Còn nhiều kẽ hở trong quản lý xuất bản
Hiện trên thị trường xuất bản Việt Nam xuất hiện tình trạng nhiều nhà xuất bản (NXB) liên kết với đơn vị xuất bản phẩm nhưng không thẩm định, xét duyệt nội dung hoặc duyệt qua loa, phó mặc cho đơn vị đó làm. Do đó, khi lưu hành, phần lớn những ấn phẩm này có đầy lỗi, vi phạm quy định cấm hoặc là "đạo" của người khác... Điều này đã gây khó khăn không nhỏ cho các nhà quản lý xuất bản.
Xuất bản tràn lan
Theo ghi nhận của chúng tôi tại một số nhà sách trên địa bàn TP Hồ Chí Minh như nhà sách Trí Việt, Thăng Long, Nguyễn Văn Cừ... những đầu sách tâm lý, sức khỏe, tình yêu, gia đình như: "Đắc nhân tâm", "Hạt giống tâm hồn", "Quẳng gánh lo đi và vui sống", "7 nguyên tắc thành đạt", "Quà tặng diệu kỳ"... được rất nhiều độc giả yêu thích và tìm mua. Mặc dù sách có cùng một tên nhưng mỗi cuốn sách lại mang tên một nhà xuất bản khác nhau.
Trưởng Phòng quản lý báo chí - xuất bản, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Khanh cho biết, theo quy định về liên kết xuất bản, khi một NXB muốn liên kết xuất bản với một NXB khác phải thực hiện các bước như: hợp đồng liên kết, gửi bản thảo, sau đó những NXB liên kết có trách nhiệm đọc và duyệt bản thảo. Trước khi xuất bản 10 ngày, NXB phải nộp lưu chiểu cho cơ quan chức năng, sau 10 ngày cơ quan chức năng không có ý kiến mới được phát hành. Tuy nhiên, có một số NXB thường không làm theo nguyên tắc trên mà chỉ xin giấy phép từ Cục Xuất bản xong bán giấy phép đó cho các NXB khác. Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng cũng đã phát hiện nhiều trường hợp không biên tập, xử lý nội dung, khi có giấy phép xong về tự làm trực tiếp, không cần duyệt qua nội dung hoặc nếu duyệt chỉ duyệt qua loa rồi cho xuất bản trên thị trường.
Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã cấm lưu hành một số sách có nội dung vi phạm và chưa được duyệt kỹ khi đưa ra phát hành như: Cuốn sách "Sợi xích" (NXB Hội Nhà văn) của tác giả Lê Kiều Như, cuốn sách tranh "Sát thủ đầu mưng mủ" (NXB Mỹ Thuật) của họa sĩ Nguyễn Thành Phong, cuốn sách "Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông" của Nguyễn Vĩnh Nguyên (NXB Hội Nhà văn và Phương Nam Book).... Trong đó, cuốn "Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông" là dạng sách "bán" giấy phép, không được đơn vị cấp phép biên tập lại nội dung. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, chủ yếu là do năng lực cạnh trạnh của một số NXB còn yếu kém, một số NXB chưa tự tìm kiếm được những đầu sách hay, có nội dung hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam nên mới liên kết xuất bản, "bán" giấy phép.
Bên cạnh tình trạng "bán" giấy phép xuất bản, tình trạng in ấn sách lậu, sách cấm, sách kém chất lượng cũng diễn ra tràn lan, không chỉ làm rối loạn hoạt động kinh doanh sách mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền tảng tri thức của người đọc.
Khó xử lý vi phạm
Theo báo cáo của Cục Xuất bản thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, trong sáu tháng đầu năm 2012, Cục đã xử lý 49 đầu sách vi phạm nội dung. Trong đó, có những nội dung về vấn đề lịch sử nhưng không được biên tập, thẩm định kỹ đã dẫn đến sai sót số liệu, sự kiện và nhân vật lịch sử; sách có nội dung về vấn đề tôn giáo, nhưng không được biên tập kỹ gây hoang mang cho bạn đọc và dư luận.
Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng cũng đã bắt giữ, lập biên bản nhiều cơ sở, cá nhân hành nghề in và tiêu thụ sách lậu, nhưng cho đến nay tình hình in lậu sách vẫn ngày càng gia tăng cả về số lượng, địa bàn hoạt động và phương pháp hoạt động ngày càng tinh vi hơn. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do việc truy quét và xử lý sách lậu vẫn còn mang tính hình thức, mức xử phạt hành chính đối với các cơ sở in lậu còn quá nhẹ so với lợi nhuận mà họ thu về từ việc in sách lậu. Ông Nguyễn Văn Khanh cũng nhìn nhận: "Việc dẹp nạn in sách lậu, sách vi phạm xuất bản còn rất khó khăn bởi lực lượng của chúng ta còn quá mỏng, trong khi đó lực lượng in lậu rất nhiều. Để giải quyết tình trạng trên cần có sự phối hợp đồng bộ ở các cơ sở và các cơ quan liên ngành, đồng thời cũng phải tăng cường công tác tuyên truyền".
Ngoài ra, một số NXB cũng cho rằng, để hạn chế các loại sách kém chất lượng được lưu hành trên thị trường thì cần siết chặt công tác thẩm định và in ấn của các công ty phát hành sách. Đẩy mạnh hơn nữa việc xử phạt nghiêm khắc một số NXB dễ dãi trong việc cấp phép xuất bản, thực hiện chưa nghiêm Luật Xuất bản, tạo điều kiện cho các cuốn sách lậu ra đời. Đồng thời, các NXB cũng nên khởi kiện những đơn vị vi phạm. Chẳng hạn ngày 26-9 vừa qua, Công ty First News - Trí Việt cùng Công ty Luật Quốc tế Thiên Việt công bố đã hoàn tất hồ sơ, chứng cứ để khởi kiện Công ty TNHH Giáo dục quốc tế Mỹ (Hà Nội) về vi phạm bản quyền các giáo trình tiếng Anh với mức yêu cầu bồi thường thiệt hại là 729 triệu đồng. Giám đốc First News - Trí Việt Nguyễn Văn Phước, cho biết trước đó tại TP Hồ Chí Minh, công ty cũng đã khởi kiện thành công hai vụ xâm phạm bản quyền sách của đơn vị. Theo ông Phước, đến nay First News đã bị in lậu 175 tác phẩm.
Theo Báo Nhân dân
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Bùi Bằng Đoàn với sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước
- Xuất bản hai cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc
- Tái bản một số ấn phẩm tiêu biểu nhân kỷ niệm 133 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xuất bản bộ sách về lịch sử ngành Công Thương
- Đề cương về văn hóa Việt Nam – Khởi nguồn và động lực phát triển
- Sách tương tác góp phần đánh thức tiềm năng của trẻ
- Xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay theo quan điểm của Đảng
- Đổi mới hoạt động thư viện, phát triển kỹ năng đọc cho thiếu nhi
- Cần tăng đầu tư cho đúng tầm vóc Giải thưởng Sách quốc gia
- Những điều cần biết khi xây dựng tủ sách cho trẻ em
- Sách nói và cuộc đụng độ giữa các nền tảng
- Các xu hướng sách nói trong năm 2023