Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28/11/2013, có hiệu lực từ ngày 01/01/2014. Hiến pháp gồm 11 chương, 120 điều, quy định về chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ quốc; Quốc hội; Chủ tịch nước; Chính phủ; Tòa án nhân dân; Viện kiểm sát nhân dân; chính quyền địa phương; Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước; hiệu lực của Hiến pháp và việc sửa đổi Hiến pháp.
Hiến pháp là đạo luật cơ bản, có hiệu lực pháp lý cao nhất của quốc gia, quy định những vấn đề cơ bản nhất về chủ quyền quốc gia, chế độ chính trị, chính sách kinh tế, văn hóa, xã hội cách thức tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước, địa vị pháp lý của con người, công dân. Hiến pháp năm 2013 là kết quả của sự kế thừa các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 và là sự thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).