Xuất bản Việt Nam năm 2011: Vẫn chưa khởi sắc

Ngày đăng: 10/04/2012 - 13:04

Xuất bản năm 2011 vẫn chỉ dừng lại ở những con số thống kê èo uột, không như mong muốn của những người hoạt động trong ngành. Nguyên nhân được đánh giá là do bị ảnh hưởng bởi tình trạng suy giảm nền kinh tế chung, lạm phát tăng cao, công tác kiểm tra và thị trường kinh doanh chưa được tiến hành thường xuyên, cho nên chưa phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm. Hơn nữa, sự không đồng đều, thiếu thống nhất giữa Luật xuất bản với một số quy định của các luật liên quan như: Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật ngân sách dẫn đến tình trạng các "chợ sách lậu" không nguồn gốc ngày càng nhiều ở các đô thị.

Đây cũng là những nội dung được thảo luận tại Hội nghị tổng kết hoạt động xuất bản và phát hành xuất bản phẩm năm 2011, triển khai nhiệm vụ năm 2012 do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 19-3-2012 vừa qua.

DSCN6620


Một chặng đường xuất bản khó khăn

Theo báo cáo của Cục Xuất bản, năm 2011, về sách, toàn ngành đã xuất bản được hơn 27 ngàn tên sách (tăng 7% so với năm 2010), với gần 294 triệu bản (tăng 6% so với năm 2010). Tuy nhiên, con số tăng trưởng này chỉ mang tính hình thức vì hàng loạt các chỉ số đo “sức khỏe” của các nhà xuất bản vẫn rất… èo uột.  Tổng doanh thu giảm 25,6%; lợi nhuận sau thuế giảm 10% (so với năm 2010). Trong số 64 nhà xuất bản đang hoạt động, năm 2011, chỉ có 32 nhà xuất bản có lợi nhuận trên 100 triệu đồng, 6 nhà xuất bản đạt lợi nhuận trên 1 tỷ đồng, số còn lại hoạt động kém hiệu quả, thậm chí làm ăn thua lỗ, phải nợ nộp thuế.

Cũng trong năm 2011, về văn hóa phẩm, toàn ngành đã xuất bản được hơn 26 triệu bản (giảm 19% so với năm 2010). Về đăng ký kế hoạch  xuất bản, toàn bộ các nhà xuất bản đăng ký kế hoạch xuất bản và được xác nhận gần 56.000 cuốn, thực tế chỉ thực hiện được gần 20.000 cuốn, bằng 36% so với số đăng ký. Về thực hiện lưu chiểu, nhiều nhà xuất bản thực hiện nghiêm túc và tiến bộ hơn trong việc nộp lưu chiểu (tăng 7% so với năm 2010) nhưng hiện tượng chưa nộp lưu chiểu mà đã phát hành hoặc để dồn sách vào một thời điểm mới nộp lưu chiểu vẫn chưa được khắc phục triệt để. Về liên kết xuất bản, tỷ lệ xuất bản phẩm liên kết năm 2011 của các nhà xuất bản bình quân chiếm 70%... Nhìn chung, các chỉ tiêu kinh tế trong năm 2011 của các nhà xuất bản đạt thấp hơn so với năm 2010 nhưng các nhà xuất bản cũng đã có nhiều nỗ lực để vượt qua khó khăn.

Về nội dung xuất  bản phẩm, nhiều nhà xuất bản đã tập trung xuất bản sách, tủ sách và tài liệu phục vụ các ngày kỷ niệm lớn trong năm 2011; phục vụ nhiệm vụ chính trị với hai sự kiện lớn của đất nước trong năm là Đại hội Đảng lần thứ XI và bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; xuất bản sách, tài liệu viết về chủ quyền biên giới và biển đảo quốc gia, đưa ra những cơ sở mang tính pháp lý, góp phần khẳng định vị trí, lãnh thổ Việt Nam… Nhìn chung, các xuất bản phẩm xuất bản nhằm tôn vinh những thành quả của đất nước đã đạt được, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tôn vinh những đóng góp to lớn của nhiều thế hệ người Việt Nam trong quá trình chiến đấu, bảo vệ chủ quyền và xây dựng đất nước phát triển…

Xuất bản năm 2012: nhiều vấn đề gấp rút được đặt ra

Mục tiêu chính của ngành xuất bản trong năm 2012 là: Thực hiện nghiêm quy định của Luật xuất bản, tiếp tục đóng góp cho luật sửa đổi, tăng cường kế hoạch kiểm tra việc thực thi Luật xuất bản của các nhà xuất bản, cơ sở in và đơn vị phát hành sách; phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra thị trường xuất bản phẩm, xử lý các vi phạm.

Để thực hiện được mục tiêu này, tại Hội nghị tổng kết hoạt động xuất bản và phát hành xuất bản phẩm năm 2011, triển khai nhiệm vụ năm 2012, các đại biểu đã nêu ra một số nguyên nhân sẽ gây khó khăn cho ngành xuất bản sách trong năm 2012. Ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ cảnh báo: “Với giá điện, xăng dầu tăng như hiện nay, chắc chắn giá giấy sẽ tăng, kéo theo giá xuất bản phẩm tăng cao. Đáng lo hơn, dù hiện nay có nhiều nhà xuất bản, công ty làm sách, nhưng đa số lại “đói” bản thảo, đề tài hay”. Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ dẫn chứng, riêng mảng sách văn hóa - văn nghệ trong nước đang rất thiếu đề tài. Hậu quả là các nhà xuất bản phải dựa quá nhiều vào nguồn sách nước ngoài có sự khác biệt về truyền thống, văn hóa.  Đồng tình với ý kiến của ông Nhựt, ông Lê Nguyên Đại, Giám đốc Công ty văn hóa Thời Đại còn băn khoăn chuyện chiết khấu cho các đại lý phát hành sách hiện quá cao, khiến giá bìa sách bị đẩy lên, ảnh hưởng trực tiếp đến sức mua của bạn đọc. Mức chiết khấu phát hành hiện nay lên đến gần 50%, thậm chí, có nơi lên đến 70%, lại bị chiếm dụng vốn, nên việc tăng giá sách để bù chi phí sản xuất là điều mà nhiều nhà xuất bản đang áp dụng. Bên cạnh đó, tình trạng sách lậu, “nhắm mắt” ký giấy phép xuất bản những ấn phẩm sai phạm của nhiều nhà xuất bản diễn ra trong thời gian qua, gây bức xúc dư luận cũng cần được chấn chỉnh.

Giải pháp: "tự cứu mình" là chính

Trong bối cảnh khó khăn chung, Cục Xuất bản đưa ra nhiều giải pháp nhằm bảo đảm phát triển ngành xuất bản trong thời gian tới. Đối với việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất bản, Cục đã đề xuất và được Chính phủ chấp thuận (Nghị định số 122/2011/NĐ-CP) điều chỉnh thuế thu nhập doanh nghiệp xuất bản từ 25% xuống còn 10%, Quỹ hỗ trợ xuất bản cũng đang trong quá trình xem xét để thông qua trong năm nay. Còn với sách lậu, vi phạm trong liên kết xuất bản, trong thời gian chờ đợi những thay đổi trong Luật xuất bản, Cục sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra các nhà xuất bản, cơ sở in và phát hành… Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn, Quỹ hỗ trợ xuất bản không phải tùy tiện ban phát mà phải xem xét, đặc biệt là chỉ tài trợ cho các xuất bản phẩm có giá trị phục vụ cộng đồng cao. Như vậy, các nhà xuất bản, các đơn vị kinh doanh xuất bản phẩm vẫn phải “tự cứu mình” là chính.

Phạm Ngọc Huệ

Bình luận