Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định 9 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự bao gồm: cầm cố tài sản; thế chấp tài sản; đặt cọc; ký cược; ký quỹ, bảo lưu quyền sở hữu; bảo lãnh, tín chấp và cầm giữ tài sản.
Việc bảo đảm nghĩa vụ dân sự luôn gắn với trách nhiệm dân sự về tiền, tài sản và việc trả nợ, nên trong nhiều trường hợp còn được gọi là bảo đảm nghĩa vụ tài chính, bảo đảm nghĩa vụ tài sản hay bảo đảm nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng.
Các biện pháp này như một công cụ hữu hiệu để bảo hiểm, phòng ngừa vi phạm nghĩa vụ, làm cho kẻ muốn bội ước, phá bỏ cam kết phải nhụt chí, chùn tay, đồng thời giúp cho người bị vi phạm hợp đồng hạn chế rủi ro, tổn thất.
Từ doanh nghiệp, ngân hàng cho đến cá nhân đều sử dụng nhiều biện pháp bảo đảm nghĩa vụ dân sự nói chung và giao dịch bảo đảm thực hiện hợp đồng nói riêng trong cuộc sống hằng ngày.
Cuốn sách 9 biện pháp bảo đảm nghĩa vụ hợp đồng (Quy định, thực tế và thiết kế giao dịch theo Bộ luật Dân sự hiện hành) do Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), thành viên Nhóm chuyên gia xây dựng và thành viên Hội đồng thẩm định Dự án Bộ luật Dân sự biên soạn. Tác giả đã có hơn 30 năm nghiên cứu, trải nghiệm thực tiễn và hơn 40 bài viết chuyên sâu về giao dịch bảo đảm, đặc biệt là bảo đảm tiền vay của các ngân hàng thương mại.
Cuốn sách gồm 101 tiểu mục, 24 mục, 6 chương, được trình bày một cách hệ thống, đầy đủ, rõ ràng về mọi vấn đề, từ lý giải về các quy định pháp luật và liên hệ thực tế cho đến thiết kế các mẫu hợp đồng bảo đảm.