Trong số các quyền công dân, quyền khiếu nại hành chính có vai trò đặc biệt quan trọng, là phương tiện để công dân bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình và tham gia quản lý nhà nước. Việc bảo đảm thực hiện quyền khiếu nại hành chính luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Ở Việt Nam, quyền khiếu nại hành chính là một bộ phận của quyền khiếu nại của công dân được ghi nhận lần đầu tiên tại Điều 29 Hiến pháp năm 1959. Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 sửa đổi, bổ sung năm 2001, Hiến pháp năm 2013 cũng ghi nhận quyền này. Nhà nước cũng đã ban hành nhiều văn bản pháp luật, thiết lập và kiện toàn các cơ quan có chức năng giải quyết khiếu nại, khiến kiện hành chính, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong lĩnh vực khiếu nại, khiếu kiện hành chính cũng như phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc bảo đảm thực hiện quyền khiếu nại hành chính của công dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, cơ sở pháp lý cũng như thực tiễn bảo đảm thực hiện quyền khiếu nại hành chính của công dân ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Luật tố tụng hành chính năm 2010 và Luật khiếu nại năm 2011 được Quốc hội khóa XIII thông qua tuy đã đánh dấu bước phát triển nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu đang đặt ra đối với việc bảo đảm để công dân thực hiện quyền khiếu nại hành chính trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mở rộng và phát huy dân chủ ở Việt Nam hiện nay. Thủ tục pháp lý thực hiện và bảo vệ quyền khiếu nại hành chính còn phức tạp, hoạt động giám sát, xử lý vi phạm trong lĩnh vực thực hiện pháp luật về khiếu nại, khiếu kiện hành chính còn hạn chế. Tinh thần trách nhiệm của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, khiến kiện hành chính và ý thức pháp luật của công dân, văn hóa pháp lý của cộng đồng cũng đang là những rào cản đối với công tác giải quyết khiếu nại, khiến kiện hành chính.
Nhằm góp phần hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về khiếu nại, khiếu kiện hành chính, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản cuốn sách Cơ chế pháp lý bảo đảm thực hiện quyền khiếu nại hành chính của công dân (Sách chuyên khảo). Cuốn sách do TS. Nguyễn Tuấn Khanh, công tác tại Viện Khoa học Thanh tra biên soạn. Cuốn sách tập trung đề cập những vấn đề cơ bản nhất về lý luận và thực tiễn cơ chế pháp lý bảo đảm thực hiện quyền khiếu nại hành chính của công dân, từ đó, đề xuất một số giải pháp cần thiết đối với việc hoàn thiện và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về khiếu nại, khiến kiện hành chính. Nội dung cuốn sách còn giới thiệu kinh nghiệm của một số nước trên thế giới và khái quát quá trình hình thành, phát triển của các phương thức giải quyết khiếu nại, khiếu kiện hành chính ở Việt Nam. Những vấn đề về thủ tục pháp lý bảo đảm thực hiện quyền khiếu nại hành chính và hoạt động giám sát, xử lý vi phạm trong lĩnh vực khiếu nại, khiếu kiện hành chính sẽ giúp cán bộ, công chức, người có thẩm quyền có nhận thức đúng đắn hơn về vai trò, trách nhiệm của mình trong việc áp dụng pháp luật để giải quyết các vụ việc khiếu nại, khiếu kiện hành chính, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân khi thực hiện việc khiếu nại, khiếu kiện hành chính.