Tác phẩm Lê Khả Phiêu tuyển tập, tập II (1999-2010) tuyển chọn 116 bài nói, bài viết, trả lời phóng vấn của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu qua 11 năm, từ bài đầu tiền đầu năm 1999 đến bài viết gần nhất vào ngày 3-2-2010. Các bài viết, bài nói được sắp xếp theo trình tự thời gian.
Trên cương vị là Tổng Bí thư của Đảng (1998-2001), đồng chí Lê Khả Phiêu đã dành toàn bộ tâm huyết của mình cho công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức để Đảng xứng đáng là đội tiên phong lãnh đạo đất nước tiến hành thắng lợi sự nghiệp đổi mới vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh trong giai đoạn lịch sử đầy khó khăn, thử thách để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Muốn lãnh đạo sự nghiệp đổi mới thành công, công tác xây dựng Đảng phải là nhiệm vụ then chốt trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng chí Lê Khả Phiêu xác định: Để bảo đảm sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng phát triển vững chắc, đúng hướng, … trên cơ sở nắm vững lập trường và phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu quán triệt sâu sắc và phổ biến rộng rãi hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng một cách sáng tạo vào sự nghiệp đổi mới. Toàn Đảng, toàn dân ta luôn kiên định mục tiêu lý tưởng, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Bác Hồ đã chọn. Và đồng chí nhấn mạnh: “Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là tư tưởng yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội, là biểu hiện cao đẹp của văn hiến Việt Nam, của bản chất xã hội chủ nghĩa. Học tập tư tưởng và đạo đức của Người chính là để củng cố và nâng cao tính giai cấp công nhân của dảng viên, lòng yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội của toàn dân tộc ta”.
Từ vị trí then chốt của công tác xây dựng Đảng, từ yêu cầu của thời kỳ mới, từ thực trạng của Đảng ta, Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII đã bàn và quyết định những nhiệm vụ cơ bản và cấp bách của công tác xây dựng Đảng. Trong diễn văn khai mạc Hội nghị quan trọng này, với tinh thần trách nhiệm rất cao trước Đảng và nhân dân, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã phân tích thực trạng của Đảng một cách đầy nhiệt huyết và sâu sắc. Đồng chí cho rằng qua các thời kỳ và cho đến hiện nay, Đảng ta có điểm chưa thật mạnh, có mặt chưa thật vững, trong đó đáng chú ý là tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Và chính từ Hội nghị quan trọng này, Ban Chấp hành Trung ương đã có một quyết định đặc biệt quan trọng là phải tiến hành cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tự phê bình và phê bình. Cuộc vận động đã góp phần nâng cao tính đảng, tính chiến đấu, ý thức tự giác trong tự phê bình và phê bình để công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt chất lượng cao.
Đồng chí cũng nêu lên trong điều kiện một đảng duy nhất lãnh đạo đất nước, việc Đảng lãnh đạo xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh và có hiệu lực, kiện toàn tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị, luôn luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Khi nói đến một trong những nguy cơ của Đảng cầm quyền là xa dân, thiếu dân chủ, và dân vận ngày càng ít được chú trọng, vì vậy trong nhiều bài viết, bài nói, đồng chí thường xuyên nhắc nhở vấn đề dân chủ, dân vận và sự đoàn kết dân tộc.
Vào các dịp ngày lễ, ngày kỷ niệm, những bài viết, bài nói của đồng chí Lê Khả Phiêu đều toát lên sự kiên định, nhiệt huyết và trung thành với mục tiêu lý tưởng. Là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng chí quan tâm đến nhiều giới, nhiều ngành và lĩnh vực, từ khoa học, giáo dục – đào tạo đến văn hóa, văn nghệ, báo chí, quân sự, ngoại giao, từ công tác xóa đói giảm nghèo đến việc giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng, từ người cao tuổi cho đến thanh thiếu niên, nhi đồng. Ở diễn đàn nào cũng thấy toát lên từ đồng chí sự nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm. Mặc dù công việc của người lãnh đạo cao nhất của Đảng rất bộn bề, đồng chí luôn luôn yêu cầu cán bộ lãnh đạo phải sát dân, gần dân, gắn bó với nhân dân và chính quyền cơ sở, và bản thân đồng chí đã dành thời gian đi nhiều nơi, nhiều địa phương, đơn vị nắm bắt tình hình để có những quyết định kịp thời, đúng đắn.
Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đảng (3-2-1930-3-2-2010), ông đã công bố bài viết quan trọng Đảng Cộng sản Việt Nam tám mươi xuân. Đây là thời điểm rất hệ trọng để ông trình bày một số ý kiến tâm huyết của mình. Kỷ niệm 80 năm thành lập Đảng, không có gì quý hơn là phát huy tinh thần gan góc của dân tộc, truyền thống của giai cấp công nhân trước mọi bão tố của cách mạng, xây dựng bản lĩnh kiên cường, đánh giá đúng tính hình chiến lược, ngày càng vận hành nhuần nhuyễn mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thực hiện chỉ thị số 37 – CT/TW của Bộ chính trị, các cấp bộ Đảng tiến hành đại hội tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Về công tác nhân sự luôn luôn là việc hệ trọng của mọi cấp ủy Đảng. Trong tình hình tham nhũng nghiêm trọng hiện nay, ông kiên quyết đề nghị: “Nhất thiết không giới thiệu, không đưa vào danh sách, không bầu cử những người tham nhũng, những người không kiên định độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, không có khả năng thực tế, thiếu gắn bó với nhân dân, không dũng cảm tự phê bình và phê bình. Đấu tranh loại bỏ tệ chạy chức, chạy quyền mua lòng nhau để kiếm phiếu”. Là người am tường tình hình và phải tâm huyết, có trách nhiệm cao ông mới đề xuất một cách quyết liệt như thế.
Ngoài những bài viết, bài nói có tính chỉ đạo, định hướng ông còn có những bài viết cảm động về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vô cùng gian khổ nhưng anh hùng của dân tộc ta. Với tư cách là người trong cuộc, không lúc nào ông thôi nhớ về một thời máu lửa, về những năm tháng chiến tranh ác liệt. Ông đã viết về con đường huyền thoại Trường Sơn; về chiến công và những bài học xương máu từ cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân năm 1968 ở Huế; về phong trào kháng chiến của nhân dân Lào và tình bạn trong sáng, thủy chung, mẫu mực Việt – Lào; về ngày 7-1-1979 – ngày chế độ Pônpốt diệt chủng bị đập tan, đất nước Camphuchia hồi sinh. Những trang viết của ông về tình đồng đội, đồng chí, những hy sinh mất mát để làm nên chiến thắng đã làm xúc động người đọc.
Phần cuối cuốn sách là những trang viết sâu sắc, chân tình mà ông dành để ngợi ca các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tướng lĩnh tiêu biểu của quân đội ta qua các thời kỳ. Đó là các đồng chí: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Tố Hữu, Võ Nguyên Giáp, Chu Huy Mân, Đoàn Khuê, Phạm Văn Xô, Trần Kiên, v.v..
Với hơn 900 trang sách, với những bài viết, bài nói giàu tính chiến đấu, cảm xúc chân thành đã thể hiện nhất quán phong cách Lê Khả Phiêu - kiên định, nhiệt huyết với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân, nghĩa tình, thủy chung với đồng bào, đồng chí - phong cách một quân nhân, một nhà lãnh đạo, một người cộng sản chân chính.