Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân gồm 10 chương, 98 điều. Ngoài quy định những vấn đề chung về bầu cử như: nguyên tắc bầu cử, tuổi bầu cử và tuổi ứng cử, tiêu chuẩn của người ứng cử, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong công tác bầu cử,…; Luật quy định những vấn đề liên quan tới: dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; đơn vị bầu cử và khu vực bỏ phiếu; cơ cấu, tổ chức, nguyên tắc hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng bầu cử quốc gia và các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương; danh sách cử tri; ứng cử và hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; tuyên truyền, vận động bầu cử; nguyên tắc và trình tự bỏ phiếu; kết quả bầu cử; bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; xử lý vi phạm pháp luật về bầu cử và điều khoản thi hành.
Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 25/6/2015; có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2015 và thay thế Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 31/2001/QH10 và Luật số 63/2010/QH12, Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân số 12/2003/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 63/2010/QH12.
Đây là tài liệu hữu ích giúp độc giả nắm được, hiểu rõ các quy định pháp luật về bầu cử trong bối cảnh cả nước đang hướng tới cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.