Xuất bản ASEAN: Nỗ lực thoát khỏi “vùng trũng”
Mỗi quốc gia trong khu vực ASEAN, ngoài phát triển xuất bản sách và văn hóa đọc, còn cần tăng cường hợp tác, liên kết với các nước trong khu vực, nhằm đưa xuất bản của nơi đây trở thành một ngành công nghiệp năng động, thoát khỏi “vùng trũng”, được bạn đọc thế giới biết đến.
Đó là chia sẻ của chuyên gia xuất bản các quốc gia trong khu vực tại tọa đàm “Xu hướng xuất bản tại các nước ASEAN”, diễn ra tuần qua tại Hà Nội.
Thúc đẩy văn hóa đọc
Đạt được những kết quả nổi bật trong lĩnh vực xuất bản giai đoạn vừa qua là Inđônêxia, quốc gia đầu tiên của ASEAN trở thành khách mời danh dự của Hội sách London (Anh) 2019, trước đó là khách mời của Hội sách lớn nhất thế giới Frankfurt, Đức năm 2015. Bà Laura Prinsloo, Chủ tịch Ủy ban Sách Quốc gia Inđônêxia cho biết: “Đất nước tôi đông dân, 260 triệu người; có trên 3.000 nhà xuất bản. Chúng tôi được sự đồng lòng của Chính phủ khi tham gia Hội sách Frankfurt năm 2015, Hội sách London năm 2019, không phải chỉ để giới thiệu sách, mà còn quảng bá hình ảnh, phát triển kinh tế của quốc gia. Nhờ đó, hàng ngàn đầu sách trong nước đã được đưa ra giới thiệu với thế giới. Năm vừa rồi, đã có 1.500 đầu sách của Inđônêxia được bán bản quyền. Chúng tôi cũng chi tiền đưa các tác giả lớn của Inđônêxia tới diễn thuyết tại các sự kiện lớn của thế giới, trở thành tác giả của thế giới”.
Bà Laura Prinsloo cho biết thêm, mọi người cần thay đổi tư duy chỉ làm sách cho quốc gia, mà cần mở rộng ra, hướng tới thị trường thế giới. Mọi người nghĩ rằng ngành xuất bản đang “chết” nhưng không phải, đây là ngành công nghiệp năng động và chỉ những người năng động thì mới mang lại lợi nhuận khổng lồ, bởi xuất bản không chỉ là sách, mà từ đó có thể trở thành phim, đồ lưu niệm...
Trong khi đó, ông Hasri Hasan, Phó Tổng giám đốc Thành phố Sách Kotabuku, Malaixia cho biết: “Malaixia có thành phố sách nằm giữa thủ đô Kuala Lumpur. Đất nước có khoảng 30 triệu dân, nhưng mới xuất bản được 18.000 đầu sách mỗi năm. Chúng tôi thấy rằng, nguyên nhân sâu xa khiến xuất bản hoạt động kém hiệu quả là nhiều người dân chưa có văn hóa đọc. Chúng tôi đã làm hồ sơ gửi Liên hợp quốc để công nhận Kuala Lumpur trở thành Thủ đô Sách thế giới vào năm 2020 và chuẩn bị triển khai 2.000 hoạt động, trong đó có làm các phòng đọc nhỏ tại tất cả các làng quê. Bên cạnh việc cải thiện nội dung sách, chúng tôi cũng đẩy mạnh việc đọc điện tử trong thời đại số”.
Ưu đãi bản quyền
Tuy nhiên, khi chúng ta đang ở “vùng trũng” của thế giới, ngoài nỗ lực của từng quốc gia để xuất bản phát triển vượt ra khỏi biên giới lãnh thổ, các quốc gia trong khu vực cần đẩy mạnh hợp tác, liên kết để cùng phát triển. Theo TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Sách Thái Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Xuất bản Việt Nam: “Từ năm 2014, tôi kêu gọi các nước ủng hộ một ASEAN phát triển văn hóa đọc. Việt Nam phần lớn mua bản quyền sách nước ngoài, Thái Hà Books mua bản quyền tới 70%. Tại sao các nước ASEAN không bán bản quyền cho nhau với giá ưu đãi hơn?”
Về vấn đề này, ông Dominador D. Buhain, Chủ tịch Hiệp Chủ tịch Hiệp hội Xuất bản châu Á - Thái Bình Dương nhận định: “Trong 10 năm tới, tôi nghĩ chúng ta phải thúc đẩy việc mua bán bản quyền giữa các nước ASEAN. Bà Sonia A. Santiago, Hiệp hội Nhà xuất bản giáo dục Philíppin đồng tình: “Tôi nghĩ rằng phải xuất bản nhiều sách bằng tiếng Anh, để dễ trao đổi giữa các nước trong khu vực và tiếp cận thế giới. Bởi ngôn ngữ là một trong những rào cản trong hợp tác về xuất bản giữa các nước ASEAN hiện nay”.
Ngoài việc có các quỹ dịch thuật, khuyến khích chuyển ngữ sách giữa các nước ASEAN, chuyên gia Malaixia cho rằng cần nghĩ tới việc cùng xuất bản một cuốn sách tại các quốc gia trong khu vực, bắt đầu với sách thiếu nhi, phần nhiều là tranh, dễ chuyển ngữ...
Hiện nay, ASEAN có hơn 600 triệu dân và văn hóa đọc đang phát triển. Để phát triển xuất bản trong khu vực, ông Aung Si Thar, Thành viên Ủy ban Điều hành Hiệp hội các Nhà xuất bản và Phát hành sách Mianma cho rằng, trước hết, cần lập ngay một trang web chung của khối ASEAN để giới thiệu các cuốn sách bán chạy nhất của các quốc gia trong khu vực, khuyến khích các nước mua bản quyền lẫn nhau. Khi một cuốn sách được dịch, bán bản quyền càng nhiều thì uy tín càng cao, thúc đẩy cho xuất bản các quốc gia, và tạo sự phát triển chung cho xuất bản của ASEAN, dần dần tạo sự quan tâm của thế giới.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Bùi Bằng Đoàn với sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước
- Xuất bản hai cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc
- Tái bản một số ấn phẩm tiêu biểu nhân kỷ niệm 133 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xuất bản bộ sách về lịch sử ngành Công Thương
- Đề cương về văn hóa Việt Nam – Khởi nguồn và động lực phát triển
- Sách tương tác góp phần đánh thức tiềm năng của trẻ
- Xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay theo quan điểm của Đảng
- Đổi mới hoạt động thư viện, phát triển kỹ năng đọc cho thiếu nhi
- Cần tăng đầu tư cho đúng tầm vóc Giải thưởng Sách quốc gia
- Những điều cần biết khi xây dựng tủ sách cho trẻ em
- Sách nói và cuộc đụng độ giữa các nền tảng
- Các xu hướng sách nói trong năm 2023