Hội nghị giao ban cơ quan chủ quản nhà xuất bản năm 2021

Ngày đăng: 14/01/2022 - 08:01

Sáng 12/01/2022, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban cơ quan chủ quản nhà xuất bản năm 2021. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo.​ 

Các đồng chí: Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Hoàng Vĩnh Bảo, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam chủ trì Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị

Hội nghị còn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương; đại diện lãnh đạo các cơ quan chủ quản nhà xuất bản; các đồng chí Giám đốc, Tổng Biên tập, đại diện lãnh đạo các nhà xuất bản; phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và thành phố Hà Nội. PGS.TS. Phạm Minh Tuấn, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật dự Hội nghị.

Hiện nay, cả nước có 57 nhà xuất bản, trong đó có 15 nhà xuất bản hoạt động theo mô hình doanh nghiệp (Công ty TNHH một thành viên 100% vốn Nhà nước) và 42 đơn vị sự nghiệp công lập. Trong năm 2021, các nhà xuất bản thực hiện xuất bản và nộp lưu chiểu 29.274 cuốn sách in với 350 triệu bản, 2.300 xuất bản phẩm điện tử với 25 triệu lượt truy cập và 1.374 xuất bản phẩm loại khác với 25,6 triệu bản.

Đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương trình bày Báo cáo công tác chủ quản xuất bản năm 2021, một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2022

Đánh giá chung về công tác chủ quản xuất bản, đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, nhờ sự chỉ đạo, định hướng thường xuyên của cơ quan chủ quản, năm 2021, hầu hết các nhà xuất bản đã khắc phục được khó khăn, thích ứng linh hoạt với tình hình dịch bệnh Covid-19. Nhiều nhà xuất bản đã sáng tạo trong xây dựng kế hoạch, phát hành nhiều bộ sách, đầu sách, phục vụ kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của đất nước, của ngành và địa phương.

Nhiều cơ quan chủ quản thực hiện tốt công tác theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nhà xuất bản kịp thời tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, tăng cường hiệu quả trong liên doanh liên kết. Một số nhà xuất bản đã nhận được sự hỗ trợ tài chính, đầu tư cơ sở vật chất hoặc chính sách đặt hàng của cơ quan chủ quản, tạo điều kiện để nhà xuất bản ổn định hoạt động và tăng cường hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng theo đồng chí Trần Thanh Lâm, một số nơi, cơ quan chủ quản còn khoán trắng, để nhà xuất bản tự hoạt động. Hiện tượng “dễ dãi” của một số nhà xuất bản cho ra đời những đầu sách “vô bổ”, thiếu giá trị tiếp tục diễn ra. Năng lực của ngành nhìn chung còn nhiều hạn chế dẫn đến việc nhiều nhà xuất bản chưa thực sự thích ứng với cơ chế thị trường, chạy theo lợi nhuận đơn thuần, tiếp tục phụ thuộc vào đối tác liên kết, buông lỏng quản lý liên kết, để cho các đối tác liên kết thao túng nội dung ấn phẩm, tạo ra những hệ lụy, ảnh hưởng chức năng định hướng, giáo dục, trang bị tri thức của xuất bản; nhiều ấn phẩm có chất lượng nội dung văn hóa thấp, nhận thức lệch lạc, gây bất lợi cho công tác tư tưởng của Đảng...

Đồng chí Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trình bày Báo cáo hoạt động xuất bản và công tác chủ quản năm 2021

Báo cáo về hoạt động xuất bản và công tác chủ quản năm 2021, đồng chí Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông thông tin, năm 2021 các nhà xuất bản đã có nhiều nỗ lực trong việc khai thác, tổ chức bản thảo, xuất bản được nhiều xuất bản phẩm có giá trị, phục vụ kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của đất nước, đặc biệt là việc xuất bản các xuất bản phẩm phục vụ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Do tác động của đại dịch Covid-19, các chỉ số về sản lượng, doanh thu của hoạt động xuất bản đều giảm, tuy nhiên mức giảm thấp so với nhiều lĩnh vực truyền thông và dịch vụ văn hóa khác.

Đặc biệt, các nhà xuất bản đã rất nhanh nhạy, thích ứng tốt để biến khó khăn thành cơ hội, đưa ra những phương án đối phó kịp thời với tình hình đại dịch Covid-19, kích hoạt và thúc đẩy mạnh việc bán sách qua ứng dụng công nghệ để phục vụ kịp thời nhu cầu tìm hiểu về sách, đọc sách của nhiều đối tượng bạn đọc... Một số cơ quan chủ quản đã có sự hỗ trợ, đầu tư cho nhà xuất bản trong việc phát triển xuất bản điện tử…

Đồng chí Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh, cùng mục tiêu phấn đấu tăng trưởng của ngành xuất bản đến năm 2025, để đưa ngành xuất bản phát triển thành ngành kinh tế, công nghệ hiện đại thì trước hết phải đầu tư hạ tầng, nhân sự kỹ thuật để ứng dụng công nghệ thông tin, đưa xuất bản điện tử thành mũi nhọn phát triển.

PGS.TS. Phạm Minh Tuấn, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật trình bày tham luận “Vai trò và định hướng của công tác xuất bản sách lý luận, chính trị của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật trong giai đoạn hiện nay”

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tham luận, nêu ý kiến nhằm đánh giá kết quả công tác chủ quản xuất bản trong năm 2021; chỉ ra những ưu điểm cùng những hạn chế còn tồn tại trong hoạt động xuất bản và công tác chủ quản; nhận diện xu hướng, thách thức và từ đó xác định những nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2022 và trong giai đoạn tới.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã biểu dương, ghi nhận nỗ lực của các cơ quan chủ quản, nhà xuất bản trong khai thác, tổ chức bản thảo, cho ra mắt nhiều xuất bản phẩm có giá trị, phục vụ đắc lực các nhiệm vụ chính trị của đất nước. Đồng chí đề nghị cơ quan chủ quản tiếp tục quan tâm, có chính sách hỗ trợ, đầu tư đối với hoạt động của các nhà xuất bản. Tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, công nghệ, hiện đại hóa hoạt động xuất bản, đặc biệt là công nghệ cho xuất bản điện tử nhằm xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp nền kinh tế số, xã hội số và công dân số trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; vận dụng các giải pháp linh hoạt để tạo nguồn vốn, trụ sở cho đơn vị, bảo đảm để đơn vị có thể hoạt động và phát triển.

Bình luận