Xuất bản 2015: Chú trọng công tác quy hoạch và đào tạo cán bộ, nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, làm lành mạnh hóa thị trường xuất bản

Ngày đăng: 16/03/2015 - 17:03

Tình trạng buông lỏng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, nhất là trong việc kiểm tra, đôn đốc các nhà xuất bản thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích vẫn còn tồn tại; sự phối hợp giữa các cơ quan chủ quản, cơ quan chỉ đạo, quản lý có lúc chưa chủ động, kịp thời, còn lúng túng; thực trạng liên kết xuất bản hiện nay đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, làm suy yếu vai trò chủ đạo của các nhà xuất bản và của chính cơ quan chủ quản… “Gần ½ đồng chí giám đốc, tổng biên tập nhà xuất bản hiện nay không đảm bảo tiêu chuẩn quy định trong Luật Xuất bản" (Đồng chí Chu Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản) cho thấy việc cần thiết phải đào tạo và nâng cao trình độ cán bộ cán bộ biên tập xuất bản, nhất là đội ngũ lãnh đạo xuất bản...

Đây là những vấn đề được nêu ra tại Hội nghị cơ quan chủ quản nhà xuất bản năm 2014, do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức cuối tháng 1-2015 tại Hà Nội.

images651003 van hoa doc thethaovietnam2

Hội chợ sách thu hút số đông độc giả

Thực trạng xuất bản 2014

Theo báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành, năm 2014, toàn ngành đã xuất bản được 28.322 ấn phẩm với 368,923 triệu bản, tăng hơn cả về số cuốn và số bản so với năm 2013. Tuy nhiên, số lượng sách xuất bản cao nhưng chất lượng chưa tương xứng, thậm chí một số xuất bản phẩm còn có nội dung sai lệch, vô bổ, nhảm nhí. Một số nhà xuất bản hoạt động thua lỗ, kém hiệu quả, thu nhập thấp, đời sống cán bộ công nhân viên gặp nhiều khó khăn. Một số cơ quan chủ quản còn chưa đảm bảo các điều kiện hoạt động của nhà xuất bản theo quy định của Luật Xuất bản như: về vốn hoạt động, phần lớn các nhà xuất bản không được cơ quan chủ quản cấp vốn; về trụ sở hoạt động, có 11 nhà xuất bản phải thuê trụ sở làm việc theo hợp đồng dài hạn của Nhà nước; về nhân sự lãnh đạo nhà xuất bản, một số nhà xuất bản thiếu chức danh Giám đốc, Tổng biên tập...

Trong năm 2014, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã xử lý 358 xuất bản phẩm vi phạm của các nhà xuất bản, trong đó, 129 xuất bản phẩm vi phạm về nội dung như sai câu chữ, kiến thức cơ bản, lỗi chính tả, nội dung dung tục, phản cảm, phi giáo dục…, 229 xuất bản phẩm  bị xử lý vì vi phạm quy định của Luật Xuất bản như ghi không đúng hoặc không đủ thông tin trên xuất bản phẩm, thực hiện xuất bản không đúng với xác nhận đăng ký xuất bản,… Ngoài ra, 12 xuất bản phẩm bị xử lý vì mạo danh nhà xuất bản, in lậu, nhập lập và lưu hành bất hợp pháp.

Cơ quan chủ quản xuất bản còn thiếu linh hoạt do vấn đề nhận thức?

Từ sự nhận thức chưa đúng, chưa tới về tiêu chí hoạt động xuất bản đã dẫn đến việc không ít cơ quan chủ quản còn lúng túng, thiếu chủ động và linh hoạt trong phương án đầu tư, để nhà xuất bản loay hoay trong tình trạng thiếu vốn, yếu kém về cơ sở vật chất kỹ thuật. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc nhà xuất bản đánh mất quyền tự chủ, bị đối tác liên doanh, liên kết chi phối, không kiểm soát được nội dung xuất bản phẩm, để xảy ra những sai sót khá nghiêm trọng gây bức xúc trong xã hội thời gian vừa qua.

Theo đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương: “Hiện tượng bán giấy phép, biên tập cẩu thả, để sách có nhiều nội dung sai sót về mặt chính trị, tư tưởng, chất lượng thấp, vi phạm các quy định của Đảng và Nhà nước tăng nhanh trong năm 2014. Có thể khẳng định, ngoài trách nhiệm của lãnh đạo, biên tập viên nhà xuất bản, ý thức và trách nhiệm xã hội của các đối tác liên kết, còn có một phần trách nhiệm của cơ quan chỉ đạo, quản lý, đặc biệt là trách nhiệm của cơ quan chủ quản nhà xuất bản trong việc thực hiện chức trách của mình”.

Ông Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, cơ quan chủ quản của Nhà xuất bản Dân Trí cho biết, hiện nay chúng ta có rất nhiều nhà văn, nhiều sách được xuất bản nhưng chất lượng thì không cao. “Một số nhà xuất bản đang quá dễ dãi với các tác giả, chỉ cần có tiền thì ai cũng có thể xuất bản sách. Chính vì thế đã dẫn đến hệ quả là những sai sót về câu chữ, kiến thức cơ bản, lỗi chính tả; sai sót về sự kiện, thời gian, nhân vật lịch sử; nội dung dung tục, phản cảm, phi giáo dục; nhận định, đánh giá về hiện thực xã hội phiến diện, chủ quan… Có lẽ đã đến lúc phải có biện pháp mạnh để sách đừng tầm thường quá.

Trong năm 2014, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã tiến hành thực hiện Kế hoạch thanh tra chuyên ngành trong hoạt động xuất bản với 15 cuộc thanh tra các nhà xuất bản, cơ sở in, cơ sở phát hành xuất bản phẩm; 8 cuộc kiểm tra việc thực hiện xuất bản lịch bloc 2015. Cục cũng đã ban hành 8 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 6 đơn vị. Cũng trong năm, Cục đã xử lý 358 xuất bản phẩm vi phạm của các nhà xuất bản (trong đó, xử lý 129 xuất bản phẩm vi phạm về nội dung)…

Đồng chí Chu Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông thẳng thắn đề nghị xác định rõ vai trò của các cơ quan chủ quản nhà xuất bản khi để xảy ra các sai phạm trong hoạt động của nhà xuất bản. Để khắc phục hiện trạng bất cập này, ông nhấn mạnh: “Sắp tới, các nhà xuất bản sau khi làm thủ tục đổi giấy phép thì phải rà soát lại, nếu không đủ mức vốn là 5 tỷ đồng thì Cục Xuất bản, In và Phát hành sẽ tham mưu các Bộ liên quan xử lý, kiên quyết không để các nhà xuất bản rơi vào dòng xoáy bán giấy phép. Nếu các cơ quan chủ quản không bố trí được kinh phí cho các nhà xuất bản thì nên chủ động giải tán nhà xuất bản hoặc tìm phương án sáp nhập với nhà xuất bản khác, tránh đưa ra xã hội những “cơ thể ốm yếu”.

Một nửa số lãnh đạo nhà xuất bản không đạt tiêu chuẩn?

Một bất cập lớn khác trong hoạt động của các nhà xuất bản hiện nay cũng đã được Cục trưởng Chu Hòa thẳng thắn “điểm mặt chỉ tên”, đó là việc đáp ứng tiêu chuẩn của giám đốc, tổng biên tập nhà xuất bản. “Gần ½ đồng chí giám đốc, tổng biên tập nhà xuất bản hiện nay không đảm bảo tiêu chuẩn quy định trong Luật xuất bản. Nhiều trường hợp Bộ Thông tin và Truyền thông phải thông cảm để kiện toàn hoạt động nhà xuất bản bởi nếu không sẽ kéo dài tình trạng nhà xuất bản “không có đầu” gây ảnh hưởng xấu tới hoạt động của nhà xuất bản. Mặt khác, vẫn còn phổ biến hiện tượng cơ quan chủ quản bổ nhiệm người ngoài ngành về lãnh đạo nhà xuất bản, làm mất động lực phấn đấu của người trong ngành”. Cần phải đào tạo và nâng cao trình độ cán bộ biên tập xuất bản, nhất là đội ngũ lãnh đạo xuất bản, đồng chí nhấn mạnh.

Liên quan đến giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các nhà xuất bản trong thời gian tới, đồng chí Chu Hòa khuyến nghị: “Hiện vẫn còn có sự chồng chéo trong hoạt động của nhiều nhà xuất bản. Cần tiến hành sáp nhập cho tinh gọn hơn”.

Đồng quan điểm đó, đồng chí Vũ Đình Thường, Vụ trưởng Vụ Báo chí Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định: “Đề nghị giám đốc, tổng biên tập các nhà xuất bản cũng như các cơ quan chủ quản nghiên cứu kỹ Luật xuất bản, Quy hoạch hoạt động xuất bản, in và phát hành tầm nhìn đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt, và các Nghị định, Thông tư liên quan để triển khai phù hợp. Nếu không nắm vững luật thì sẽ khó ứng xử trong thời gian tới. Đặc biệt, giám đốc, tổng biên tập nhà xuất bản phải nắm vững quy định về điều kiện thành lập nhà xuất bản, rà soát tôn chỉ mục đích, đọc kỹ quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt để tham mưu cho cơ quan chủ quản cấp đổi giấy phép hoạt động. Nếu không có giấy phép hoạt động thì coi như đóng cửa”.

Hội chợ sách thu hút số đông độc giả

Nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của hoạt động xuất bản

Trong năm 2015 ngành xuất bản cần chú trọng công tác quy hoạch và đào tạo cán bộ nhằm nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, làm lành mạnh hóa thị trường xuất bản.

Trong năm qua, cùng với những khó khăn chung của đất nước, ngành xuất bản phải đương đầu với rất nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực của toàn ngành và sự phối hợp có hiệu quả của Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Xuất bản Việt Nam, ngành xuất bản đã có những bước phát triển quan trọng. Cơ quan quản lý Nhà nước đã khẩn trương xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thuận lợi cho công tác quản lý, điều hành hoạt động xuất bản và hỗ trợ hoạt động xuất bản phát triển. Các nhà xuất bản đã nỗ lực phấn đấu để giữ vững sự ổn định và có sự tăng trưởng về số lượng xuất bản phẩm, đồng thời phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của cơ quan chủ quản của nhà xuất bản và của ngành. Để đạt được những kết quả đó, bên cạnh việc chỉ đạo, định hướng của Đảng, cơ quan quản lý Nhà nước, sự nỗ lực của các nhà xuất bản thì trách nhiệm của cơ quan chủ quản cũng không kém phần quan trọng.

Thực tế cho thấy, cơ quan chủ quản nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của hoạt động xuất bản thì nhà xuất bản sẽ nhận được sự quan tâm, đầu tư có hiệu quả, đúng hướng.

Đồng chí Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cho rằng: Trong quá trình thực hiện chức năng quản lý Nhà nước của mình, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhận được sự phối hợp có hiệu quả của các cơ quan chủ quản nhà xuất bản trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách cũng như nghiên cứu, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của hoạt động xuất bản. Trong năm 2015, đề nghị các cơ quan chủ quản nhà xuất bản sớm chỉ đạo nhà xuất bản nghiên cứu xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển phù hợp với quy định của Luật Xuất bản và Quy hoạch phát triển của ngành, tập trung giải quyết tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất bản, đặc biệt là việc triển khai cơ chế chính sách của Nhà nước đối với hoạt động này. Đồng thời, cơ quan chủ quản cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước trong việc thẩm định một số nội dung, đề tài khi có yêu cầu của cơ quan quản lý trước khi xuất bản… nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những vi phạm trong nội dung xuất bản phẩm, làm lành mạnh hóa thị trường xuất bản phẩm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động của các nhà xuất bản theo chức năng nhiệm vụ của cơ quan chủ quản.

Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các cơ quan chủ quản nhà xuất bản tăng cường giải quyết tốt mối quan hệ giữa thực hiện nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế của nhà xuất bản một cách thấu tình, đạt lý; tăng cường các nguồn lực, phương tiện làm việc cho nhà xuất bản, nhất là cơ chế vốn (theo quy định của Luật Xuất bản 2012), đảm bảo đơn vị có thể hoạt động và phát triển; đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch và đào tạo cán bộ…

Sự quyết tâm vào cuộc của các cơ quan chủ quản nhà xuất bản trong chỉ đạo, quản lý sẽ góp phần khắc phục cơ bản những hạn chế trong hoạt động liên kết xuất bản, qua đó nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, làm lành mạnh hóa thị trường xuất bản.

 

Tâm Anh

Bình luận