổ dân phố làm nòng cốt trong hỗ trợ Công an cấp xã giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp trong bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Luật đã điều chỉnh quy định về nhiệm vụ của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bảo đảm phù hợp với trình độ năng lực và thể hiện rõ tính chất là lực lượng tham gia hỗ trợ lực lượng công an cấp xã, không trùng lặp với nhiệm vụ của công an cấp xã và chính quyền cơ sở…
Nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu tìm hiểu và thực thi các quy định pháp luật của độc giả, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản 7 cuốn sách Luật mới được thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV
Luật Kinh doanh bất động sản
Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 6, thông qua ngày 28/11/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025. Luật gồm 10 chương, 83 điều (tăng 4 chương và 1 điều so với Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014). Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 tiếp tục hoàn thiện về khuôn khổ pháp lý cho các chủ thể tham gia thị trường bất động sản, đưa ra các quy tắc kinh doanh, giao dịch cho các chủ thể trong hoạt động kinh doanh bất động sản; thiết lập nền tảng, cơ sở pháp lý cho thị trường bất động sản vận hành với nhiều điểm mới, trong đó có những điểm nổi bật sau: sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể hơn về các loại bất động sản, dự án bất động sản, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh; sửa đổi, bổ sung quy định về công khai thông tin về bất động sản, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh; bổ sung nhiều nguyên tắc trong kinh doanh dịch vụ bất động sản, hoạt động của sàn giao dịch bất động sản; bổ sung các điều kiện để được kinh doanh dịch vụ tư vấn bất động sản, kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản; sửa đổi, bổ sung quy định về kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản, thù lao của cá nhân môi giới bất động sản; về quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản; sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến chuyển nhượng dự án bất động sản.
Luật Nhà ở
Luật Nhà ở năm 2023 được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 27/11/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.
Việc ban hành Luật nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp và người nghèo, không có khả năng tạo lập nhà ở theo cơ chế thị trường; đồng thời sửa đổi, hoàn thiện các quy định của Luật Nhà ở năm 2014 cho phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, hạn chế, bảo đảm tính hợp hiến, sự thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Nhà ở với các luật khác có liên quan.
Luật gồm 13 chương, 198 điều (giảm 4 chương, tăng 15 điều so với Luật Nhà ở năm 2014), quy định về sở hữu, phát triển, quản lý vận hành, sử dụng nhà ở, giao dịch về nhà ở và quản lý nhà nước về nhà ở tại Việt Nam, trừ trường hợp giao dịch mua bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở thương mại của các doanh nghiệp, hợp tác xã có chức năng kinh doanh bất động sản, giao dịch chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở được thực hiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.
Luật Nhà ở năm 2023 bám sát các nội dung trong các Nghị quyết, chủ trương đường lối của Đảng có liên quan đến lĩnh vực phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở, nhất là nhà ở xã hội; kế thừa các quy định hiện hành đang còn phù hợp, đồng thời luật hóa các quy định liên quan đến phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở đã chứng minh tính hiệu quả trong thực tiễn. Đây là văn bản pháp lý trụ cột điều chỉnh pháp luật về nhà ở tại Việt Nam.
Luật Tài nguyên nước
Qua hơn 10 năm thực hiện, bên cạnh kết quả đạt được, Luật Tài nguyên nước năm 2012 còn giao thoa, chồng chéo với các luật khác, dẫn đến khó thực hiện hoặc lãng phí nguồn lực; đồng thời thiếu khung khổ pháp lý cho an ninh nguồn nước. Do đó, cần thiết phải cập nhật, thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước. Đồng thời, yêu cầu hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch, hướng tới quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số, chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế là cơ sở để ban hành Luật Tài nguyên nước năm 2023, thay thế cho Luật Tài nguyên nước năm 2012.
Luật Tài nguyên nước 2023 gồm 10 chương, 86 điều, đã cụ thể hóa 4 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 50/2020/QH15 ngày 13/6/2022 gồm: bảo đảm an ninh nguồn nước; xã hội hóa ngành nước; bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra và sửa đổi, bổ sung một số chính sách khác. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.
Luật Viễn thông
Sau hơn 12 năm áp dụng, bên cạnh kết quả đạt được, Luật Viễn thông năm 2009 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, cần phải sửa đổi toàn diện nhằm xây dựng hành lang pháp lý phù hợp với yêu cầu mới.
Luật Viễn thông năm 2023 được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 24/11/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024. Luật gồm 10 chương, 73 điều, có những điểm mới cơ bản như: mở rộng phạm vi điều chỉnh một số dịch vụ mới như: dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet để phù hợp với xu thế chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số; bổ sung các quy định về phát triển hạ tầng viễn thông; bổ sung hoàn thiện các quy định về hoạt động viễn thông công ích; quy định cụ thể các loại tài nguyên viễn thông được phân bổ qua hình thức đấu giá; bổ sung quy định về ngăn chặn sim rác, tin nhắn rác, cuộc gọi vi phạm pháp luật; cải cách thủ tục hành chính, quản lý thị trường viễn thông…
Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự
Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự năm 1994 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức điều hành, quản lý nhà nước về nhiệm vụ bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh; tạo thế và lực vững chắc trong xây dựng khu vực phòng thủ. Tuy nhiên, sau 29 năm tổ chức thực hiện Pháp lệnh đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như: chưa thể chế hóa các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; một số quy định chưa thống nhất, tương thích, phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và các văn bản luật hiện hành; thực tiễn phát triển, hội nhập của đất nước, nhiệm vụ bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự còn một số bất cập trong công tác quản lý, chỉ đạo của các cấp bộ, ngành, địa phương. Do vậy, ngày 24/11/2023, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2025, thay thế Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự năm 1994.
Luật Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự năm 2023, gồm 6 chương, 34 điều, quy định về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; chế độ, chính sách trong hoạt động quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Vũ The
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Tỉnh ủy Ninh Bình tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Hội đàm và ký kết biên bản làm việc với Nhà xuất bản Nhân dân Giang Tô, Trung Quốc
- Tỉnh ủy Long An tổ chức quán triệt nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Giới thiệu ra mắt sách “Tình cảm của nhân dân thế giới với Chủ tịch Hồ Chí Minh” bằng tiếng Việt - Thụy Điển
- Chúc mừng Ngày truyền thống Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Chúc mừng Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhân dịp 94 năm Ngày truyền thống
- Ra mắt Tập 3 và Tập 4 Bộ sách Vững bước trên con đường đổi mới của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Khai giảng lớp cán bộ cấp vụ học trực tuyến tại Việt Nam và khảo sát thực tế tại Trung Quốc
- Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị nghiên cứu, quán triệt nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của đồng chí Nguyễn Phú Trọng
- Báo cáo về nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Học viên Quân y
- Ra mắt sách Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
- Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt nội dung cốt lõi cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của đồng chí Nguyễn Phú Trọng