Hội nghị cơ quan chủ quản nhà xuất bản năm 2011

Ngày đăng: 16/12/2011 - 10:12

Sáng 15-12-2011, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị cơ quan chủ quản nhà xuất bản và giao ban công tác xuất bản 6 tháng cuối năm 2011. Tới dự có Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn; Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thế Kỷ cùng đại diện lãnh đạo một số cơ quan cấp Bộ, nhà xuất bản và các cơ quan hoạt động trong lĩnh vực xuất bản… Đồng chí Hoàng Phong Hà, Phó Giám đốc Thường trực, Phó Tổng Biên tập, Bí thư Đảng ủy cơ quan Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật đã tới dự.

Thu-truong-Bo-Thong-tin-va-

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Tình hình hoạt động xuất bản 6 tháng cuối năm 2011 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2012

Theo báo cáo của Cục Xuất bản, tính đến 12-12-2011, toàn ngành đã xuất bản được hơn 20.000 cuốn sách với gần 267 triệu bản (đạt 110% về cuốn và 103% về bản so với 2010). Trong khi đó, lượng văn hóa phẩm đạt gần 26 triệu bản so với năm ngoái, riêng lịch bloc là 17,6 triệu bản.

Mặc dù năm 2011 toàn ngành đã gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng phần lớn các nhà xuất bản đã khắc phục, vươn lên, chủ động khai thác nguồn bản thảo trong và ngoài nước, tổ chức có hiệu quả việc xuất bản nên vẫn bảo đảm số lượng đầu sách và hiệu quả kinh tế. Nội dung sách bám sát nhiệm vụ chính trị, yêu cầu thông tin, nghiên cứu của nhiều đối tượng bạn đọc, nổi bật là sách phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền, đưa Nghị quyết Đại hội XI của Đảng vào cuộc sống, đặc biệt là xuất bản phẩm phục vụ nhiệm vụ chính trị mang tính thời sự, cấp bách. Một số nhà xuất bản và Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao đã xuất bản một số đầu sách, tài liệu liên quan đến việc bảo vệ chủ quyền biên giới đất liền và biển, đảo quốc gia, đưa ra những cơ sở mang tính pháp lý, góp phần khẳng định chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải và hải đảo của Việt Nam. Bên cạnh đó, dưới sự chỉ đạo của cơ quan quản lý, các nhà xuất bản đã tập trung xuất bản được nhiều đề tài về chăm sóc sức khỏe, quản lý kinh tế, khoa học, công nghệ, nông nghiệp, pháp luật… phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế giai đoạn 2011-2015… Nhìn chung, các xuất bản phẩm xuất bản nhằm tôn vinh những thành quả của đất nước đã đạt được, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tôn vinh những đóng góp to lớn của nhiều thế hệ người Việt Nam trong quá trình chiến đấu, bảo vệ chủ quyền và xây dựng đất nước phát triển.

Tuy nhiên, nội dung một số xuất bản phẩm vẫn bộc lộ những hạn chế, yếu kém dẫn đến những sai sót về các sự kiện lịch sử, các nhân vật lịch sử; hoặc xuất bản những tác phẩm không có tính giáo dục; hoặc có yếu tố sex thô tục, phản cảm, gây phản ứng cho dư luận và bạn đọc; đặt ra những vấn đề trái chiều, nhìn nhận, đánh giá lại một số nhân vật lịch sử khác với chính sử; thể hiện sai chủ quyền quốc gia… Sự buông lỏng quản lý của cơ quan chủ quản các nhà xuất bản là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến xuất bản phẩm của nhà xuất bản có nhiều sai sót.

Về công tác quản lý nhà nước, các cơ quan chủ quản đã thực hiện tốt công tác xây dựng và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, công tác đọc kiểm tra xuất bản phẩm và xử lý vi phạm… Bên cạnh đó, các cơ quan còn tham gia chấm giải sách phục vụ Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tại Ban Tuyên giáo Trung ương; phối hợp với Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Giải thưởng Sách Việt Nam lần thứ VII; tổ chức các lớp tập huấn Thông tư đặt hàng xuất bản phẩm sử dụng ngân sách nhà nước và Thông tư quy định về xuất bản tài liệu không kinh doanh tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; tham gia Hội chợ sách quốc tế tại Trung Quốc, Nga, Đức…

Năm 2012, ngành xuất bản cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm: tiếp tục xuất bản các loại sách, tài liệu tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết Đại hội XI của Đảng vào cuộc sống; lựa chọn những xuất bản phẩm có giá trị để xuất bản, phục vụ có hiệu quả Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; xuất bản sách, tài liệu phục vụ nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới đất liền và biển, đảo quốc gia; tổ chức các hoạt động tổng kết 7 năm thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW của Ban Bí thư; chuẩn bị sửa đổi, bổ sung Luật xuất bản và kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành xuất bản.

Nâng cao hơn nữa chất lượng công tác chủ quản

Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn An Tiêm, Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương, khẳng định: Đóng góp vào kết quả của ngành xuất bản trong thời gian qua, ngoài những nỗ lực, sự tìm tòi, đổi mới, sáng tạo không ngừng của các nhà xuất bản, của lãnh đạo, biên tập viên, cán bộ các nhà xuất bản; sự phối hợp ngày càng nhịp nhàng giữa các nhà xuất bản với các đơn vị in ấn, phát hành; cần phải khẳng định vai trò quyết định của các cơ quan chủ quản nhà xuất bản. Tuy nhiên, không thể phủ nhận những tồn tại và hạn chế của hoạt động xuất bản hiện nay có trách nhiệm rất lớn của các cơ quan chủ quản nhà xuất bản.

Quang-canh-Hoi-nghi

Quang cảnh Hội nghị

Để khắc phục hạn chế, tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng công tác chủ quản, đồng chí Nguyễn An Tiêm đề nghị các cơ quan chủ quản và nhà xuất bản cần quan tâm đến năm vấn đề:

Một là, tăng cường phối hợp thực hiện nghiêm các qui định trong 3 Quyết định 281, 282 và 283 của Ban Bí thư về công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động xuất bản, chú trọng thực hiện tốt nhiệm định hướng, tập trung chỉ đạo xây dựng chiến lược phát triển và định hướng nội dung tư tưởng trong hoạt động xuất bản.

Hai là, tiếp tục tăng cường đầu tư cơ cở vật chất, kỹ thuật, trụ sở làm việc, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách phù hợp, hỗ trợ và có cơ chế cần thiết giúp cho nhà xuất bản khai thác nguồn bản thảo, tổ chức xuất bản tài liệu, sách trong phạm vi ngành, địa phương mình phụ trách. Riêng đối với khối cơ quan chủ quản nhà xuất bản địa phương, cần chỉ đạo tăng cường mối quan hệ giữa nhà xuất bản với các đơn vị trong ngành ở địa phương như: in, phát hành và hệ thống thư viện.

Ba là, tạo dựng vị thế cho nhà xuất bản trong mối quan hệ với các đơn vị chức năng trong ban, ngành địa phương tương xứng với vị trí, chức năng của hoạt động xuất bản. Xây dựng, hoàn hiện quy chế hoạt động giữa cơ chủ quản và nhà xuất bản, tập trung xây dựng tổ chức Đảng, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, công tác tổ chức cán bộ, công tác thi đua, khen thưởng.

Bốn là, các nhà xuất bản cần chủ động xây dựng chương  trình, kế hoạch, đề xuất giải pháp khả thi, giúp cơ quan chủ quản thực hiện tốt chức năng và trách nhiệm của mình. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng quan hệ với các đơn vị trong ngành, địa phương, tìm kiếm nguồn bản thảo có chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao ý thức, trách nhiệm, bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, nhân viên, đặc biệt là trách nhiệm của giám đốc, tổng biên tập, biên tập viên trong các nhà xuất bản.

Năm là, nâng cao năng lực lãnh đạo của các tổ chức đảng; các cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, cơ quan chủ quản tập trung xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ lãnh đạo các nhà xuất bản thuộc quyền từ nay đến năm 2020 theo Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) và các nghị quyết, chỉ thị, quy định khác của Đảng; rà soát, đánh giá công tác quy hoạch cán bộ; việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nguồn; chuẩn bị đội ngũ kế cận các chức danh chủ chốt; bố trí cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín vào các vị trí quan trọng, nhất là ở khâu nội dung; kiên quyết đưa những người không đủ phẩm chất, năng lực ra khỏi cơ quan xuất bản.

Đại diện các cơ quan chủ quản, các cơ quan quản lý và một số nhà xuất bản đã có những ý kiến, tham luận góp phần xây dựng một cơ chế hoạt động có sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà xuất bản; đồng thời có sự phối hợp để cùng nhau tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất bản những năm vừa qua để tiến tới quy hoạch ngành xuất bản từ nay cho đến năm 2020.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, đồng chí Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã đánh giá cao những kết quả mà ngành xuất bản đã đạt được trong thời gian qua. Thứ trưởng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xuất bản cần chủ động tham gia, đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật xuất bản sửa đổi đang được xây dựng cho phù hợp với tình hình mới. Đây là công việc quan trọng, cần có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, nhà xuất bản. Các cơ quan chủ quản cần củng cố và tăng cường đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực nhằm góp phần đưa hoạt động xuất bản phát triển đúng hướng, đúng pháp luật. Các nhà xuất bản cần tập trung tổ chức tốt các hoạt động chào mừng kỷ niệm những ngày lễ lớn trong năm 2012.

Phạm Ngọc Huệ

Bình luận