Cuốn sách Luật Bảo hiểm xã hội (hiện hành) (sửa đổi, bổ sung năm 2015, 2018, 2019) là văn bản được hợp nhất giữa Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và phần nội dung đã sửa đổi bổ sung bởi ba luật: Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch và bộ luật lao động năm 2019 tạo thành một văn bản về bảo hiểm xã hội thống nhất thuận tiện cho bạn đọc trong việc tra cứu và áp dụng.
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 01/01/2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018. Luật quy định về chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội; quyền và trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm xã hội, tổ chức đại diện tập thể lao động tổ chức đại diện người sử dụng lao động; cơ quan bảo hiểm xã hội quỹ bảo hiểm xã hội; thủ tục thực hiện bảo hiểm xã hội và quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội. Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có nhiều điểm mới thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, là một bước tiến về việc đảm bảo quyền con người, chăm lo cho người lao động có cuộc sống ổn định lâu dài.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như: diện bao phủ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật cũng như quy mô tham gia bảo hiểm xã hội trên thực tế còn thấp; quỹ hưu trí và tử tuất khó bảo đảm cân đối trong dài hạn; quy định điều kiện về thời gian tối thiểu được hưởng lương hưu quá chặt chẽ dẫn đến số người đang tham gia rồi bỏ hệ thống bảo hiểm xã hội trước tuổi nghỉ hưu khá lớn… Từ thực tế trên, việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 là rất cần thiết. Những hạn chế, bất cập đó đã được sửa đổi, bổ sung trong Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch và Bộ luật Lao động năm 2019.